Hiện trường vụ sập cần cẩu tại dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: CAO NGUYÊN |
Rơi sắt, gãy cẩu - hai ngày 3 vụ
Sập giàn giáo, gãy cẩu, rơi thép... xuống đường tại công trường thi công đường sắt đô thị Hà Nội giờ đã không còn là chuyện lạ. Người dân tham gia giao thông trên các tuyến đường có công trường của dự án này giờ vô cùng hoang mang, lo lắng. Cách đây 3 ngày (10.5), người tham gia giao thông không khỏi bàng hoàng khi một cọc cừ Lasen bằng thép dài 9m, rộng 0,3m, nặng khoảng 630kg bị nhà thầu thi công tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội để rơi xuống đường Hồ Tùng Mậu đúng vào giờ cao điểm. Rất may không có ai bị thương vong.
Nguyên nhân của sự cố trên sau đó được công bố là do khi cẩu chưa kiểm tra kỹ, lỗi trực tiếp thuộc đơn vị thi công. Ngày 11.5, Ban QLDA đã yêu cầu nhà thầu Posco và tư vấn Systra dừng mọi hoạt động thi công trên tất cả 8 ga thuộc gói thầu CP02 từ ngày 11.5 đến ngày 13.5 để rà soát lại toàn bộ công tác an toàn thi công, chất lượng vật liệu thiết bị phục vụ thi công. Đồng thời, yêu cầu Systra khẩn trương đánh giá báo cáo xử lý và khắc phục sự cố, kiểm tra lại toàn bộ thiết bị và vật tư phục vụ thi công trên toàn công trường và kiểm tra năng lực thi công tất cả các đơn vị thi công trên công trường, nếu không đáp ứng sẽ đề nghị thay thế.
Sáng 12.5, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã họp phê bình Trưởng ban QL dự án và yêu cầu Sở Xây dựng phạt nhà thầu Posco và các nhà thầu phụ. Trong lúc lãnh đạo UBND TP đang chỉ đạo, phê bình các đơn vị liên quan, thì tại công trình thi công đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh đoạn qua phố Nguyễn Trãi, lúc 9h30, một thanh sắt dài khoảng 1m lại bị đơn vị thi công để rơi trúng ôtô đang lưu thông trên đường, khiến cửa xe bị hư hại.
Tiếp đó, lúc 16h07 cùng ngày, người tham gia giao thông trên đường Cầu Giấy bị một phen hú hồn khi một chiếc cần cẩu thi công đường sắt tuyến Nhổn - ga Hà Nội bất ngờ gãy đổ ngang xuống đường, làm 2 người bị thương. Tại hiện trường, cần cẩu này bị đổ cong hình chữ V gác lên mái ngôi nhà 361 Cầu Giấy, làm hư hại mái nhà này.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Thanh - Chủ tiệm vàng Tuấn Đãi - chưa hết bàng hoàng cho biết, may mắn là đoạn cần trục bằng thép của cần cẩu rơi xuống chỉ quệt đập vào bảng hiệu của cửa hàng chứ không đập sâu vào cửa tiệm. “Nếu không hậu quả không biết sẽ nghiêm trọng đến như thế nào” - bà Thanh nói. Theo bà Thanh, lúc xảy ra vụ việc có một người phụ nữ mang bầu và một thanh niên bị ngã. Nam thanh niên chỉ bị sây xước nhẹ, còn người phụ nữ mang bầu đã được đưa đi cấp cứu.
Nỗi khiếp đảm cho người dân
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, GĐ Sở GTVT, PGĐ Công an TP đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, phong tỏa hiện trường, xác định nguyên nhân vụ tai nạn.
Đến tối 12.5, UBND TP.Hà Nội chưa phát ra bất cứ thông tin nào về vụ việc này. Tuy nhiên, theo ông Lê Huy Hoàng - Phó Trưởng ban QLDA - sự cố xảy ra khi đơn vị thi công đang tiến hành rút ống vách bằng thép dài khoảng 6m, đường kính 1m của cọc khoan nhồi. Hạng mục này thuộc gói thầu số 1 dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội do nhà thầu Dealim (Hàn Quốc) trúng thầu thi công. Thông tin ban đầu, nguyên nhân gây ra sự cố là do công nhân lái cẩu thao tác sai dẫn tới bị mất thăng bằng khiến cẩu quay ngang đường và đổ gãy gục vào nhà dân.
Theo quan sát của PV, tuyến đường sắt trên cao tuy được bảo vệ bằng rào chắn nhưng lớp tôn chỉ khoảng 2m và rất mỏng, chỉ cần tác động mạnh là bị xé rách. Các trụ móng và mặt đường sắt rất cao, trong quá trình vận chuyển nguyên, vật liệu thi công chỉ cần một bất cẩn nhỏ cũng gây tai nạn cho những người dân lưu thông trên đường. Đa số người dân khi được hỏi đều tỏ ra hoang mang lo sợ khi đi qua đoạn đường mà dự án đang thi công.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) Trần Xuân Sanh cho biết, các cơ quan quản lý nhà nước rất quan tâm và đã có hướng dẫn đầy đủ chi tiết về an toàn lao động đối với dự án này. Tại các buổi giao ban tuần của Bộ GTVT cũng thường xuyên yêu cầu các đơn vị thi công phải thực hiện đúng và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn.
“Sau sự cố sập giàn giáo tại tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, cục đã tăng cường giám sát, đôn đốc các nhà thầu, đơn vị thi công, thậm chí đã đình chỉ thi công để hoàn thiện hệ thống phòng hộ lao động để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại phía dưới và người thi công” - ông Sanh nói.
Tuy nhiên, thực tế các sự cố, tai nạn trong thi công tại dự án này vẫn liên tục xảy ra, gây hoang mang, lo sợ cho người dân, đặc biệt là những người phải thường xuyên tham gia giao thông trên cung đường có dự án này đi qua.
Theo Lao Động