Một số hình ảnh vụ công an bắt cán bộ kiểm lâm Thanh Hóa. (Ảnh do Công an Thanh Hóa cung cấp)
Ngày 3/8, trao đổi với PV, LS Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) phân tích: Trong vụ bắt Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm thuộc Đội Kiểm lâm cơ động số 1 - Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa để điều tra về hành vi nhận hối lộ, nhân vật tên Nguyên nhận là chủ hàng số gỗ là người đưa tiền cho Lê Đức Hải.
Ở đây có hai giả thiết được đặt ra: Thứ nhất, việc C48 đã bí mật theo dõi, bám sát vụ việc và tiến hành bắt quả tang cán bộ kiểm lâm không phải là vụ việc mà người có hành vi đưa hối lộ khai báo trước thì người đưa hối lộ đó phải chịu trách nhiệm hình sự bình thường do hành vi của mình gây ra.
Trường hợp thứ hai (vụ việc thực tế nhiều khả năng ở trường hợp này), người chủ hàng có thể là nạn nhân của hành vi nhũng nhiễu vòi tiền của cán bộ kiểm lâm từ trước đó nên đã chủ động tố giác với cơ quan điều tra. Do đó, anh ta dù có vào vai diễn đưa hối lộ nhưng đó là việc giúp cơ quan điều tra làm rõ một hành vi phạm tội khác. Khoản 2, Điều 25 của Bộ luật Hình sự quy định miễn trách nhiệm hình sự "Trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện điều tra tội phạm...".
Ở những vụ án nhận hối lộ hay mua bán trái phép chất ma túy, hàng cấm..., dư luận thường cho rằng cơ quan điều tra dùng đặc tình để cài bẫy. Tôi cho rằng cách hiểu như vậy là không đúng, bởi người nhận hối lộ, bán hàng cấm, ma túy hoàn toàn chủ động trong hành vi của mình chứ không phải do vấn đề khách quan.
"Ví dụ tôi là người vi phạm, tôi đưa tiền để cán bộ của cơ quan chức năng bỏ qua nhưng vị cán bộ không nhận thì làm sao anh ta sai được, làm sao người khác có thể "cài bẫy" được" - LS Tiến phân tích.
Trước đó, trang thông tin điện tử Công an Thanh Hóa cho biết: “Vào khoảng 9 giờ 30 phút ngày 1/8, tổ công tác của Đội Kiểm lâm cơ động số 1 do Lê Đức Hải làm tổ trưởng đã tuần tra, kiểm soát và phát hiện xe ôtô BKS 37C – 06012 trở 22m3 gỗ cẩm lai từ phía Nam ra. Qua kiểm tra, tổ công tác của Lê Đức Hải phát hiện ngoài số gỗ cẩm lai theo hồ sơ còn có gỗ xẻ giáng hương (nhóm 1) không có thủ tục vận chuyển nên tổ công tác đã yêu cầu đưa xe về trụ sở Đội Kiểm lâm cơ động số 1 để xử lý.
Tại đây, sau khi làm việc, Lê Đức Hải đã đòi chủ hàng phải đưa 100 triệu đồng cho tổ công tác để bỏ qua lỗi vi phạm. Khi Hải đang nhận tiền của chủ hàng thì lực lượng công an ập vào bắt quả tang. Khi phát hiện thấy lực lượng công an, Lê Đức Hải đã bỏ chạy lên tầng 2, vừa chạy vừa vứt lại số tiền vừa nhận hối lộ hòng tiêu hủy chứng cứ phạm tội...”.
Ngay trong sáng 2/8, Lê Đức Hải đã được C48 di lý về Hà Nội để phục vụ công tác điều tra.
Theo Dân Việt