Sáng 28/8, TAND Hải Phòng mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Dương Tự Trọng (SN 1961, nguyên Phó giám đốc Công an TP Hải Phòng) về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trước vành móng ngựa, bị cáo Trọng mặc áo sơ mi xanh ngắn tay, tóc cắt ngắn, vẻ mặt bình thản nhưng gầy hơn so với phiên tòa cách đây vài tháng ở Hà Nội. Khi vừa được đưa vào phòng xử án, bị cáo Trọng đưa mắt xuống phía dưới như để tìm người thân.
Luật sư Nguyễn Đình Hưng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Trọng cho biết, lần gặp gần đây, thân chủ khỏe, nhưng gầy hơn so với trước, tinh thần ổn định. Trong thời gian bị giam giữ, ông Trọng đã ăn kiêng nên bệnh tật thuyên giảm và vẫn thường xuyên làm thơ.
Bị cáo Dương Tự Trọng tại tòa. |
Trả lời thẩm vấn trong phiên xử sáng 28/8, trước câu hỏi của chủ tọa Trịnh Thu Hà có lần nào gọi điện thoại kêu Đồng Xuân Phong, cán bộ Đội chống buôn lậu, Cục Hải quan Hải Phòng ra đầu thú, bị cáo Trọng trả lời: "Tôi chưa liên hệ, thậm chí tôi còn nhắc nhở anh em, động viên Phong ra đầu thú".
Chủ dọa dẫn lời khai của Phong cho thấy, năm 2010 có lần ông Trọng gọi điện thoại hỏi thăm sức khoẻ, khuyên ra đầu thú. Ông Trọng đáp: "Tôi bận quá, không còn đủ thời gian tắm làm sao mà liên hệ".
Bị cáo cho hay Công an TP.HCM và Công an Hải Phòng có phối hợp bắt tội phạm truy nã. "Cáo trạng truy tố tôi như vậy là không đúng", ông Trọng nói.
Bị cáo Dương Tự Trọng ra tòa trong sơ mi xanh, trông gầy hơn vài tháng trước. |
Theo lời khai của bị cáo, cựu phó phòng hình sự Vũ Tiến Sơn bảo có một số người có thể giúp ông Dương Chí Dũng bỏ trốn. Bí cáo Trọng sau đó có nói chuyện nhưng không biết đó là ai. "Chỉ khi đưa anh trai sang Campuchia tôi mới biết có sự tham gia của Phong", ông Trọng khai.
Chủ tọa chất vấn: "Tại cơ quan điều tra, cả Phong và Sơn đều khai bị cáo nhờ họ đưa ông Dũng bỏ trốn, bị cáo nói thế nào?". Bị cáo Trọng đáp: "Đến nay tòa nói vậy thì tôi thừa nhận. Anh em khai thế nào tôi nhận. Tôi là con người chứ không phải cái máy nhưng tôi không lợi dụng công vụ vào mục đích của tôi. Tôi đôn đốc PC52 làm đúng chức năng của họ chứ không lợi dụng chức vụ".
Đại diện VKS hỏi: "Bị cáo nghĩ thế nào về việc Sơn sau khi điện thoại có bảo bị cáo nói chuyện với Phong?". "Tôi không phủ nhận, anh em nói thế nào thì tôi nhận vậy, tuy nhiên cũng hơi sốc. Tôi không bác bỏ việc nói chuyện với Phong", bị cáo khai.
Cho rằng bị cáo có nhiều cống hiến trong lực lượng công an và phòng chống tội phạm, gia đình bị cáo có công với nước, tại toà bị cáo thể hiện sự thành khẩn nên áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, VKS đề nghị mức phạt từ 12 đến 18 tháng tù.
Dương Tự Trọng bị cáo buộc về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". |
Trong phần tranh tụng, bị cáo Trọng và luật sư đề nghị xem xét lại tội danh, đình chỉ vụ án để điều tra lại. Tuy nhiên, VKS đã bác điều này, cho hay với cương vị phó giám đốc Công an Hải Phòng, bị cáo khi nhận được báo cáo về tội phạm truy nã thì phải triển khai nhiệm vụ nhưng đã không làm. Tại tòa, bị cáo cũng khai nếu biết Phong bị truy nã thì trong hoàn cảnh muốn giúp anh trai bỏ trốn cũng "vẫn sẽ dùng Phong". Theo VKS, điều đó thể hiện mối quan hệ thân thiết với Phong trước đó.
Trong lời nói sau cùng, bị cáo Trọng trình bày: "Tôi bị giam lâu rồi không được về gia đình, về với Hải Phòng. Hôm nay, nhìn những ánh mắt hiền hậu mà dâng trào cảm xúc. Với vụ án này, tôi tin vào HĐXX, tôi không tranh luận, không kháng án. Những năm ở Hải Phòng tôi tự hào. Dù ở hoàn cảnh nào, tôi thiết tha với tình yêu cuộc sống mãnh liệt, nụ cười thanh thản nhất".
Sau phần nghị án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Dương Tự Trọng 15 tháng tù giam. Như vậy, cộng với bản án hình sự phúc thẩm đã xét xử trước đó của TAND TP Hà Nội vào ngày 23/5/2014, tổng hình phạt chung dành cho bị cáo là 17 năm 3 tháng tù giam, đồng thời cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội trong vòng 1 năm sau khi mãn hạn tù.
Câu chuyện Đồng Xuân Phong
Trước đó, vào ngày 23/5/2014, bị cáo Dương Tự Trọng đã bị TAND Tối cao tại Hà Nội tuyên phạt mức án 16 năm tù vì đã tổ chức đưa anh trai là Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty hàng hải Việt Nam, trốn đi nước ngoài.
Theo Cáo trạng của VKSND tối cao, từ năm 2001- 2002, Dương Tự Trọng (khi đó là Trưởng phòng cảnh sát hình sự Công an Hải Phòng) đã có quan hệ thân thiết với Đồng Xuân Phong - cán bộ Đội chống buôn lậu, Cục Hải quan Hải Phòng.
Ngày 18/8/2009, Cơ quan CSĐT Công an Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Đồng Xuân Phong để điều tra ông Phong về tội “Buôn lậu”.
Hội đồng xét xử trong phiên tòa xử Dương Tự Trọng ngày 28/8. |
Do Đồng Xuân Phong bỏ trốn khỏi cơ quan, không có mặt tại nơi cư trú, ngày 16/10/2009, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định truy nã toàn quốc đối với Đồng Xuân Phong.
Quyết định truy nã Phong của Công an TP Hồ Chí Minh được gửi đến tất cả các Phòng cảnh sát hình của Công an các tỉnh, TP trên cả nước. Công an Hải Phòng nhận được quyết định trên vào ngày 05/11/2009. Ngoài việc gửi quyết định truy nã Đồng Xuân Phong, Công an TP Hồ Chí Minh đã cử cán bộ trực tiếp phối hợp với Công an Hải Phòng để truy bắt Đồng Xuân Phong nhưng không bắt được (mặc dù thời gian này Phong thường xuyên lẩn trốn tại địa bàn Hải Phòng).
Dương Tự Trọng biết rất rõ Đồng Xuân Phong bị Công an TP Hồ Chí Minh ra quyết định truy nã, truy bắt vì liên quan đến vụ án kinh tế nhưng Dương Tự Trọng đã không thực hiện nhiệm vụ cũng không có ý kiến chỉ đạo, không tổ chức, triển khai lực lượng tiến hành truy bắt Đồng Xuân Phong theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Ngày 17/5/2012, sau khi nhận được thông báo của Dương Chí Dũng (là anh trai Dương Tự Trọng) về việc đang bị cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam, Dương Tự Trọng đã chỉ dẫn anh trai về nhà bạn gái của mình tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) để trốn và chờ người của Trọng đến đón.
Ngày 18/5/2012, thông qua Vũ Tiến Sơn (khi đó là Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - Công an Hải Phòng), Trọng đã yêu cầu Đồng Xuân Phong phối hợp cùng Vũ Tiến Sơn và một số đối tượng khác tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài.
Theo Đất Việt