Liên quan đến quyền của cá nhân đối với họ, tên, xác định dân tộc, dự thảo Bộ luật dân sự quy định cá nhân có quyền có họ, tên, chữ đệm, xác định dân tộc và xác định lại dân tộc; quy định những căn cứ pháp lý cụ thể, thống nhất cho cá nhân thực hiện quyền của mình về đặt, thay đổi họ, tên và chữ đệm, về xác định dân tộc và xác định lại dân tộc.
Dự thảo cũng quy định tên và chữ đệm của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ cái. Cấm lợi dụng việc thay đổi họ, tên, chữ đệm nhằm mục đích trốn tránh trách nhiệm hình sự.
Dự thảo Bộ Luật Dân sự quy định họ tên không quá 25 chữ cái, theo đại biểu Quốc hội là vượt qua Hiến pháp.(Ảnh: TTXVN) |
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, so với Bộ luật Dân sự hiện hành, dự thảo bổ sung thêm phần “chữ đệm”. Ủy ban đề nghị cân nhắc vì việc sử dụng “Họ và tên” từ trước đến nay đã trở thành thông dụng. Việc thay đổi liệu có cần thiết không và có dẫn tới việc phải thay đổi các loại giấy tờ, văn bản hành chính hay không? Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với quan điểm này.
Về việc khống chế họ, tên và chữ đệm không quá 25 chữ cái, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng điều này là hợp lý. Bởi theo ông, thực tế có trường hợp đặt tên quá dài, có tên 30 đến 40 chữ cái, ảnh hưởng đến việc thể hiện trên hồ sơ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu thì thấy rất lạ rằng: “Khi Việt kiều về nước thì dùng tên Việt Nam như Thanh Bùi, Phi Nhung… nhưng người Việt Nam ở Việt Nam lại có tên tiếng Việt kèm theo tiếng Tây”. Do vậy, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, quy định về họ, tên nên trên cơ sở duy trì nền nếp văn hóa Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lại khẳng định quy định họ tên không quá 25 chữ cái là vượt qua Hiến pháp.
“Đặt tên theo ngôn ngữ Việt Nam tôi đồng ý nhưng quy định không được vượt quá 25 chữ cái, điều này vượt qua Hiến pháp. Khoản 2, điều 14 của Hiến pháp là chỉ hạn chế trong trường hợp vì lý do quốc phòng an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe cộng đồng. Cái tên dài có ảnh hưởng gì đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng đâu? Có ảnh hưởng gì đến đạo đức xã hội đâu, nhưng mình khuyến khích người dân nếu đặt tên con dài quá thì đứa con mình sẽ ảnh hưởng thôi”, bà Mai nói.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội thì không nên áp đặt cho người dân là đặt cái tên như thế nào bởi “Trong cái tên của mình có tên của ông cha ta, tên của con mình có tên của mình, của ông cố… nên rất dài, đó là do văn hóa của người ta, thành ra quy định 25 chữ cái là không đồng bộ với Hiến pháp”.
Theo Infonet