Nữ sinh lớp 8 đã mang bầu
Những ngày đầu tháng 9/2013, cha mẹ cô bé Hoàng Thị Hiền (SN 1999, đang học lớp 8, ngụ xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) phát hiện con gái có nhiều biểu hiện khác lạ: Thân hình tiều tụy, da mặt xanh xao, tinh thần hoảng loạn, kén ăn, đặc biệt là cái bụng tự nhiên lùm lùm lên một cách bất thường. Cha mẹ động viên an ủi và gặng hỏi, cô bé đã thừa nhận đã nhiều lần giấu gia đình đi “làm chuyện người lớn” với “người yêu” Võ Hoàng Nhật (SN 1997, ngụ cùng xã).
Gia đình đưa con gái đến trạm y tế xã kiểm tra, được nhân viên y tế xác nhận cô bé đang mang thai 14 tuần tuổi. Gia đình lập tức đến công an xã tố cáo. Nhật được mời đến làm việc.
Nội dung vụ việc được làm sáng tỏ như sau: Trước đó khoảng một năm, hai đứa trẻ tình cờ quen biết, cho nhau số điện thoại, thường xuyên liên lạc. Một ngày cuối tháng 6/2013, Nhật điện thoại rủ Hiền đến nhà một người bà con cùng xã chơi. Khi đến được một lúc, chủ nhà có công chuyện đi khỏi, nhà chỉ còn hai vị khách. Nhật chủ động nhanh chân ra đóng cửa lại rồi đi tới ngồi cạnh Hiền trên giường. Cả hai nói chuyện một lúc thì làm chuyện “người lớn”.
Trong khoảng thời gian hai tháng sau đó, hai đứa trẻ tiếp tục “ăn vụng” thêm khoảng trên 20 lần, địa điểm là một quán cà phê chòi trên địa bàn xã bên. Thời gian thường là những buổi chiều, khi Hiền có lịch đi học thêm môn Anh Văn, nhưng cô bé đã giấu gia đình, “cúp cua” để đi chơi với bạn trai.
Tại cơ quan công an, bé gái cũng khẳng định, tất cả những lần cả hai “gần gũi”, cô đều tự nguyện “cho” chứ không bị Nhật ép buộc hay đe dọa, cưỡng bức. Được hỏi về yêu cầu xử lý “người yêu nhí”, cô bé ngây thơ: “Cháu không có yêu cầu gì cả, tùy cha mẹ cháu quyết định”.
Không thể xử lý cả Hình sự và Hành chính
Do có đơn tố cáo từ cha mẹ của bị hại và sự việc có tính chất nghiêm trọng nên Công an xã Vị Đông đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án lên công an huyện để giải quyết theo thẩm quyền. Quá trình xác minh, đã xác định được tại thời điểm bị xâm hại, cô bé đã đủ 13 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi. Nói cách khác, người giao cấu với cô bé thoát tội hiếp dâm trẻ em, nhưng có thể phạm tội giao cấu với trẻ em.
Tuy nhiên, Nhật sinh năm 1997, tức mới hơn 16 tuổi, nhưng lại chưa đủ 18 tuổi (tức chưa phải là người thành niên) nên theo quy định của pháp luật hình sự thì không phải là chủ thể của tội giao cấu với trẻ em được quy định tại Điều 115 Bộ luật Hình sự.
Việc Nhật “quan hệ” với cô bé là được nữ sinh tự nguyện chấp nhận, không bị cưỡng bức, ép buộc, nên hành vi của Nhật cũng không cấu thành bất kỳ một tội phạm nào khác.
Không có có sở để xử lý hình sự, nên căn cứ vào Khoản 3 Điều 107 Bộ luật Tố tụng Hình sự, cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định không khởi tố vụ án với lý do “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự”.
Dù người nhà bé gái rất bức xúc, nhưng oái oăm hơn nữa, hành vi của Nhật cũng không thể xử lý về mặt hành chính. Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2013), trường hợp của Nhật cũng không thuộc đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính (được quy định tại Điều 5 Luật này).
Cảnh sát đành… an ủi người nhà bé gái: “Nếu Nhật có hành vi vi phạm… sớm hơn, thì áp dụng quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, đối tượng đã có thể bị đưa vào Trường giáo dưỡng”.
Vụ kiện chưa có tiền lệ
Ấm ức không thể đòi cơ quan chức năng xử lý hình sự hay xử lý hành chính đứa trẻ hại đời con gái mình, gia đình cô bé tiếp tục yêu cầu phía Nhật phải bồi dưỡng một khoản tiền cho Hiền để khắc phục hậu quả.
Với sự chứng kiến của chính quyền địa phương, hai bên gia đình đã thống nhất ngồi “đàm phán” mức bồi thường cụ thể. Trong cuộc gặp mặt, gia đình cô bé yêu cầu gia đình Nhật phải hỗ trợ cho con gái mình một đôi bông tai 1 chỉ vàng 24K và 15 triệu đồng. Tuy nhiên, mẹ Nhật lại kiên quyết chỉ đồng ý cho 1 chỉ vàng 24K chứ không chấp nhận khoản 15 triệu đồng. Lý do: “Gia đình không có khả năng”.
Mặc dù đã được đại diện chính quyền địa phương ra sức động viên, khuyên giải, phân tích thiệt hơn, hai bên vẫn không đi đến thống nhất. Hồ sơ vụ việc đã được chuyển sang Tòa án nhờ phân xử theo yêu cầu của cha cô bé.
Chưa biết “phần thắng” sẽ thuộc về bên nguyên hay bên bị đơn; và cũng chưa từng có tiền lệ vụ việc dạng này. Tuy nhiên điều có thể dễ dàng thấy là người bị mất mát, đau khổ nhiều nhất là bé gái, khi việc học hành bị trì hoãn, và vụ việc có ảnh hưởng đến tâm lý, thể chất trong tương lai của em?
(Tên nạn nhân đã được thay đổi)
Theo Pháp luật VN