Nhà máy dư công suất, dân vẫn “khát” nước sạch

Thứ tư, 13/05/2015, 13:24
Nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội sẽ phải đối mặt tình trạng thiếu nước sạch trong dịp hè khi thời tiết nắng nóng kéo dài hay có sự cố về mạng lưới cấp nước. Trong khi nước tại Nhà máy nước sạch sông Đà dư thừa còn các nhà máy nước ngầm nội thành thì không khai thác được hết công suất.

Theo đánh giá của Công ty nước sạch Hà Nội (đơn vị có lượng khách hàng lớn nhất hiện nay-PV), thì dự kiến nhu cầu sử dụng nước sạch mùa hè năm 2015 tăng 7-10% so với hè năm 2014, tương ứng 620.000 đến 675.000m3/ngày đêm. Trong khi đó, nguồn nước ngầm của công ty chỉ đạt 585.000 đến 620.000m3/ngày đêm. Do vậy, tổng lượng nước thiếu hụt so với nhu cầu từ  40.000 đến 60.000m3/ngày đêm.

Trước tình trạng khó khăn về nước sạch, đại diện Công ty nước sạch Hà Nội cho biết, công ty cố gắng cung cấp nước cho người dân, không để xảy ra tình trạng mất nước quá 36 giờ, đơn vị chỉ biết khuyến cáo người dân nên sử dụng nước tiết kiệm, đúng mục đích: “Hiện, nguồn nước ngầm tiếp tục bị suy giảm 1-2% so với năm 2014. Trong khi đó nguồn nước mặt sông Đà luôn trong tình trạng không cung cấp đủ cả về áp lực và lưu lượng theo yêu cầu của chúng tôi, mới chỉ đạt bình quân 40.000- 45.000m3/ngày đêm”, đại diện Công ty nước sạch Hà Nội cho biết.

Khu Định Công (Hoàng Mai-Hà Nội) đã mất nước gần 2 tháng nay, vừa được xe cấp phát nước

Đối với nguồn nước mặt (từ Nhà máy nước sạch sông Đà Hòa Bình về Hà Nội), công suất giai đoạn I là 300.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, thực tế không đạt được. Cụ thể, theo ông Nguyễn Anh Việt - Giám đốc Công ty CP đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch Viwaco (đơn vị phân phối nước sạch sông Đà) cho biết, hiện Công ty có hơn 115.000 khách hàng với địa bàn rộng lớn tập trung chủ yếu là các quận, huyện phía tây thành phố.

Theo đơn vị này, nước sông Đà cấp qua tuyến ống D1600-D1500 Đại lộ Thăng Long nên tại các khu vực đầu nguồn và gần các tuyến truyền dẫn lớn nước cấp được đảm bảo và ngược lại, các khu vực xa cuối nguồn nước cấp yếu. Đặc biệt, về công suất cấp nước hiện mới đạt khoảng 170.000m3/ngày đêm.

Như vậy, công suất hiện tại của nhà máy nước sạch sông Đà đang dư thừa rất lớn: “Phía đơn vị vận hành nhà máy cho biết, công suất hiện tại khoảng trên 200.000 m3/ngày đêm, cao điểm nắng nóng là 240.000m3/ngày đêm.

Đúng là đang dư thừa công suất nhưng chúng tôi chỉ là đơn vị kinh doanh phân phối có bao nhiêu nước thì bán bấy nhiêu, còn việc cấp nước từ đầu nguồn về lại thuộc thẩm quyền của đơn vị khác. Có người nói do đường ống nhỏ, yếu nên không thể tăng thêm công suất ”, một vị cán bộ Viwaco cho biết.

Nhiều ý kiến cho rằng, phía Nhà máy nước sạch sông Đà đã không khai thác được hết công suất thiết kế, với công suất dư thừa còn rất lớn là lo sợ khi tăng áp lực bơm sẽ tiếp tục xảy ra sự cố đường ống cấp nước sông Đà bị vỡ như thời gian qua.

Trong khi Công ty nước sạch sông Đà lý giải việc dư công suất một phần do nhu cầu sử dụng khi nhiều khu đô thị dọc tuyến Láng-Hòa Lạc chưa đưa vào sử dụng. Ngoài ra công suất thiết kế đường ống không cho phép bơm lượng nước như công suất thiết kế.

Điều này lý giải vì sao phần lớn các điểm thiếu nước thuộc về mạng lưới của Viwaco. “Khách hàng mất nước, thiếu nước họ đều gọi đến chúng tôi. Vì vậy chúng tôi chỉ mong chờ sớm có đường ống thứ 2 để tăng thêm công suất phục vụ tốt hơn cho khách hàng”, một vị cán bộ nói.

Tại cuộc họp gần đây bàn về các biện pháp cung cấp nước sạch trên địa bàn, lãnh đạo Hà Nội cũng cho rằng, vấn đề cốt lõi là vận hành hệ thống nước sạch hiện chưa hợp lý. Nước tại Nhà máy nước sạch sông Đà dư thừa trong khi các nhà máy nước ngầm nội thành không khai thác được hết công suất. Cùng với đó, tỷ lệ thất thoát nước còn cao, một bộ phận nhân dân còn dùng nước lãng phí, chưa tiết kiệm.

Hàng loạt địa bàn có nguy cơ thiếu nước sạch trong dịp hè đã được đơn vị này công bố. Cụ thể: Quận Ba Đình: Khu vực phố Hàng Than, Hồng Phúc, Nguyễn Trung Trực, Hàng Đậu, Hòe Nhai, Ngõ 18 Quán Thánh, Ngõ 25, 45 Phan Đình Phùng; Khu vực Đê quai (cuối ngõ 124 Âu Cơ đến cuối ngõ 172 Âu Cơ); Khu vực K80 đường Bưởi – phường Vĩnh Phúc; Khu vực ngõ 267 Hoàng Hoa Thám, khu vực mặt đường Hoàng Hoa Thám từ số 267 Hoàng  Hoa Thám đến đầu phố Văn Cao; Khu vực các ngõ 378, ngõ 460, ngõ 530, ngõ 562 Thụy Khuê (đặc biệt là ngách 378/65 Thụy Khuê); Khu vực mặt đường và các ngõ ngách từ 238 đến 242 Âu Cơ, khu vực mặt đường An Dương Vương, khu vực ngõ 479, ngõ 497 Âu Cơ. Quận Hoàn Kiếm: Khu vực 1, khu vực 2 phường Chương Dương, Phúc Tân; Dọc đường Trần Nhật Duật; Phố Tràng Thi, Quán Sứ, Trần Hưng Đạo – Lê Duẩn, phố Huế - Trần Hưng Đạo, Hàng Tre, Hàng Bè, Hàng Buồm.

    Tại quận Đống Đa: Khu vực nước yếu ngách 898/1, khu vực Đê la Thành I, đặc biệt là Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Nhi T.Ư; Khu vực ngách 25/7 phố Vũ Ngọc Phan; Ngõ Thái Thịnh II, ngõ 153 Thái Hà; Các ngõ ngách phố Nguyễn Phúc Lai,  Hoàng Cầu, Bãi rác Thành Công, La Thành 3; Đại học Văn Hóa và Mỹ thuật; Ngõ Lệnh Cư, Kim Hoa, Đê La Thành 4;  Ngách 66 ngõ Thông Phong, ngách 33 ngõ Văn Chương 2, Lê Duẩn; Khu vực ngõ 354 đường Trường Chinh. Quận Hai Bà Trưng: Khu vực Đê Thanh Lương, Đê Nguyễn Khoái, Đê Trần Khát Trân, phố Hồng Mai, Trần Thánh Tông, Lê Quý Đôn, Lương Yên, Hoa Lư, Vân Hồ. Quận Hoàng Mai: Các khu vực cuối nguồn, cốt địa hình cao như ngoài đê (Lĩnh Nam), Đền Lừ, Đông Mỹ, Yên Mỹ, Duyên Hà, Bằng A Hoàng Liệt.. Quận Cầu Giấy: phường Quan Hoa...

Theo Khám Phá

Các tin cũ hơn