Xóa bỏ tình trạng cô lập sau hôn nhân của phụ nữ
Vài tháng sau ngày cưới, đồ vật được Garima Gupta nâng niu nhất trong những của hồi môn mang về nhà chồng là chiếc ĐTDĐ do anh trai cô tặng.
Sau khi cưới, Garima Gupta chuyển từ một thị trấn sầm uất thuộc quận Karnal, bang Haryana (Ấn Độ) về nhà chồng tại một ngôi làng nhỏ ngoài Aga, thuộc vùng lân cận Uttar Pradesh. Giống như với nhiều phụ nữ Ấn Độ khác, cuộc sống của Gupta thay đổi rất nhiều.
Theo tục lệ chung tại Ấn Độ, một trong số những thay đổi lớn nhất giữa cuộc sống trước và sau hôn nhân của người phụ nữ là không được mang họ cũ của gia đình. Tên hồi con gái của Garima Gupta là Kumud Mittal. Garima Gupta là tên gọi mới do mẹ chồng cô chọn cho.
Điện thoại di động giúp phụ nữ Ấn Độ tự chủ hơn.
Người phụ nữ trẻ 22 tuổi nói: “Gia đình nhà chồng tôi không phải không tốt, nhưng khi đó tôi mới 19 tuổi, tôi chưa từng đi tới nơi đâu ngoài Karnal, xa khỏi gia đình, bạn bè. Cách họ gọi tôi khiến tôi cảm thấy thật cô đơn giữa thế giới mới”.
Tại Ấn Độ, các nhà nghiên cứu chỉ mới bắt đầu tìm hiểu những tác động từ sự bùng nổ của thị trường ĐTDĐ đối với cuộc sống phụ nữ. Đối với những người như Gupta, việc được tiếp cận ĐTDĐ có thể phá vỡ sự cô lập sau hôn nhân.
Gupta cho biết, việc có ĐTDĐ riêng đã đặt cô vào vị trí cao hơn so với các chị em dâu, những người phải dùng chung điện thoại với chồng. ĐTDĐ là phương tiện quý giá để cô liên lạc với gia đình ở xa, đặc biệt vì ngôi làng mà nhà chồng cô sinh sống không có đường dây điện thoại cố định hoạt động, mặc dù gia đình họ khá giàu có. Gupta không được học hành nhiều và không biết đọc biết viết. Nếu không có điện thoại, đời sống hôn nhân của cô sẽ bị hoàn toàn cô lập.
Việc truy cập ĐTDĐ có thể thúc đẩy cuộc sống của phụ nữ theo những cách khác. Trong báo cáo gần đây, Dayoung Lee, một nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford, California (Mỹ) lưu ý rằng: “ĐTDĐ giảm đáng kể những trường hợp người vợ cam chịu bị đánh đập, hoặc người chồng quá kiểm soát vợ, tăng sự tự chủ cũng như sự tự lập về kinh tế cho phụ nữ”. Với ĐTDĐ, phụ nữ có thể cầu cứu sự hỗ trợ và can thiệp bên ngoài về tình trạng bạo lực trong gia đình.
Vẫn còn nhiều rào cản
Tỷ lệ sử dụng ĐTDĐ tại Ấn Độ cao hơn nhiều so với điện thoại cố định, với khoảng 700 triệu thuê bao. Chính đặc điểm dễ sử dụng và giá thành tương đối rẻ đã khiến ĐTDĐ trở nên hấp dẫn. Điện thoại có thể vượt qua những rào cản của sự mù chữ mà Internet không thể. Theo số liệu của Chính phủ Ấn Độ, chỉ 65,5% phụ nữ Ấn Độ biết chữ, so với 82% nam giới.
Khoảng cách về giới cũng tồn tại trong việc sử dụng ĐTDĐ. Theo nghiên cứu tiến hành bởi Quỹ phát triển GSMA và quỹ Cherie Blair, chỉ 28% phụ nữ Ấn Độ sở hữu ĐTDĐ, so với 40% nam giới. Ngoài ra, có thêm 20% phụ nữ có thể dùng nhờ điện thoại của người thân hoặc bạn bè.
Con số này còn thấp là do nhiều phụ nữ nông thôn không có các thông tin nhận dạng và địa chỉ cần thiết đối với người dùng điện thoại. Trong một số trường hợp, đàn ông đi đăng ký kết nối điện thoại cho vợ ở nhà.
Tiền bạc cũng quyết định khả năng tiếp cận ĐTDĐ. Trong một nghiên cứu được tiến hành với các chủ mỹ viện, đầu bếp và người bán cá tại Mumbai, Aneela Babar, Judith Shaw và Marika Vicziany, đã nhận ra sự liên quan trực tiếp giữa thu nhập và việc sử dụng điện thoại. Hầu hết các chủ mỹ viện, người có thu nhập cao nhất, đều có điện thoại. Những người bán cá có thu nhập ít nhất thì không đủ tiền mua điện thoại, mặc dù họ tin rằng nếu có một chiếc điện thoại, công việc buôn bán của họ sẽ tốt hơn nhiều.
Nghiên cứu này chỉ ra rằng, những gia đình có thu nhập thấp thường chỉ có một chiếc điện thoại do người đàn ông đứng đầu gia đình sở hữu, phụ nữ thường ít khi hoặc không được sử dụng.
Theo ictnews