Tại kỳ họp lần thứ 9 diễn ra ngày 6-11 ở Đồng Nai, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống Sông Đồng Nai (Ủy ban sông Đồng Nai; gồm 11 tỉnh, thành) cho biết tuy hiện tại toàn bộ lưu vực sông có 7 điểm đang được coi là “điểm nóng” nhưng cũng có nhiều điểm đã được cải thiện, môi trường nước đã trong sạch hơn.
Thi nhau gây hại
Ngược lại, bằng giọng điệu gay gắt, đại tá Dương Văn Linh - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an - khẳng định lưu vực sông Đồng Nai hiện đang đối mặt với rất nhiều vấn đề: san lấp sông, khai thác khoáng sản bừa bãi, kiểm soát nước thải công nghiệp, sinh hoạt, bệnh viện, công tác nạo vét, duy tu luồng lạch... Tất cả đều khó kiểm soát.
Cụ thể, theo đại tá Linh, hiện toàn bộ lưu vực sông có hơn 4.500 điểm xả thải đổ vào các sông, suối. Đó là chưa kể mỗi ngày lưu vực sông còn tiếp nhận trên 480.000m3 nước thải từ các KCN và các cơ sở sản xuất, góp phần gây ô nhiễm sông Đồng Nai.
Bằng chứng là tại lưu vực sông Đồng Nai có hơn 220 bệnh viện nhưng có nhiều bệnh viện không có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc một số bệnh viện có hệ thống xử lý nhưng không đạt chất lượng (do không có kinh phí).
Bên cạnh đó, tình trạng khai thác khoáng sản ồ ạt, chôn lấp chất thải trái phép cũng diễn ra nghiêm trọng, gây tác động lớn, ảnh hưởng đến mạch nước ngầm. Đặc biệt, việc nạo vét, duy tu luồng lạch diễn ra khắp nơi với nhiều dấu hiệu không minh bạch trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Thị Vải đã làm thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng dòng chảy.
“Tình trạng san lấp sông mà cụ thể là việc lấp sông của Công ty Toàn Thịnh Phát ở phường Quyết Thắng, TP.Biên hòa, tỉnh Đồng Nai và lấp hồ Bình An, rạch Bà Khâm tại phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương của Công ty CP Thương mại và Du lịch Bình Dương; việc khai thác khoáng sản không kiểm soát; chất thải công nghiệp, sinh hoạt và bệnh viện tuồn ra môi trường; đặc biệt công tác nạo vét, duy tu luồng lạch tận thu cát đang gây áp lực lên sông Đồng Nai một cách khủng khiếp…” - đại tá Linh nhấn mạnh.
Đừng để sự đã rồi!
Đại diện các tỉnh, thành lưu vực sông Đồng Nai khi được hỏi đều tỏ ra quan ngại trước diễn biến ảnh hưởng đến môi trường ngày càng phức tạp và mong có sự phối hợp để tìm ra giải pháp hiệu quả.
Đại diện Cục Phòng chống tội phạm về môi trường đề nghị các ngành, các địa phương phải tăng cường phối hợp giám sát và có quy chế giám sát chặt chẽ hơn trong việc xả thải; quy hoạch các làng nghề gây ô nhiễm; chấn chỉnh việc nạo vét luồng lạch ồ ạt...
Bởi theo thống kê của Cục Phòng chống tội phạm về môi trường, từ đầu năm 2013 đến giữa năm 2015, cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường trên 11 tỉnh, thành đã phát hiện 2.116 vụ vi phạm xâm hại đến sông Đồng Nai và xử phạt hơn 100 tỉ đồng, khởi tố 15 vụ việc.
Tuy nhiên, theo đơn vị này, con số phát hiện trên so với thực tế còn rất nhỏ vì hiện có nhiều khó khăn, bất cập trong công tác này. Đơn cử, hệ thống quan trắc dù đầu tư rất nhiều tiền nhưng vẫn cho kết quả thật sự thống nhất dẫn đến việc khó xử lý; biện pháp và chế tài xử lý “cát tặc” không triệt để, việc cấp phép và giám sát nạo vét duy tu không chặt chẽ.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, việc bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai là hết sức quan trọng, cấp bách bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn sống của hơn 15 triệu dân trong khu vực. “Vì thế, việc bảo vệ môi trường các lưu vực sông trong đà phát triển kinh tế, hạ tầng ồ ạt như hiện nay càng trở nên phức tạp, phải quan tâm giám sát chặt, không thể lơ là hay để thành sự đã rồi” - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói.
Né tránh vụ Toàn Thịnh Phát lấn sông Cùng ngày đã diễn ra lễ bàn giao chức vụ Chủ tịch Ủy ban Sông Đồng Nai nhiệm kỳ 2015-2017. Theo đó, chức Chủ tịch Ủy ban Sông Đồng Nai được bàn giao từ ông Trần Văn Nam - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho ông Đinh Quốc Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai. Tại lễ bàn giao, các bên liên quan đều không nhắc đến dự án lấn sông Đồng Nai của Công ty Toàn Thịnh Phát ngoài đề cập ngắn gọn của đại diện Cục Phòng chống tội phạm về môi trường. Bên lề buổi lễ, khi phóng viên đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, ông Quang cho biết dự án vẫn đang được kiểm tra, thẩm định theo quy trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng đã có ý kiến chỉ đạo “nên hiện chưa có gì để bàn tiếp”. Cựu Chủ tịch Ủy ban Sông Đồng Nai Trần Văn Nam cho biết khi dự án được triển khai, trước khi báo chí thông tin thì ông chưa nắm được sự việc, còn hiện tại thì phải chờ quyết định từ Chính phủ. Tân Chủ tịch Ủy ban Sông Đồng Nai, ông Đinh Quốc Thái, cũng từ chối trả lời. |