“Dư luận là ai? Toàn những kẻ phá hoại” - câu nói của ông Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên TP HCM về những đánh giá của dư luận, của các nhà khoa học về dự án lấp sông Đồng Nai đã làm rất nhiều bạn đọc ngỡ ngàng, bức xúc.
Xúc phạm người dân
“Là một nhà khoa học, ông Phước nên chứng minh những quan điểm trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của mình là đúng trên cơ sở khoa học chứ không thể có cách nói “hờn giận” như một cậu học sinh cấp 2 như vậy. Cách nói này xúc phạm các nhà khoa học, xúc phạm người dân quan tâm và bị ảnh hưởng bởi dự án này” - bạn đọc Phạm Khoa nhìn nhận.
Trả lời cho câu nói trên, bạn đọc Nguyễn Thế Hùng, dẫn chứng: Dư luận mà ông Phước đề cập chính là các nhà khoa học. Cụ thể: TS Nguyễn Trí Long đã chỉ rõ và chứng minh ĐTM đã sao chép từ dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng.
Trước đó, GS - TSKH Phạm Hồng Giang, nguyên thứ trưởng Bộ NN-PTNT cũng cho rằng không ai đi lấn và lấp sông bừa như thế khi san lấp sông Đồng Nai để làm khu đô thị. Không hiểu sao tỉnh Đồng Nai lại có thể làm việc hết sức liều lĩnh và vô trách nhiệm như vậy.
Kế đến, bà Lâm Thị Thu Sửu, đại diện Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cũng cho rằng ngay từ tính pháp lý, dự án đã xuất hiện nhiều lỗ hổng. Việc cấp phép dự án cũng vi phạm nhiều quy định của pháp luật... “Dư luận như thế này có đáng tin cậy hay không, hay chỉ là những kẻ phá hoại như lời ông Phước viện dẫn” - bạn đọc Nguyễn Thế Hùng đặt vấn đề.
Ồ ạt lấp sông Đồng Nai làm dự án địa ốc gây bức xúc dư luận. Ảnh: Xuân Hoàng
Trước ý kiến cụ thể về những bất cập của ĐTM, hầu như ông Phước không phản biện được mà chỉ bác bỏ bằng những lời lẽ hết sức thô thiển: “”không có sao chép gì ở đây hết”; “tính số liệu mới làm chi, kết quả cũng như thế thôi”; “tôi không quan tâm...”.
Nhiều bạn đọc ngao ngán cho cách hành xử của vị viện trưởng này. “Người đứng đầu một viện về tài nguyên và môi trường mà lập luận như vậy thì tài nguyên thiên nhiên còn gì? Chẳng trách sông ngòi khu vực này bị xâm hại nghiêm trọng, hàng loạt con kênh tại TP HCM bị lấp không thương tiếc để xây cao ốc, môi trường sống của người dân ngày càng ô nhiễm, bức bối... Đề nghị xem lại những dự án mà viện này đã lập ĐTM” - nhiều bạn đọc đề xuất.
Người dân được gì?
Với mô hình khu đô thị hoành tráng của dự án lấp sông Đồng Nai, không hiểu người dân khu vực này và rộng hơn là ngân sách nhà nước được lợi gì? Trước mắt, lợi nhất chính là nhà đầu tư, có được vị trí đất vàng để khai thác, kinh doanh. Những dự án lấp sông, kênh làm khu đô thị thường có chi phí rẻ nhất bởi tránh được khoảng tiền đền bủ, giải tỏa, có sẵn hạ tầng cơ sở của thành phố...
Bạn đọc Thanh Tùng, cho rằng: “Trong bối cảnh thiên nhiên bị bức tử như hiện nay, có được một không gian thoáng đãng, sông nước mênh mông là rất mừng, cần phải được gìn giữ tôn tạo. Những dự án địa ốc như trên là miếng bánh thơm cho các nhà đầu tư và những người liên quan. Còn người dân khu vực này sẽ bị thu hẹp không gian sống, môi trường sông thông thoáng sẽ bị chắn bằng những tòa nhà cao tầng”.
Câu chuyện này đã có rất nhiều tiền lệ. Nhiều bãi biển đẹp ở một số địa phương đã bị “xẻ thịt” cho các nhà đầu tư resort, nhà hàng, khách sạn. Người dân mất dần những bãi biển công cộng, không còn chỗ vui chơi giải trí. Nhiều địa phương đã nhận ra điều này nên đã có cân nhắc khi xâm hại vào cảnh quang thiên nhiên. Đáng tiếc bài học trên đã không xảy ra ở Đồng Nai.
“Sẽ không quá lạ lẫm với những lời phát biểu của ông Nguyễn Văn Phước nếu biết rằng Viện Tài nguyên và Môi trường TP HCM chính là nơi lập ĐTM cho dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Dù đã chỉnh sửa nhiều lần nhưng ĐTM của hai dự án trên vẫn không đạt, có nhiều gian dối, bị trả về. Sau đó, hai 2 án thủy điện trên bị Thủ tướng loại bỏ” - bạn đọc Lê Thanh Hà, dẫn chứng.