Các thợ lặn đã tập trung tìm xác chị Huyền dưới chân cầu Thanh Trì trong nhiều ngày nhưng không có kết qủa. 9 tháng sau, đến ngày 18/7, thi thể nạn nhân nổi lên cách nơi này khoảng 4km. |
Ngày 8/8, trao đổi với PV, Phó giáo sư Nguyễn Trọng Toàn khẳng định, cơ thể người bị ném xuống nước dù còn sống hay đã chết cũng sẽ bị chìm. Sau đó việc xác có nổi hay không, sớm hay muộn lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Về trường hợp thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền (nạn nhân bị chủ thẩm mỹ viện Cát Tường ném xuống sông Hồng phi tang) khi được tìm thấy trong tình trạng không toàn vẹn, ông Toàn cho rằng, điều này có thể xảy ra bởi phụ thuộc vào môi trường nơi xác lưu lại, chẳng hạn có nhiều loài động vật thủy sinh hay không, hoặc do quá trình va đập... “Còn về thực tế, tôi chưa từng gặp trường hợp như thế này suốt mấy chục năm trong nghề”, nguyên Viện trưởng pháp y Quân đội chia sẻ.
Ông Toàn cho hay, khoa học pháp y hiện nay có khả năng chứng minh được chị Huyền chết trước hay sau khi bị ném xuống sông. Phương pháp chứng minh đơn giản là làm xét nghiệm tìm diatom (hay còn gọi là khuê tảo) trong tủy xương. Đây là một số loại tảo sống ở trong nước, tập trung nhiều ở vùng nước tù chậm lưu thông, có cấu tạo vỏ silic nên rất bền vững với axit.
Theo phân tích của ông Toàn, nếu chị Huyền khi bị ném xuống sông mà chưa chết thì sẽ hít thở và khi đó nước tràn vào đường hô hấp, vào đường tuần hoàn, rồi đi khắp nơi đến các phủ tạng trong cơ thể.
"Kết quả xét nghiệm tìm thấy khuê tảo trong phủ tạng, tủy xương sẽ chứng tỏ diatom đã vào đường tuần hoàn. Đó là căn cứ xác định sau khi rơi xuống dưới nước nạn nhân mới chết", ông Toàn nói.
Vị Phó giáo sư nhiều kinh nghiệm này cho hay, kinh phí làm loại xét nghiệm này không cao. Ở Trung tâm Pháp y – Viện Khoa học hình sự của Bộ Công an, hay Viện Pháp y Quốc gia, Viện Pháp y Quân đội cũng như nhiều trung tâm pháp y trên cả nước đều có thể thực hiện kỹ thuật giám định này.
Trong chiều 8/8, thượng tá, tiến sĩ Nguyễn Quốc Hải (Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Hà Nội, PC54), người trực tiếp thực hiện công tác giám định pháp y thi thể tìm thấy của chị Huyền, cho biết thêm: "Dọc theo phía ngoài ống quần mặc trên xác chị Huyền có nhiều mảng bám ở dạng vữa cứng. Có mảng dày 7-8cm bám dày đặc từ cạp quần đến gấu ống quần". Tuy nhiên, theo ông chưa thể khẳng định đó là ximăng hay bê tông như thông tin những ngày qua đồn thổi bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường đã đổ lên người nạn nhân. Phòng PC54 đang tiếp tục giám định để đưa ra kết luận về hiện tượng này.
Trên thi thể được tìm thấy, theo mô tả của thượng tá Hải, nạn nhân mặc áo có nền trắng, hoa cánh to màu đen, quần may dạng bò màu đen. "Quần áo không rách hay có lỗ thủng nào", ông Hải nói. Xác chết thiếu đầu, hai bàn chân và hai bàn tay. Những phần còn lại trên cơ thể có thể nhận biết được thì được xác định không có thương tích.
Theo phân tích của tiến sĩ Hải, một xác chết phân hủy lâu hay chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Đặt vào trường hợp của chị Huyền, nếu trước khi tử vong, nạn nhân có thời gian dài sử dụng thuốc tây, sau khi bị ném xuống nước, cơ thể nạn nhân bị chìm, trôi đến khu vực nước sâu, ít nhiễm khuẩn, nhiệt độ thấp, ổn định thì độ phân hủy cũng lâu hơn. "Do vậy, xác chị Huyền sau gần 10 tháng mới nổi lên cũng là điều có thể xảy ra", ông Hải nhận định.
Nhiều luật sư cho biết việc xác định chị Huyền chết trước hay sau khi bị ném phi tang có ý nghĩa quyết định đến tội danh của nghi can Tường. Luật sư Trần Chí Thanh cho rằng, nếu chứng minh được nạn nhân chết sau khi bị ném thì Tường phải đối mặt với cáo buộc giết người. Trường hợp chết từ trước thì tội danh đang khởi tố với Tường (tội Xâm phạm thi thể, mồ mả) vẫn sẽ được giữ nguyên.
Vụ án xảy ra tại thẩm mỹ viện Cát Tường vào ngày 19/10/2013 đã gây rúng động, khiến dư luận căm phẫn về hành vi mất nhân tính của bác sĩ ngoại khoa Nguyễn Mạnh Tường. Theo điều tra, sáng hôm đó, chị Huyền đến thẩm mỹ viện do Tường làm giám đốc để hút mỡ bụng, nâng ngực. Dù chưa được Sở Y tế cấp phép thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ nhưng Tường đã tiến hành công việc này từ nhiều tháng, quảng cáo rầm rộ.
Theo lời khai của Tường, vài tiếng sau ca phẫu thuật do anh ta trực tiếp đảm nhận, nạn nhân Huyền đã tử vong. Tối cùng ngày, Tường cùng nhân viên bảo vệ Đào Quang Khánh mang xác ra cầu Thanh Trì ném xuống sông Hồng phi tang.
Hơn 9 tháng sau khi vụ việc xảy ra, ngày 18/7, một người đàn ông hành nghề đánh cá trên sông Hồng đã phát hiện một thi thể không toàn vẹn cách nơi Tường chỉ đã ném xác chị Huyền khoảng 4 cây số. Việc giám định ADN được tiến hành và cơ quan công an khẳng định đây là xác chị Huyền.
Theo Tin nhanh Việt Nam