Khi 2013 vừa khép lại với nhiều vụ việc thì 2014 đã bắt đầu với hai phiên tòa đang thu hút chú ý, vì đứng trước tòa là những người từng giữ chức vụ quan trọng, trong những ngành quan trọng trong bất cứ chế độ xã hội nào như công an, ngân hàng..
Cùng thời điểm đó, một vụ việc đáng tiếc khác xảy ra tại Nhà máy Samsung Thái Nguyên, khi hàng ngàn công nhân ẩu đả với các bảo vệ. Nhiều người phải cấp cứu, nhiều tài sản bị phá hủy. Những hình ảnh, video clip trên các mạng xã hội miêu tả cảnh náo loạn.
Chắc chắn sau vụ việc này, những vấn đề về kỷ luật lao động, chất lượng lao động và đào tạo... sẽ được đặt ra kỹ lưỡng hơn. Đặc biệt ở những khu công nghiệp tập trung nhiều nhân công.
Đám đông đã đốt cháy vài chục xe máy. Ảnh VTC |
Nhưng một vấn đề sâu xa hơn, đáng lưu tâm hơn: tại sao đến nỗi và từ bao giờ người dân trở nên liều lĩnh như vậy? Trong trường hợp nhà máy Samsung Thái Nguyên, lực lượng công an khi đến giải quyết vụ xung đột công nhân - bảo vệ đã phải hứng cơn giận của đám đông.
Vì sao vậy?
Có một điểm chung sau hàng loạt sự vụ xảy ra vừa qua. Bác sĩ, công an, bảo vệ, dân phòng.. đều khoác những sắc phục biểu tượng cho công việc chuyên ngành của họ, được Nhà nước cấp phép và pháp luật bảo vệ. Nghĩa là, bộ sắc phục trên người họ không chỉ thể hiện chức vụ và chuyên môn của người mặc; mà nó còn mang tính đại diện.
Thế nhưng, khi một người công an đứng trước vành móng ngựa; thì hình ảnh nói riêng của anh ta đã làm 'lu mờ' hàng trăm hàng ngàn đồng đội khác đang đối diện với hiểm nguy, vất vả để bảo vệ xã hội.
Một học sinh chết trong đồn khiến cho người dân quên mất điều hiển nhiên 'chỉ một ngày, hay một giờ không có lực lượng công an, đường phố, xã hội sẽ hỗn loạn'. Một bác sĩ tráo kết quả, ăn tiền trên sinh mạng của bệnh nhân, khiến người ta lãng quên hàng ngàn bác sĩ khác đang cứu người. Khi một bảo vệ lái xe tải lao vào các công nhân; cố tình giết chết đồng loại của mình, anh ta không chỉ đặt chính bản thân anh ta, mà còn đặt hàng ngàn bảo vệ khác vào thế 'đáng sợ' trong mắt công nhân.
Xây dựng niềm tin đã khó, đánh mất càng dễ.
Khi bị ngập lụt trong những trăn trở về cuộc sống, người dân mất phương hướng, niềm tin và cô độc. Họ chọn cách tự bảo vệ mình bằng số đông. Từ khi nào những đám đông vây kín trụ sở cơ quan nhà nước, bệnh viện khi bị xử oan; khi có người nhà chết dưới tay bác sĩ? Và thậm chí, từ khi nào hàng nghìn người dân cùng ký vào văn bản nhận là người đánh chết trộm chó? Nếu không phải họ bám víu vào niềm tin 'số đông' và chỉ có chính họ, dựa vào sự gắn kết của những người thấp cổ bé họng, nhưng đông đúc - sẽ bảo vệ họ?
Những người công nhân ở Thái Nguyên can cớ gì xông vào 'đánh hội đồng' những người bảo vệ; tấn công lực lượng cảnh sát; dù họ hiểu điều tối thiểu: vi phạm pháp luật sẽ bị trừng phạt.
Đương nhiên ý thức kỷ luật, ý thức công dân và hành động của những công nhân này là không thể chấp nhận, họ sẽ bị pháp luật nghiêm trị; nhưng bên cạnh sẽ còn lại điều suy nghĩ: niềm tin của của 'số đông' đã bị tổn thương.
Các nạn nhân đang được cấp cứu trong bệnh viện. Ảnh VTC |
Chưa lúc nào 'số đông' dễ bị tổn thương, kích động như hiện nay. 'Số đông' sẵn sàng hành hung đồng loại, hủy hoại tài sản; hành động bất chấp các nguyên tắc/quy tắc xã hội và cộng đồng. Và dù thừa nhận hay không, 'những người mặc sắc phục' đang trở thành đối tượng để họ trút giận.
Vụ việc ở nhà máy Samsung Thái Nguyên cần được đánh giá kỹ. Hơn lúc nào hết, dư luận cần những thông tin chính thức và tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo địa phương. Vụ việc có nơi nói nặng, có chỗ bảo nhẹ. Không phải việc tranh luận khái niệm 'nặng' 'nhẹ' trong tiếng Việt, mà thông tin thể hiện quan điểm chính thống của Thái Nguyên hoàn toàn không khớp với các nguồn thông tin khác. Thêm một lần nữa, niềm tin lại bị thử thách.
Đã không còn sớm khi nói để không còn những số đông dễ kích động, phải thay đổi từ cái nhỏ nhất, như là câu chữ trong một thông báo trên cổng thông tin của UBND tỉnh vậy!
Theo VNN