Cho ý kiến về báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ tại Thường vụ QH hôm nay, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội QH Trương Thị Mai yêu cầu đánh giá đúng "đời sống của một bộ phận nông dân rất khó khăn".
'Trình độ cán bộ đi xuống'
"Chính Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nói một số mặt hàng nông sản không đi vào thị trường được, giá cả thấp, vừa rồi cả xã hội phải chung tay bán dưa, bán hành giúp nông dân. Nhưng đây chỉ là 'giải pháp tấm lòng' thôi, CP cần có giải pháp mạnh mẽ hỗ trợ nông dân. QH và ĐB cũng phải lên tiếng nói giúp người nông dân ở kỳ họp này, để nông dân biết là được chia sẻ, quan tâm", bà Mai nói.
Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa: Dưa còn phải bán kiểu 'nhân đạo' như thế thì hội nhập kinh tế quốc tế thế nào? |
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển cho biết gia đình ông cũng mua dưa hấu ủng hộ nông dân, nhưng "chỉ ăn được một quả chứ không thể đến quả thứ hai".
"Không chỉ dưa, hành mà nhiều loại nông sản cũng đang gặp khó khăn, thậm chí thua ngay trên sân nhà, nhất là tới đây sẽ còn tham gia TPP", ông Hiển cảnh báo.
Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Phan Trung Lý thì kể câu chuyện: Một phụ nữ tiểu thương ở cửa khẩu nói vấn đề đâu chỉ nằm ở mấy chục xe tải chở nông sản ùn tắc ở đây, mà là việc nhà nước không có giải pháp gì để giải quyết từ đầu.
Từ đó, ông Lý đặt câu hỏi: "Chiến lược của CP đối với vấn đề tiêu thụ nông sản là gì, đâu phải cứ vận động người dân mua 1-2 quả?"
Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa lo lắng: "Dưa còn phải bán kiểu 'nhân đạo' như thế thì hội nhập kinh tế quốc tế thế nào, ta sắp vào TPP, rồi Cộng đồng kinh tế ASEAN cuối năm nay".
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền liên hệ vấn đề của nông sản với chất lượng cán bộ: Những người làm điều hành lại không biết làm chính sách, quy hoạch.
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền |
"Trình độ cán bộ nói thật là không lên mà đi xuống. Tôi đi chấm thi chuyên viên cao cấp đã 5 năm nay, chấm phúc tra thấy họ thực sự không biết xấu hổ, làm bài nguệch ngoạc vài câu mà cũng yêu cầu phúc tra. Toàn cấp vụ trưởng, giám đốc sở, mà thi vấn đáp không nắm được các nội dung quản lý nhà nước của ngành mình. Tôi thấy họ nếu có tự trọng thì không nên đi thi", ông Quyền không ngại chỉ ra.
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH đề nghị CP đánh giá nghiêm túc năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đặc biệt những người làm điều hành.
Bức tranh đẹp quá xảy ra chuyện sẽ lúng túng
Ông Nguyễn Kim Khoa cũng thấy báo cáo chưa đánh giá về tình hình bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ chủ quyền, ngoài các hoạt động đối ngoại. Ông cũng muốn có tầm nhìn, tư duy chiến lược, có sự chuẩn bị chứ không bị động chạy theo tình hình.
"Tôi không muốn bức tranh xám quá, nhưng bức tranh đẹp quá khi xảy ra tình hình sẽ lúng túng về chiến lược, sách lược, phương pháp thực hiện", ông Nguyễn Kim Khoa nhấn mạnh.
Cổ phần hóa DNNN phải bám sát thị trường
Báo cáo CP cho biết tốc độ tăng trưởng GDP năm 2014 là 5,98%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,09%, mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, bội chi ngân sách 5,69%.
Quý đầu năm 2015, tăng trưởng GDP ước đạt 6,03%, cao nhất trong vòng 5 năm qua, trong khi mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2015 là 6,2% hoặc cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Giàu: Có thể có luật hoặc nghị quyết riêng về cổ phần hóa DNNN. Ảnh: Dân trí |
Để đạt mục tiêu này, báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh đọc, nhấn mạnh giải pháp đầu tiên là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy nhanh tái cơ cấu và cổ phần hóa DNNN.
"Trong năm nay phải cổ phần hóa 289 DNNN để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 432 DNNN trong giai đoạn 2011-2015 theo chỉ đạo của Thủ tướng. Đồng thời tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành chặt chẽ, có hiệu quả", ông Bùi Quang Vinh nói.
Thẩm tra của UB Kinh tế QH do Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu đọc cũng nhấn mạnh: "Hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm xác định đúng giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát DNNN; đẩy mạnh thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ, giảm tỉ lệ vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà nhà nước không cần giữ chi phối.
Cổ phần hóa DNNN cần bám sát nguyên tắc thị trường và định hướng thị trường, có thể có luật hoặc nghị quyết riêng về cổ phần hóa DNNN để đảm bảo hiệu quả của quá trình này, tăng cường giám sát của QH và HĐND các cấp, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp".
Nhận định vấn đề này, Chủ tịch HĐ Dân tộc Ksor Phước chỉ ra: "Ta còn chần chờ trong nhiều trường hợp cổ phần hóa DNNN. 'Chôn' không được, mà để sống thì Nhà nước phải gánh rất nhiều, nhất là giải quyết chế độ chính sách cho người lao động".
Theo VNN