Theo các chuyên gia an ninh mạng, những người làm việc tại nhà dễ bị hacker tấn công hơn do không được bảo vệ một cách đầy đủ. Các nhà nghiên cứu tại Zscaler, công ty bảo mật toàn cầu, cho biết, từ tháng 1 đến nay các vụ tấn công trên Internet đã tăng từ 15 đến 20%. Thuật ngữ liên quan đến "virus corona" hoặc "Covid-19" được sử dụng nhiều để đánh cắp thông tin người dùng hoặc cài những phần mềm độc hại vào thiết bị cá nhân.
Những người bị hacker tấn công không những đối mặt với rủi ro cá nhân mà có thể trở thành cửa hậu để tin tặc xâm nhập vào hệ thống dữ liệu của tổ chức.
Dưới đây là những cách đơn giản để mỗi người có thể tự tăng cường bảo mật khi làm việc tại nhà.
Cập nhật phần mềm
Việc đầu tiên nên làm là cập nhật phần mềm trên cả máy tính lẫn các thiết bị cầm tay. Khi các nhà phát triển ứng dụng đưa ra bản cập nhật, họ thường khắc phục lỗi, thêm tính năng mới, trong đó bảo mật là vấn đề được đặc biệt quan tâm.
Thi thoảng, những bản cập nhật này có thể không tương thích, khiến thiết bị hoạt động chậm đi hoặc lỗi phần mềm khiến bạn không thể làm việc bình thường. Lúc này, nên đọc trước những nội dung khuyến cáo của nhà phát triển.
Xác thực hai yếu tố
Nếu tin tặc tấn công vào thiết bị cá nhân, bạn có thể bị đánh cắp nhiều thông tin quan trọng, như tên tài khoản, mật khẩu. Tuy nhiên, nếu bạn kích hoạt chế độ xác thực hai yếu tố, tin tặc sẽ có ít cơ hội hơn. Ngoài ra, bạn cũng được thông báo nếu có kẻ lạ cố truy cập vào tài khoản của mình.
Người dùng có thể xác thực hai yếu tố qua email, số điện thoại hoặc ứng dụng từ bên thứ ba.
Tăng cường an ninh cá nhân
Những người dùng máy tính bàn để làm việc tại nhà thường dùng các phần mềm mặc định, trong đó có cả phần mềm diệt virus. Các ứng dụng này thường miễn phí nên khả năng bảo mật thường không cao và ít được cập nhật. Nếu có thể truy cập vào VPN của công ty, bạn nên dùng mạng ảo nơi mình làm việc để được bảo vệ tốt hơn. Dịch vụ VPN cá nhân chủ yếu bảo vệ quyền riêng tư của người dùng chứ không bảo vệ dữ liệu người dùng khỏi các phần mềm độc hại.
Nếu dùng laptop, bạn cũng nên cài thêm phần mềm diệt virus để quét hoặc cảnh báo những phần mềm lạ. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo bộ phận kỹ thuật vì có thể phần mềm diệt virus sẽ không cho phép bạn truy cập vào dữ liệu của công ty.
Cảnh giác với thông báo lạ
Tương tự các tin giả về Covid-19, bạn cũng nên cảnh giác với những tin nhắn đáng ngờ của tin tặc và các thành phần lừa đảo. Theo Microsoft, 91% các cuộc tấn công trên Internet bắt đầu bằng một email độc hại. Một số có thể hứa hẹn gửi đến bạn những thông tin quan trọng về dịch bệnh nhưng trên thực tế, khi bạn nhấp chuột vào đường link hoặc tải tập tin về, đó là một phần mềm ăn cắp dữ liệu. Máy tính ngay lập tức bị tấn công, người dùng có thể mất quyền kiểm soát.
Công nghệ Deepfake thậm chí có thể giả giọng nói, video và yêu cầu bạn làm một số việc bất thường, như chuyển tài liệu mật, chuyển tiền cho ai đó xa lạ. Trong trường hợp này, bạn nên gọi điện lại để kiểm tra, thông báo với những người có liên quan trước khi hành động.
Theo VNE