"Không có căn cứ để bác sĩ Tường được tại ngoại"

Thứ năm, 28/08/2014, 07:55
"Có một số quan điểm cho rằng, hết thời hạn tạm giam để điều tra thì bị cáo Nguyễn Mạnh Tường sẽ được thay đổi biện pháp ngăn chặn là không có căn cứ pháp luật", luật sư Thơm nói.

Thời gian gần đây, có quan điểm cho rằng, do thời hạn tạm giam bị cáo Nguyễn Mạnh Tường sắp hết hạn nên bị cáo này sẽ không bị tạm giam nữa, mà có thể được áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác. Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng: "Không có căn cứ thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường".

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường tại cơ quan điều tra.

Vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường được Công an Hà Nội khởi tố vào ngày 22/10/2013. Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, với mức hình phạt cao nhất một tội của các bị cáo không quá 5 năm tù thì theo quy định tại Khoản 3, Điều 8 BLHS, thuộc trường hợp “tội phạm nghiêm trọng”.

Đối với tội phạm nghiêm trọng thì Khoản 1, Điều 119, BLTTHS quy định thời hạn điều tra không quá ba tháng.

Trong trường hợp cần gia hạn điều tra, do tính chất phức tạp của vụ án thì trước khi hết hạn điều tra, CQĐT phải có văn bản đề nghị VKS gia hạn. Có thể được gia hạn hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng và lần thứ hai không quá hai tháng.

Như vậy, thời hạn điều tra tại giai đoạn điều tra tối đa đối với các bị can là 8 tháng.

Trong vụ án TMV Cát Tường, vào ngày 13/1/2014, CQĐT đã ra Bản kết luận điều tra đề nghị truy tố Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh. Đến ngày 18/2/2014, VKSND TP Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Đào Quang Khánh và Nguyễn Mạnh Tường.

Sáng ngày 14/4/2014, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh.

Tại phiên sơ thẩm, sau phần thẩm vấn các bị cáo và một số nhân chứng, nhận thấy có một số vấn đề phát sinh về chuyên môn mà HĐXX không thể giải quyết được tại phiên tòa, HĐXX đã quyết định tạm dừng phiên tòa, trả hồ sơ cho VKS và Cơ quan Cảnh sát để điều tra bổ sung.

Theo ông Thơm: Ở đây, chúng ta cần phải phân biệt, thẩm quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung của Thẩm phán khi vụ án chưa được đưa ra xét xử và thẩm quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung của HĐXX (gồm cả Thẩm phán và các Hội thẩm nhân dân) khi vụ án đã được đưa ra xét xử sơ thẩm là khác nhau.

Thẩm quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung của Thẩm phán theo qui định tại Khoản 2, Điều 121, BLTTHS được áp dụng như sau: Ở giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm thì Thẩm phán ký quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung và số lần trả là hai lần, mỗi lần không quá một tháng.

Vụ TMV Cát Tường đã được đưa ra xét xử, HĐXX đã trả hồ sơ theo qui định tại Khoản 2, Điều 199 BLTTHS.

Và khi vụ án được đưa ra xét xử thì Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa thay mặt HĐXX (gồm thẩm phán và các Hội thẩm nhân dân) quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Trong trường hợp này, luật không qui định giới hạn số lần và thời hạn trả hồ sơ điều tra bổ sung của HĐXX nên HĐXX được trả nhiều lần mà không hạn chế về mặt thời gian, nhằm thu thập chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội và tội danh của bị cáo Nguyễn Mạnh Tường theo nội dung mà HĐXX đã nhận định.

"Có một số quan điểm cho rằng, hết thời hạn tạm giam để điều tra thì bị cáo Nguyễn Mạnh Tường sẽ được thay đổi biện pháp ngăn chặn là không có căn cứ pháp luật", lời luật sư Thơm.

Khi nào bác sĩ Tường được thay đổi biện pháp ngăn chặn?

Vẫn theo luật sư Thơm, trong trường hợp bác sĩ Tường và Đào Quang Khánh có được ra tại ngoại là do các cơ quan tố tụng xem xét đơn xin bảo lãnh tại ngoại của gia đình chứ không phải do hết thời hạn điều tra phải cho tại ngoại như một số ý kiến đưa ra gần đây.

Tuy nhiên trong vụ án này, các đối tượng bị truy tố về tội nghiêm trọng, phạm cùng lúc hai tội, gây bức xúc trong dư luận xã hội, hành vi phạm tội còn có mục đích che dấu tội phạm nên rất khó có thể được thay đổi biện pháp ngăn chặn.

"Mặt khác, hiện HĐXX đang trả hồ sơ điều tra bổ sung theo hướng bất lợi cho bị cáo nên việc thay đổi biện pháp ngăn chặn là rất khó xảy ra", ông Thơm nói.

Theo VNN

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích