Ông Nguyễn Văn Dũng thắp hương cho những ngôi mộ trong nghĩa địa - Ảnh: La Giang |
Kỷ lục... buồn
Một ngày rong ruổi dọc theo khúc sông Hồng, chỉ chừng hơn 4 cây số từ cầu Nhật Tân tới bến đò Văn Đức thuộc xã Văn Đức, H.Gia Lâm, TP.Hà Nội, PV nhẩm tính sơ sơ đã có gần chục dân chài hành nghề vớt xác. Với dân chài lưới ven sông, chuyện thấy thi thể trôi sông như “chuyện thường ngày ở huyện”. Ông Nguyễn Văn Dũng nói như đinh đóng cột: “Ngoại trừ vào những khi trời khó quan sát ban đêm, xác chết trôi qua khúc sông này khó lọt khỏi tay tôi”.
|
Theo những bà con sống bằng nghề chài lưới mà PV tiếp xúc, ở dọc tuyến sông Hồng từ Tuyên Quang tới cửa biển Ba Lạt (tỉnh Thái Bình), hiếm dân chài nào có nhãn quan với xác chết trên sông và vượt qua “kỷ lục” vớt xác của ông Dũng.
Ông Dũng kể hồi 13 tuổi, trong một lần chăn trâu ngoài bờ sông Hồng, phát hiện thi thể lập lờ nổi trên mặt nước, chẳng cần ai mách bảo, ông đã cởi bỏ quần áo lao ra giữa dòng vớt người xấu số lên. Từ đó, nghiệp vớt xác vận vào người đàn ông suốt ngày ở trần trùng trục.
Sau mỗi lần đưa một xác trôi sông lên bờ, ông Dũng lại lấy cục gạch vạch một đường kẻ ngang lên cột nhà đến khi kín chỗ. Hơn 30 năm qua, nếu cứ đếm số vạch ngang trên cột nhà, ông Dũng đã vớt hơn 500 xác chết...
“Tôi luôn có linh cảm đặc biệt với những xác chết trôi sông. Có hôm giữa đêm đang ngủ, bỗng nhiên tôi giật mình thức dậy và tự đi ra ngoài bãi sông, hoặc có bữa giữa trưa ngồi lán mà dựng tóc gáy, y như rằng chạy ra ven bờ sông, đảo mắt quan sát là phát hiện thấy xác chết”, ông Dũng giọng trầm ngâm. Trong số những xác chết được ông Dũng phát hiện, có đủ mọi lứa tuổi, từ trẻ em chưa rụng rốn cho tới người già trên 80 tuổi.
Ông Dũng nói hầu hết các thi thể do ông vớt được không có giấy tờ tùy thân. Nhiều trường hợp, nước dềnh cao xô thi thể dạt vào bờ sông, khi nước rút xác chết mắc vào bụi cỏ sậy dần phân hủy phần thịt chỉ còn trơ lại bộ xương, nhiều phần bị chó, chuột tha đi khắp nơi. Theo kinh nghiệm quan sát, cách 2km ông Dũng có thể phát hiện được xác chết trôi sông.
“Xác người nhìn dễ lắm, thường trôi với tốc độ 5 - 6 km/giờ, nhanh hơn cả người đi bộ. Bao giờ xác chết cũng nổi rất cao trên mặt nước, chân tay quềnh quàng”, ông Dũng kể.
Mỗi lần vớt được thi thể trôi sông, trong tâm trí của người đàn ông sương gió này lại một lần khắc sâu ký ức đau buồn về cuộc sống. Hầu hết những thi thể không còn nguyên vẹn, người khuyết phần đầu, người thiếu chân, người mất tay. Nhiều thi thể mang đầy thương tích vì bị bánh lái thuyền bè va chạm khi ngược xuôi trên sông...
Nghĩa địa xác người trôi sông
Gần nửa đời người vớt xác trên sông, ông Dũng tâm sự việc mình làm vì tâm đức, chẳng bao giờ đòi hỏi điều gì bởi “thấy xác chết trôi đi không vớt lên trong lòng bứt rứt, ăn ngủ không yên”.
Thường khi phát hiện xác chết trôi sông, ông Dũng báo tin cho công an đến giải quyết. Sau khi hoàn tất các công đoạn khám nghiệm hiện trường, pháp y tử thi, xác chết lại được “bàn giao” cho ông chôn cất.
Nằm khuất giữa cánh đồng trồng đào bất tận ven sông Hồng là ngôi miếu thờ Cô Trôi, nơi các thi thể bất hạnh được ông Dũng mang đi chôn cất sau khi tiến hành khám nghiệm tử thi mà không có người nhà đến nhận. Thời còn nghèo khó, ông Dũng chỉ cuốn cho họ một manh chiếu an ủi rồi mang đi chôn. Hiện miếu Cô Trôi có hơn 60 ngôi mộ không tên cỏ mọc xanh rờn. Có thời điểm, miếu Cô Trôi có cả trên trăm ngôi mộ. Sau này, khi hay tin, người nhà nạn nhân xấu số tìm tới, xin được bốc hài cốt mang về chôn cất. “Có những người khi tìm tới, họ đưa tôi cả chục triệu đồng, lần cao nhất là 40 triệu, nhưng tôi không cần. Vì ai cũng vậy, sống phải cần anh em bạn bè, nên cứ nghĩ tới cảnh xương thịt lạnh lẽo nơi sông nước, mình không đành lòng và phải vớt họ lên, đem chôn sao cho tử tế”.
Nhưng cũng có những ngôi mộ vẫn ở đó đã hơn chục năm mà không ai tới nhận. Như để chứng minh, ông Dũng dẫn PV tới bên ngôi mộ gần miếu thờ Cô Trôi. Theo lời ông Dũng, đây là ngôi mộ của một phụ nữ khoảng 40 tuổi, được ông vớt vào năm 2003, khi đang bị phân hủy mạnh, khuôn mặt biến dạng. Theo phỏng đoán của ông Dũng, nhiều khả năng người phụ nữ trên bị giết hại, sau đó bị thủ phạm ném xác phi tang.
“Thôi thì cũng một kiếp người, chết là hết, nhưng họ không thể tìm người thân, phải nằm lại nơi xứ lạ, thì mình cũng làm sao lo cho họ được tử tế một chút, dù lúc đó chỉ đủ tiền để mua manh chiếu nhỏ quấn quanh”, ông Dũng chia sẻ. Được biết, giờ đây, nhờ chăm chỉ với nghề trồng đào, kinh tế khấm khá hơn, ông Dũng đã có điều kiện xây miếu thờ, mua quan tài, hương vàng, quần áo lo hậu sự chu đáo cho người đã mất. Vào những ngày lễ, Tết người dân ven bãi sông Hồng lại thấy bóng dáng ông Dũng lầm lũi đi lại giữa những ngôi mộ để nhổ cỏ, vun đất, thắp nhang an ủi những phận người xấu số.
Theo Thanh Niên