“Sự lầm tưởng hút shisha ít độc hại hơn thuốc lá đã khiến tình trạng hút loại thuốc gây nghiện mới này ngày càng ở mức báo động” - PGS-TS Chu Thị Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai), cảnh báo tại hội thảo khoa học hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá do Bộ Y tế, chương trình Phòng chống tác tại thuốc lá tổ chức sáng 27-5 tại Hà Nội.
Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm tra một quán cà phê có bán shisha Ảnh: NGỌC GIANG |
Theo PGS-TS Chu Thị Hạnh, nhiều người quan niệm rằng hút shisha qua nước sẽ giảm bớt độc tố, không ảnh hưởng tới sức khỏe hoặc chỉ hút ít, hút chơi chốc lát sẽ không gây nghiện. Tuy nhiên, mỗi lần hút shisha thường kéo dài từ 40 phút đến vài giờ. Khói shisha được hít vào phổi của người hút hoặc thải ra phòng khiến nhiều người cũng hít khói thuốc thụ động.
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Hiệp hội Ung thư Mỹ cho thấy hút shisha trong vòng 1 giờ, lượng khói hít vào cơ thể tương đương với khi hút 100 điếu thuốc lá, (khoảng 0,1-1 lít khói). Tỉ lệ nicotin ngấm vào cơ thể khi hút shisha cao hơn 70% so hút thuốc lá. Các chất gây ung thư, gây tắc nghẽn phổi mạn tính... đều cao hơn việc hút thuốc lá vài chục đến hàng trăm lần.
Do vậy, hút shisha có thể dẫn đến các bệnh ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sinh con nhẹ cân, các bệnh tim mạch và gây nghiện. Ngoài ra, việc nhiều người dùng chung một ống hút có thể lây nhiễm các bệnh như lao, viêm gan, các bệnh răng miệng...
Cũng theo bà Hạnh, nhiều người lợi dụng việc hút shisha là một chất gây nghiện hợp pháp để sử dụng các chất ma túy, các chất gây nghiện bất hợp pháp. Do đó, cần có những quy định chặt chẽ để quản lý sản phẩm này giống như thuốc lá về cấm quảng cáo, cấm bán thuốc shisha cho trẻ dưới 18 tuổi... Thực tế cho thấy khi đã nghiện shisha thì có các biểu hiện không khác gì nghiện thuốc lá.
Bà Phan Thị Hải, Chánh Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá của Bộ Y tế, khẳng định trong tháng 6 tới, Bộ Y tế sẽ tiến hành một cuộc tổng điều tra về tình trạng hút thuốc lá trong cộng đồng, kể cả hiện tượng hút shisa trong giới trẻ, để đề xuất Chính phủ, Quốc hội ban hành các biện pháp quản lý loại thuốc này.
“Việc hút shisha ngoài thuốc lá có thể còn được trộn những chất gây nghiện, ma túy đã tẩm nhiều loại hóa chất, hương liệu khác. Bộ Y tế sẽ đưa ra các tác động nguy hại cho sức khỏe khi sử dụng thuốc shisha nhưng vấn đề quản lý cần sự vào cuộc của các bộ, ngành khác” - bà Hải nhấn mạnh.
Triển khai cai nghiện thuốc lá toàn diện PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, khẳng định dù tỉ lệ hút thuốc lá đã giảm từ 56,4% còn 47,4% ở nam giới và từ 1,8% còn 1,4% ở nữ giới nhưng tác hại của thuốc lá vẫn rất khủng khiếp. Tại Việt Nam, lần đầu tiên, Bộ Y tế chính thức triển khai mô hình cai nghiện thuốc lá toàn diện bao gồm cả tư vấn và điều trị tại cơ sở đầu tiên là Bệnh viện Bạch Mai. Tiếp đó, chương trình cai nghiện thuốc lá toàn diện sẽ được triển tại các bệnh viện: Phổi trung ương, Ung bướu Hà Nội, Đa khoa Trung ương Huế và Nhân dân Gia Định (TP HCM). Tại Hà Nội, người dân có thể điện thoại đến tổng đài 18008066 để được tư vấn hoặc đến bệnh viện để được tư vấn, hỗ trợ cai nghiện toàn diện. |
Theo NLĐ