Nhờ có “vỏ bọc” này, Tuấn đã tham gia vào đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia mà không hề ai biết với vai trò “người vận chuyển” hàng trắng.
Đi vay tiền để… buôn ma túy
Những ngày đầu năm giá rét, phóng viên đã về Trường Trung cấp Nghề giao thông vận tải (GTVT) Bắc Giang để tìm hiểu về đối tượng Lương Minh Tuấn (SN 1974, trú khu 2, thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, Bắc Giang) - một mắt xích quan trọng trong đường dây ma túy buôn bán ma túy do Nguyễn Thị Hạnh (tức Phạm Thị Hiền, SN 1965, quê Sơn La, trú quận Hoàng Mai, Hà Nội) tổ chức.
Bị cáo Nguyễn Thị Hạnh tại phiên tòa diễn ra tại Quảng Ninh.
Theo tài liệu điều tra, Tuấn là một trong những “đệ tử” thân cận của Hạnh nên những chuyến hàng ma túy lớn, Hạnh đều giao cho Tuấn vận chuyển. Có những chuyến hàng lên đến 70 bánh heroin. Nhưng điều ngạc nhiên là Tuấn có một “vỏ bọc” vô cùng hoàn hảo để che giấu những hành vi phạm pháp của mình.
Ông Phạm Văn Bích - Phó Giám đốc Trung tâm Sát hạch lái xe cơ giới đường bộ thuộc Trường Trung cấp Nghề GTVT Bắc Giang cho biết: Thời điểm Tuấn bị cơ quan công an bắt giữ vào tháng 4/2012 về tội buôn bán ma túy, tất cả anh em trong trung tâm đều hết sức bất ngờ. Hàng ngày, Tuấn là người rất chan hòa, thân thiện trong quan hệ với đồng nghiệp và học sinh học lái xe.
“Tuấn được đánh giá là người có năng lực, một giáo viên giỏi của trường. Cậu ấy từng nhận bằng khen vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và một lần đoạt giải nhì ở cuộc thi tay lái giỏi do Bộ GTVT tổ chức. Tuấn là tổ trưởng tổ giáo viên nên hàng ngày đều phải đến cơ quan để phân công công việc cho anh em. Quan hệ với đồng nghiệp và học sinh đến học lái xe cũng rất tốt, không có biểu hiện bất thường”.
Là một trong những đồng nghiệp chơi thân với Lương Minh Tuấn trong cơ quan, anh Trần Ngọc Thái (42 tuổi, giáo viên Trung tâm Sát hạch lái xe cơ giới đường bộ), chia sẻ: “Không thể tưởng tượng nổi việc Tuấn tham gia vào đường dây buôn bán ma túy”. Theo tâm sự của anh Thái, Tuấn được bạn bè gọi với cái tên thân mật là Tuấn “trọc”.
Tuấn là người vui tính, hòa đồng với anh em đồng nghiệp, có mối quan hệ rộng, hay đi giao lưu và nhậu nhưng chủ yếu là với các học sinh của Trung tâm Sát hạch lái xe. Tuấn đã có một vợ và một con gái. Do vợ Tuấn bị bệnh nặng, thu nhập hàng tháng chỉ khoảng 3 triệu đồng nên có thời điểm Tuấn phải bán cả nhà để chạy chữa cho vợ. Nhưng sau đó không hiểu vì lý do gì hai vợ chồng lại ly thân, Tuấn ra thuê nhà ở riêng một mình.
“Khi Tuấn đến thuê trọ ở khu gần nhà tôi ở, tôi có ghé qua chơi một vài lần thì thấy Tuấn ăn mì tôm. Trong nhà cũng không có gì ngoài một cái tủ đựng quần áo với một cái giường. Sau khi Tuấn bị bắt, có một số người đến Trung tâm tìm Tuấn để đòi nợ, nhưng khoản nợ này không lớn. Tôi cũng không hiểu vì sao Tuấn buôn ma túy mà kinh tế lại khó khăn như vậy? Có lẽ, Tuấn mới tham gia được một thời gian?” - anh Thái phỏng đoán.
Theo tài liệu điều tra, từ ngày 23/12/2011 đến ngày 8/4/2012, Lương Minh Tuấn cùng Nguyễn Thị Hạnh đã nhận từ Sa Văn Cầu (SN 1974, trú bản Là Ngà 1, Mường Sang, Mộc Châu, Sơn La, đang bị truy nã tại CHDC Lào) 180 bánh heroin để bán cho Nguyễn Thị Huệ và Nguyễn Thị Hoàn đưa sang Trung Quốc tiêu thụ.
Theo sự chỉ đạo của Nguyễn Thị Hạnh, ngày 30/1/2012, Tuấn đã nhận 12 bánh heroin từ Nguyễn Thị Loan để bán cho Nguyễn Thị Bích Ngọc chuyển ra Móng Cái bán qua Trung Quốc. Ngoài ra, khi cơ quan điều tra tiến hành khám xét phòng trọ của Tuấn (ở ngõ 2, tổ 2, khu 4, phường Trần Nguyên Hãn, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) còn phát hiện hơn 79.000 viên nén methamphetamine (ma túy đá – PV).
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, Lương Minh Tuấn đã tử vong nên cơ quan điều tra quyết định đình chỉ điều tra bị can, không truy tố trước pháp luật.
“Tái sinh” dưới tên người khác
Nếu như Lương Minh Tuấn khéo léo che giấu thân phận thì “chị cả” của Tuấn là Nguyễn Thị Hạnh còn tinh vi và xảo quyệt hơn rất nhiều trong việc này. Năm 2004, Công an tỉnh Phú Thọ lập chuyên án phá một đường dây ma túy lớn, trong đó Hạnh và chồng là Đào Minh Tuấn (SN 1957, trú Tiểu khu 6, Mộc Châu, Sơn La) có vai trò cực kỳ quan trọng.
Tuy nhiên, sau đó vợ chồng Hạnh đã kịp bỏ trốn sang Lào. Sau khi thấy tình hình đã yên ắng, vợ chồng Hạnh - Tuấn tìm cách làm giả giấy tờ để về nước. Để thuận tiện đi lại trong quá trình bị truy nã, Hạnh đã nhờ người móc nối với Phạm Quang Khu (xã Vũ Lạc, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) làm chứng minh nhân dân (CMND).
"Khi Tuấn bị cơ quan công an bắt giữ vào tháng 4/2012 về tội buôn bán ma túy, tất cả anh em trong trung tâm đều hết sức bất ngờ. Hàng ngày, Tuấn là người rất chan hòa, thân thiện trong quan hệ với đồng nghiệp và học sinh học lái xe”. Ông Phạm Văn Bích |
Lợi dụng sự hám lợi và tắc trách của một số cán bộ xã Vũ Lạc trong công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự trong lĩnh vực cấp phát, thu đổi sổ hộ khẩu, Khu dùng sổ hộ khẩu cũ của gia đình (khi cấp mới không bị thu lại sổ cũ) tẩy xóa và ghi thông tin giả cho Hạnh, đứng tên là Phạm Thị Hiền, SN 1964 - em gái Khu.
Sau đó, Khu nhờ cán bộ xã là Trần Xuân Vinh đóng dấu giáp lai vào phần tẩy xóa, xác nhận vào phiếu khai báo để làm CMND. Khi có CMND thì làm thủ tục tách sổ hộ khẩu cũ, làm sổ hộ khẩu mới cho Hạnh.
Cũng với hành vi tương tự, thông qua Vinh, Khu, Hạnh đã làm CMND và sổ hộ khẩu giả cho Đào Minh Tuấn (mang tên Trần Văn Quân, SN 1957) và tay chân thân tín là Nguyễn Thị Loan (mang tên Phạm Thị Thủy, SN 1960) cùng hai đối tượng khác. Tất cả các chứng minh giả mạo này đều có địa chỉ tại xã Vũ Lạc, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
Sau khi thay tên đổi họ qua bộ giấy tờ tùy thân giả, vợ chồng Hạnh - Tuấn đã về nước rồi móc nối với “nhà cung cấp” ma túy Sa Văn Cầu để buôn bán ma túy từ Lào về Việt Nam. Năm 2011, Nguyễn Thị Hạnh với cái tên Phạm Thị Hiền thường xuyên lui tới căn hộ 812 khu đô thị Pháp Vân, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hinh - Tổ trưởng tổ bảo vệ khu nhà No.4, khu đô thị Pháp Vân, cho biết: “Trong thời gian từ 2011 đến năm 2012, tôi thấy một phụ nữ khoảng hơn 40 tuổi tên Hiền (tên giả của Nguyễn Thị Hạnh - PV) thường xuyên lui tới căn hộ 812 nhưng cũng không ở lại lâu, có hôm đến buổi tối sáng hôm sau lại đi ngay. Theo tôi biết, bà ấy mua lại căn hộ cho con trai và con dâu ở.
Bà Hiền tuy luống tuổi nhưng vẫn còn đẹp, vẻ đẹp khá quý phái. Bà ấy cũng tỏ ra là người rất lịch sự, mỗi lần ra vào khu nhà bà vẫn niềm nở chào hỏi mọi người. Tuy nhiên, công việc của bà Hiền là gì chúng tôi không biết, cho tới khi công an đến khám xét và tìm thấy ma túy trong căn hộ của bà ấy”.
Theo tài liệu điều tra, trong thời gian 10 năm (từ 2002 - 2012), Nguyễn Thị Hạnh cùng Đào Minh Tuấn và 23 đối tượng khác đã buôn bán, vận chuyển trót lọt 737 bánh heroin, 18kg ma túy dạng tinh thể đá và 79.128 viên ma túy tổng hợp.
34 bị cáo bị đề nghị án tử hình Sau khi công bố bản luận tội với 89 bị cáo trong 5 đường dây mua bán, vận chuyển 32.000 bánh heroin, sáng 13/1, đại diện Viện KSND tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị mức án tử hình đối với 34 bị cáo. Có 9 bị cáo bị đề nghị mức án chung thân, 9 bị cáo bị đề nghị mức án 20 năm, một bị cáo bị đề nghị mức án 18-20 năm. 32 bị cáo khác bị đề nghị mức án tù từ 36 tháng đến 16 năm. Viện KSND nhận định các bị cáo đã tham gia mua bán số lượng ma túy đặc biệt lớn; thủ đoạn tinh vi; tính chất, hành vi phạm tội đặc biệt nguy hiểm... |
Theo Dân Việt