Rất buồn khi biết thông tin
Sáng nay, 5/8, PV đã có buổi trò chuyện với Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Tổng thư ký Hội đồng Trị sự, Chánh văn phòng 1, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về sự việc xảy ra tại chùa Bồ Đề gây xôn xao dư luận những ngày gần đây.
Mở đầu câu chuyện với phóng viên, Thượng tọa Thích Đức Thiện khẳng định, về sự việc xảy ra tại chùa Bồ Đề, kết quả như thế nào thì chúng ta phải chờ cơ quan điều tra đang làm việc, sẽ kết luận.
Khu nhà mở tại Chùa Bồ Đề đóng chặt cửa từ hôm qua, 3/8. |
Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, "qua sự việc đó, về phía Giáo hội nhìn nhận sẽ rút kinh nghiệm, đây là bài học rất sâu sắc trong vấn đề quản lý. Sự việc cụ thể ở đây là các thầy do công việc Phật sự cũng nhiều nên buông lỏng sự quản lý.
Chúng ta cần nghiêm túc trong vấn đề quản lý ở đó. Còn việc mua bán ở đây, đối tượng buôn bán như thế nào cơ quan điều tra đã làm rõ rồi. Việc buôn bán trẻ em không liên quan đến sư trụ trì. Đây là khẳng định của cơ quan chức năng", Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.
Trả lời câu hỏi, "khi biết được thông tin về sự việc tại chùa Bồ Đề, Giáo hội có cảm giác nào? Thượng tọa Thích Đức Thiện nói, cảm giác chung khi biết sự việc rất là buồn. "Khi buồn thì như tôi đã nói là Giáo hội tự phải nhìn lại cách quản lý của mình.
Chính vì vậy, trong thời gian sớm nhất Giáo hội sẽ ban hành văn bản tới tất cả các Giáo hội của các tỉnh, Thành phố tiến hành rà soát và báo cáo lại về sự việc làm tự thiện để có phương hướng hoạt động cụ thể. Đồng thời, các Ban trị sự Giáo hội địa phương cũng phải tiến hành làm việc với các cơ quan chức năng để hoàn tất cả thủ tục cần thiết.
Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng khẳng định rằng, liên quan đến sự việc xảy ra tại chùa Bồ Đề, Giáo hội không có ý lảng tránh về sự việc. Nhưng, trước khi có phát ngôn chính thức cần phải xem xét rất kỹ sự việc.
"Giáo hội không được báo cáo cụ thể về sự việc này. Thật ra trong hoạt động từ thiện của Giáo hội việc làm từ thiện của Chùa Bồ Đề vẫn được nhắc đến, nhưng việc làm từ thiện không phải là kế hoạch giao cho cụ thể phải làm từ thiện như thế nào.
Giáo hội biết việc chùa nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già neo đơn, nhưng Giáo hội không phải là cơ quan chuyên môn như Bộ Lao động để có phòng, ban chức năng chuyên đi kiểm tra về sự đúng sai của sự việc", Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết.
Rà soát tất cả các chùa có công tác nuôi trẻ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, sau khi sự việc tại chùa Bồ Đề xảy ra, Trung ương Giáo hội cũng nhìn nhận sự việc này là có sự buông lỏng trong quản lý. Cho nên trong thời gian tới đây, Giáo hội sẽ cho rà soát tất cả các chùa thuộc Giáo hội Việt Nam thuộc các tỉnh, thành phố mà có tổ chức việc nuôi các trẻ cơ nhỡ, bị bỏ rơi, người già cô đơn để cùng làm sao công việc quản lý được tốt hơn; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương được chặt chẽ để tình thương của mình đúng nghĩa, không bị lợi dụng.
"Ở đây, qua những điều tra ban đầu, cơ quan cảnh sát điều tra của công an Hà Nội đã nhận xét rồi, các đối tượng cũng thuộc dạng khó khăn được nhà chùa cưu mang thì lại làm những hành động trái với quy định, trái với tâm và đi ngược lại với tâm huyết của nhà chùa.
Ở đây, tôi vẫn nói ngược trở lại là cần rút kinh nghiệm sâu sắc về việc quản lý nội bộ. Qua sự việc này, Giáo hội cũng đã đề nghị chùa Bồ Đề cần có một tổ chức quản lý chặt chẽ trong việc tổ chức các sự kiện từ thiện tại chùa", Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.
Trong buổi làm việc với PV, Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng cho rằng, báo chí cũng cần phải dùng những tít cho chính xác. Bởi nhiều khi những dẫn dắt của báo chí làm mọi người hiểu sai về sự việc. Bản chất sự việc xảy ra là cô Trang đó làm sai, bản thân thầy trụ trì cũng rất đau lòng về chuyện đó.
"Trở lại vấn đề ở đây là cần phải chấn chỉnh việc quản lý nội bộ", Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.
Làm từ thiện cũng phải chấp hành pháp luật
Trả lời về phát ngôn của Cục bảo trợ xã hội, Bộ Lao động và Thương binh Xã hội nói, dù có nhiều văn bản đôn đốc của cơ quan quản lý nhưng chùa Bồ Đề vẫn chưa thành lập cơ sở bảo trợ xã hội.
Do vậy, theo quy định của pháp luật, chùa Bồ Đề không được phép nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi, Thượng tọa Thích Đức Thiện chia sẻ, "tôi có biết là công an Hà Nội đã có kết luận là việc nuôi dưỡng là không được phép.
Còn cá nhân không nắm được, chỉ nghe thông tin trên báo chí. Tôi cũng không nắm được chùa Bồ Đề đã đăng ký là một cơ sở xã hội từ thiện chưa. Thực ra, lâu nay Giáo hội không đi sâu đi sát. Việc từ thiện xuất phát từ cái tâm thôi.
"Nhưng, qua sự việc, Giáo hội cần chấn chỉnh lại công tác quản lý, trong đó cũng có việc phải chấp hành pháp luật. Chúng ta không thể không chấp hành pháp luật được. Cũng cần phải đăng ký thành các cơ sở bảo trợ xã hội để thực hiện tốt công tác từ thiện của mình.
Nhưng, chúng tôi được biết là về việc làm từ thiện tại Chùa Bồ Đề hàng tháng chùa cũng có liên hệ với chính quyền phường Bồ Đề để thực hiện công tác trao đổi về công tác chăm sóc trẻ", Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.
Sư thầy Thích Đàm Lan là người tốt
Khi được hỏi về cá nhân thầy Thích Đàm Lan, sư trụ trì chùa Bồ Đề, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, Ni sư Thích Đàm Lan là người rất tốt. Và trong Giáo hội ni sư Đàm Lan là người rất tích cực trong công tác xã hội và những việc làm đó là cụ thể, chứ không phải là báo cáo. Thực tế thì Ni sư Thích Đàm Lan đã được công nhận là công dân Thủ đô tiêu biểu. Để có được những danh hiệu đó thì không phải chúng ta mơ hồ được.
"Tôi cũng chỉ nhấn mạnh đến cách quản lý tại chùa. Cá nhân tôi nghĩ là nguyên nhân xuất phát từ đây, do cách quản lý, chúng ta đã quản lý một cách không chặt chẽ, đã lấy tình thương bao trùm lên tất cả để cho những người mà chúng ta cưu mang lợi dụng. Vì thế cần chấn chỉnh cách quản lý", Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.
Liên quan đến sự việc này, chiều ngày 4/8, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45 - Công an TP Hà Nội) cho biết, liên quan đến thông tin mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội, gây xôn xao dư luận trong mấy ngày qua, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Thanh Trang, (SN 1978, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) là quản lý khu nuôi trẻ mồ côi tại chùa Bồ Đề và Phạm Thị Nguyệt (SN 1979, ở xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, Ninh Bình), để điều tra hành vi mua bán trẻ em theo Điều 120, Bộ Luật hình sự. Cơ quan công an cũng đã triệu tập một số đối tượng khác để lấy lời khai.
Trước đó, vào chiều ngày 1/8, cơ quan cảnh sát điều tra nhận được đơn tố giác của anh Nguyễn Thành Long (trú tại Khu đô thị Việt Hưng, Giang Biên, Long Biên, Hà Nội) về việc cháu Cù Nguyên Công, cháu bé mà anh Long vẫn thường xuyên đón ở chùa Bồ Đề về nhà chăm sóc, bị mất tích.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Phòng PC 45 đã phối hợp với Công an quận Long Biên, Hà Nội, tiến hành điều tra. Đến ngày 2/8, cơ quan cảnh sát điều tra đã tiến hành bắt khẩn cấp Nguyệt và Trang.
Theo VnMedia