Theo bài báo vừa đăng trên tạp chí Biology Letters, nhà nghiên cứu Amanda Franklin và đồng nghiệp ở ĐH Melbourne (Australia) phát hiện ra điều này khi quan sát loài mực lùn phương nam.
Một cặp mực lùn đang "ân ái". (Nguồn: Livescience)
Đối với một số động vật, giao phối đòi hỏi sự hy sinh tuyệt đích. Nhện chăng lưới hình cầu đực là một ví dụ. Loài nhện này tình nguyện trở thành thức ăn cho con cái trong quá trình giao phối, kéo dài cuộc “ân ái” và nhằm truyền lại gen cho con chúng. Đây là chỉ trường hợp hãn hữu, nhưng nhìn chung giao phối đòi hỏi rất nhiều sức lực và năng lượng.
Điều này đặc biệt đúng với loài mực lùn phương nam (Euprymna tasmanica), một loài động vật thân mềm và tròn chỉ dài 7cm. Mực lùn thường chết sớm, giao phối với nhiều bạn tình trong suốt cuộc đời ngắn ngủi kéo dài 1 năm. Mỗi lần giao phối của chúng có thể kéo dài tới 3 giờ, khiến chúng bị vắt kiệt sức lực tới mức sau đó không làm gì nổi nữa.
Trong lúc giao phối, con đực bám và ôm trọn lấy con cái. Sau cuộc “mây mưa”, cả mực đực và mực cái đều bơi rất lờ đờ. Chúng chỉ có thể bơi được nửa quãng đường so với bình thường. Điều này có nghĩa là chúng còn rất ít năng lượng để có thể tìm thức ăn, tránh kẻ thù, phát triển hay tìm bạn tình mới. Tiếp tục thử nghiệm, các nhà nghiên cứu thấy rằng giao phối cường độ cao và kéo dài là một trong những nguyên nhân khiến mực lùn không thể sống lâu.