11 thói quen xấu khi dùng điện thoại di động

Thứ năm, 24/05/2012, 01:14
Những thói quen xấu nhưng khá phổ biến: sạc điện thoại qua đêm, không tắt chuông khi cần thiết, dùng điện thoại dưới mưa, không để lại tin nhắn sau tiếng “bíp”..


>>Vì sao nên trang bị smartphone?
>>Trẻ em nghiện dùng ĐTDĐ là do di truyền? 

1. Để điện thoại sạc qua đêm
 


Có thể do cảm thấy thuận tiện hoặc vì quá lười biếng, nhiều người có thói quen cắm sạc điện thoại mỗi tối trước khi đi ngủ và để qua đêm. Việc cắm điện thoại quá lâu có thể gây nóng điện thoại, tích điện thừa không tốt cho nguồn của máy. Ngoài ra, cắm sạc khi máy đã đầy còn gây lãng phí năng lượng.
 
2. Không tắt chuông khi cần thiết
 


Tắt chuông điện thoại ở những nơi yêu cầu yên lặng như trong rạp chiếu phim, thư viện, phòng họp.. là một phép lịch sự tối thiểu ai cũng cần biết. Tuy nhiên, vẫn có những người vô tình hay cố ý quên mất điều này.
 
3. Dùng điện thoại dưới trời mưa
 


Trong khi người ta thừa biết điện thoại có thể hư hỏng khi bị rơi, vì một số lý do kỳ lại, họ lại cho rằng sẽ chẳng có gì xảy ra nếu dùng điện thoại dưới mưa, thậm chí cả những cơn mưa nặng hạt. Chớ quên là nước và các linh kiện điện tử không hề ưa gì nhau.
 
4. Nói chuyện điện thoại trong hoàn cảnh không thích hợp
 


Một buổi tối thứ sáu, cô gái được “người ấy” hẹn để đưa ra một lời đề nghị ngọt ngào, nhưng người bạn trai ngồi vào bàn mà vẫn nói chuyện không ngừng trên điện thoại, bất chấp người bồi bàn kiên nhẫn đứng chờ gọi món.

Hãy đặt mình vào vị trí của cô gái đó và cả người bồi bàn, bạn sẽ hiểu việc nói chuyện điện thoại quá lâu trong những thời điểm không thích hợp có thể gây bất tiện và tác hại như thế nào.
 
5. Không để lại tin nhắn sau tiếng “bíp”

Nhiều người yêu cầu để lại tin nhắn thoại sau tiếng “bíp” phòng trường hợp họ không thể bắt máy. Để lại tin nhắn là hành động nhằm chứng tỏ tầm quan trọng của cuộc gọi, vì thế nếu bạn không thực hiện, người được gọi sẽ không tránh khỏi nghĩ rằng đó chỉ là một cuộc gọi tầm phào.

6. Nói chuyện điện thoại quá to
 


Nhiều người có thói quen nói chuyện điện thoại quá to như thể chỉ có một mình họ ở những nơi công cộng. Đây là một lỗi phổ biến mà bạn nên tránh nếu không muốn trở thành một kẻ vô duyên và làm phiền người khác.
 
7. Mở loa ngoài khi nghe điện thoại chỗ đông người

Ngay cả khi cuộc hội thoại không có gì bí mật, đừng bắt người khác phải miễn cưỡng lắng nghe giọng nói của người gọi cho bạn, đặc biệt ở những nơi đông người.

8. Nhắn tin khi đang nói chuyện với người khác

Bạn đang có một cuộc trò chuyện sôi nổi với một nhóm bạn bè hoặc đồng nghiệp thì có một người bỗng rút điện thoại ra và không ngừng nhắn tin. Sau đó, rất có thể bạn sẽ phải tạm ngừng câu chuyện để nhắc lại những gì mình vừa kể cho người này. Điều đó thật là phiền phức và gây mất hứng. Ngay cả khi chỉ đối thoại hai người, nếu thực sự cần thiết, hãy ngỏ ý bạn cần phản hồi một vài tin nhắn và hoàn tất trước khi tiếp tục câu chuyện.

9. Mang điện thoại vào bàn ăn
 

 
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, bạn háo hức trở về nhà dùng bữa tối – khoảng thời gian tuyệt vời để gắn kết cả gia đình. Tuy nhiên, có một thành viên ngồi vào bàn ăn mà vẫn liên tục chơi game hoặc nhắn tin SMS trên điện thoại thay vì trò chuyện với mọi người. Đây là một lỗi thường gặp ở trẻ em hoặc thanh niên, thậm chí là người lớn.

10. Quá "đắm đuối” chiếc điện thoại
 

 
Có được một chiếc điện thoại nhãn hiệu cao cấp khiến bất cứ ai cũng muốn khám phá mọi chi tiết về nó, nhưng sau một khoảng thời gian, mối quan tâm đó thường phai nhạt dần. Tuy nhiên, vẫn có những người thường xuyên và luôn luôn quá “đắm đuối” chiếc điện thoại của mình mà quên lãng mọi việc và mọi người xung quanh.

11. Xao nhãng khi lái xe vì dùng điện thoại
 

 
Không cần phải hỏi, sử dụng điện thoại trong lúc tham gia giao thông, đặc biệt khi lái xe là một việc làm nguy hiểm và có thể dẫn tới những tác hại nghiêm trọng.
 

Theo ictnews

Các tin cũ hơn