Những ứng dụng đơn giản như trò tô màu, tập hát, từ điển Việt Anh tích hợp hình ảnh, âm thanh… khiến con trai anh mê tít.
“Chỉ vài lần cho nghịch là cháu thích mê, nên tôi cũng dạy thêm để cháu vừa chơi vui, vừa được tiếp xúc sớm với những sản phẩm công nghệ này. Cháu rất thông minh, có thể một mình chơi cả buổi với cái máy, chán ứng dụng này thì tự động mở ứng dụng khác mà cháu thích” – anh Nam tự hào khoe.
Nhiều lúc cả nhà sum vầy, vợ chồng anh thích thú cho con ngồi nghịch iPad của bố, ông bà nội cũng xuýt xoa khen cháu nội giỏi giang, thông minh “hơn cả bố cháu ngày xưa”.
Anh Nam thậm chí còn có ý định mua một chiếc iPad cũ để con vừa chơi vừa học: “Tôi thấy cháu rất có năng khiếu tiếng Anh, vừa chơi, vừa học sớm cũng tốt, sau này đi học cháu sẽ học nhanh hơn. Tôi bàn với vợ mua một chiếc iPad cũ, cài những ứng dụng đơn giản để nếu phải gửi ông bà trông cháu thì cho cháu chơi. Cháu thích, mà ông bà chăm cháu cũng không vất vả, lợi cả đôi đường”.
Một điều “lợi” khác mà vợ anh thích hơn cả, là nhờ những chiếc máy nhỏ xíu này, chị được rảnh rang hơn nhiều mỗi khi chăm sóc, chơi với con. Bởi lẽ, chỉ cần cho cháu ra chơi với máy tính, điện thoại là cháu ngồi rất ngoan, không quấy nhiễu, làm phiền mẹ. Rèn những thói quen ngày thường cho con như ăn uống, đi chơi hay làm bất cứ việc gì, chị chỉ việc lấy “pát” ra làm phần thưởng, là cu cậu răm rắp nghe theo.
Cũng tự hào không kém khi con mình sớm biết sử dụng nhoay nhoáy ti vi, đầu đĩa, laptop, iPhone… là chia sẻ của chị Kim Anh (Cầu Giấy - Hà Nội).
“Hai vợ chồng tôi đi làm suốt, nhà có bà nội trông cháu nhưng bà nhiều lúc cũng bận việc này việc kia. Thương con nên trong phòng riêng của cháu, ngoài rất nhiều đồ chơi tôi sắm đầu đĩa, ti vi laptop đủ cả để hai chị em cháu vừa chơi vừa học. Con chị thì không thích thú lắm, nhưng thằng em mới tí tuổi đầu đã biết tha thẩn tự ngồi nghịch loạn xạ mọi thứ. Bây giờ dù không có bà, không có chị, nó vẫn ngồi trong phòng ngoan lắm. Xem ti vi chán thì bật vi tính chơi trò chơi, đói thì ăn, buồn ngủ thì ngủ… Tôi cũng yên tâm phần nào” – chị Kim Anh chia sẻ.
Lợi bất cập hại
Tự hào, vui mừng là vậy, nhưng sau những phút hỉ hả thấy con dùng các phương tiện công nghệ thành thạo không thua gì người lớn, không ít bố mẹ đã phải điên đầu khi con mình bị chi phối mạnh mẽ vì những sản phẩm này.
“Nhiều lúc phát khổ vì con, khổ vì iPhone!” - chị Hằng (Đê La Thành kể). Con gái chị sắp vào lớp 1, nhưng lúc nào hai mẹ con cũng có “chiến tranh” chỉ vì chiếc điện thoại iPhone đời mới của chị.
Cha mẹ thường không lường trước được cái mất về lâu dài trong đời sống cảm xúc của trẻ khi giao phó chúng cho các "bảo mẫu" công nghệ. Ảnh: Petrotimes.
“Lúc mới mua về, tôi cũng hào hứng chụp ảnh, quay phim cho con rồi cả nhà cũng xem. Những lúc rảnh rỗi, hay khi ngồi trên ô tô tôi cũng đưa cho cháu mượn chơi, dạy cháu những chức năng cơ bản. Thấy cháu tò mò, thích thú tôi cũng cho rằng vô hại, không ngờ lâu dần, mẹ không “nghiện” mà con lại “nghiện”.
Theo đó, con gái chị hễ đi đâu thì thôi, gần mẹ là lại rền rĩ đòi nghịch iPhone. Nếu chị không đồng ý, cô bé thể nào cũng giận dỗi, nhiều lúc còn vùng vằng, khóc lóc. “Có những hôm cả nhà đi ăn sáng, trong lúc ăn, cháu vẫn chúi mũi vào chơi trò chơi. Tôi không đồng ý thì cháu giận, vừa ăn vừa khóc!”.
Khó chịu là vậy, nhưng các bậc bố mẹ không làm sao “cai” được cho mình, và cho chính con khỏi những món đồ công nghệ hiện đại này. Trong nhiều gia đình trẻ hiện đại dường như không thể thiếu sự hiện diện của những sản phẩm công nghệ này. Chuyện gia đình có bốn người, mỗi người một món đồ, iPad, điện thoại, máy nghe nhạc… là hết sức bình thường. Không ai hay biết, những “người trông trẻ” bất đắc dĩ đang lặng lẽ xâm chiếm khoảng thời gian riêng tư của cả gia đình.
Theo Genk