Vụ bắt cóc trẻ sơ sinh: Xuất hiện nghi vấn mua bán trẻ em

Thứ tư, 15/01/2014, 10:08
Nghi phạm bắt cóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Q.7 (TP.HCM) Lê Thị Bích Trâm (25 tuổi, ngụ Q.7, tạm trú huyện Bình Chánh) bị sảy thai 5 tháng nhưng gia đình chồng không hay biết, bản thân người chồng cũng không hay. Trong diễn biến khác liên quan vụ án, nhiều nghi vấn về hành vi vi phạm của Trâm đang được công an tiếp tục làm rõ.

Giấu đầu, hở đuôi

Sau khi Trâm bị Công an Q.7 bắt giữ để điều tra về hành vi “chiếm đoạt trẻ em”, L.V.L. (28 tuổi) - chồng nghi phạm tỏ ra rất hối hận vì cho rằng mình là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật của vợ.

Vẻ mặt ủ rũ, anh L. cho biết: “Tôi cũng không ngờ do những câu nói đùa “Nếu con (thai nhi, lúc Trâm đang mang bầu - PV) bị làm sao thì anh bỏ em đó” mà Trâm lại suy nghĩ nông cạn, đi bắt con người ta về. Bây giờ tôi chẳng biết sao nữa, chỉ thương vợ thôi”.

Bắt cóc, trẻ em, sơ sinh, Lê Thị Bích Trâm

Thủ phạm bắt cóc trẻ sơ sinh, Lê Thị Bích Trâm

Khi chúng tôi đặt vấn đề, vì sao trong khoảng thời gian Trâm bị sảy thai khoảng năm tháng, hai vợ chồng vẫn ở cùng nhau mà L. lại không phát hiện? L. im lặng, lát sau trần tình: “Trong thời gian Trâm có thai, bị nghén nên khó chịu trong người, hai vợ chồng cũng thường xuyên xảy ra cãi vã”.

Trong khi đó, theo lời những thành viên trong gia đình chồng Trâm, trong khoảng thời gian này, do nhìn Trâm mập mạp, bụng to (Trâm độn bụng - PV) nên gia đình không nghi ngờ.

“Thời gian này, chị Trâm vẫn luôn thể hiện mình là người đang mang bầu, khi chuẩn bị tới kỳ sinh nở, chị còn mua rất nhiều sữa loại đắt tiền, mua tã giấy để chuẩn bị cho việc sinh nở nên gia đình không nghi ngờ gì cả”, em chồng Trâm, chị L.K.T. cho biết.

Tuy nhiên, cũng theo chị T., chị là người phát hiện nhiều nghi ngờ khi Trâm bất ngờ đưa bé trai về nhà và nói là mình mới sinh. “Em cũng vừa sinh con xong, khi chị Trâm đưa bé về, em thấy một người phụ nữ vừa sinh không thể có những hành động, bước đi nhanh nhẹn được như vậy.

Cộng với thông tin em đọc trên báo thấy mô tả nhân dạng về người phụ nữ bắt cóc trẻ sơ sinh tại Q.7 rất giống với chị dâu nên đã báo cho mẹ em, gặng hỏi mãi chị Trâm mới thừa nhận đó không phải là con mình. Sau đó cả gia đình động viên chị ra đầu thú”, chị T. kể lại.

Những mâu thuẫn trong lời kể của Trâm càng thể hiện nhiều nghi vấn, khi sáng ngày 8/1, Trâm tự đi đến Bệnh viện Từ Dũ để nằm chờ sinh rồi gọi điện thông báo cho gia đình nhà chồng biết. Sau đó, chồng Trâm chạy xe qua Bệnh viện Từ Dũ thì Trâm bảo đợi bên ngoài rồi tắt điện thoại cho đến khi mang bé trai về nhà nói là con mình vừa sinh.

Khi được gia đình chồng hỏi: Sao khi đi sinh mà không báo ai thì Trâm cho biết, lúc đi sinh có mẹ ruột đi cùng. Tuy nhiên, cũng trong ngày Trâm mang bé trai về nhà, cha mẹ ruột Trâm hỏi (lúc này gia đình chồng Trâm có mặt): sao khi đi sinh không báo cho cha mẹ biết thì sự việc mới vỡ lở.

Theo chị T. sáng 13/1, lúc công an vận động gia đình để Trâm đưa trả đứa bé, chị là người bên cạnh động viên Trâm: “Chị nắm chặt lấy tay tôi rồi nói, chị sợ lắm. Chị làm thế có tồi tệ không em, rồi chị khóc, tôi cũng không biết nói gì nữa, chỉ biết động viên chị đó là hành động sai và nên đưa trả lại đứa bé”.

Chị T. chính là người bế cháu bé trao trả lại cho công an. Chỉ vào giỏ quần áo, các bình sữa bày la liệt trên giường, bà N., mẹ chồng Trâm nghẹn ngào nói: “Nó mua đủ thứ cho em bé. Nó dại dột nghĩ quẩn, gia đình tôi cũng không trách cứ gì nó”.

Nhiều nghi vấn

Trong một diễn biến khác liên quan đến vụ án, Công an Q.7 cho biết, hôm qua (14/1), cơ quan này vẫn tạo điều kiện để Trâm nghỉ ngơi, lấy lại bình tĩnh.

Tuy nhiên, một nguồn tin từ Công an Q.7 cho biết, quá trình lấy lời khai ban đầu của nghi phạm Trâm, có nhiều mâu thuẫn, công an đang phải xác minh cụ thể. Theo đó, việc bắt được Trâm, trao trả bé trai cho cha mẹ ruột, là do một nguồn tin quan trọng của một người phụ nữ.

Người phụ nữ này trình bày với công an, chị có gặp Trâm ở Bệnh viện Từ Dũ thời gian trước. Chị cũng đang cần nhận một bé trai về nuôi và có trao đổi số điện thoại với Trâm. Người phụ nữ này cho biết, sáng ngày 10/1 (một ngày sau vụ bắt cóc, lúc này Trâm chưa bị gia đình phát hiện bắt cóc trẻ sơ sinh - PV), Trâm có điện cho chị thông báo về việc đang có một bé trai, rao bán với giá 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, khi ấy thông tin về vụ bắt cóc trẻ sơ sinh đã gây chấn động dư luận, người phụ nữ này cũng ngờ ngợ về việc Trâm chính là thủ phạm vụ bắt cóc nên từ chối mua.

Những thông tin người phụ nữ này cung cấp rất quan trọng cho ban chuyên án. Chị cung cấp thêm một số địa điểm mà Trâm có mặt, trong đó có một chi tiết Trâm từng ở Q.8, khớp với thông tin công an xác minh (trước đó gia đình Trâm ở Q.8, sau đó chuyển qua huyện Bình Chánh).

Từ đó, Công an Q.7 khoanh vùng, xác định được Trâm chính là nghi phạm bắt cóc bé trai. Tuy nhiên, Công an Q.7 cũng xác định những thông tin trên chỉ là lời khai ban đầu, một phía của người cung cấp thông tin. Hiện Công an Q.7 vẫn đang tiếp tục đấu tranh để xác định chính xác hành vi phạm pháp của Trâm.

Bộ trưởng Bộ Công an thưởng nóng ban chuyên án

Trước thành tích khám phá nhanh vụ án “chiếm đoạt trẻ em” của Công an Q.7 (TP.HCM), Bộ trưởng Bộ công an Trần Đại Quang đã gửi thư khen và thưởng nóng 10 triệu đồng cho đơn vị này.

Bộ trưởng Trần Đại Quang đánh giá cao thành tích của Công an Q.7 trong việc khám phá nhanh vụ án, bắt giữ kẻ gây án, giải cứu cháu bé an toàn để bàn giao cho gia đình. Bộ trưởng Trần Đại Quang còn chỉ đạo, Công an TP.HCM cần khẩn trương điều tra, hoàn chỉnh hồ sơ, để sớm đưa vụ án ra xét xử trước pháp luật.

Ngày 14/1 đại diện Sở Y tế, đại diện UBND Q.7 đã tặng bằng khen kèm tiền thưởng cho họa sĩ Phan Vũ Linh - giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM.

Họa sĩ Linh chính là người phác họa chân dung nghi can bắt cóc trẻ sơ sinh qua lời kể của cha mẹ cháu bé và các nhân chứng, giúp Công an Q.7 khám phá nhanh vụ án.

Công an Q.7 cũng đang làm đề xuất lên Ban giám đốc Công an TP.HCM để đề nghị khen thưởng họa sĩ Phan Vũ Linh và người phụ nữ cung cấp thông tin.

Theo Phụ nữ TP.HCM

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích
  • 23H.SHOP Hệ thống cửa hàng mẹ và bé