Fatima tại Trung tâm Elman tại thủ đô Mogadishu của Somalia - Ảnh: AFP |
Nạn hiếp dâm tràn lan ở Somalia, nhưng người bị trừng phạt không phải kẻ thủ ác mà là nạn nhân bị hiếp dâm, theo AFP.
“Chúng tôi đang đấu tranh thay đổi tư tưởng đổ lỗi cho nạn nhân bị hiếp dâm ở Somalia”, bà Fartuun Adan, người điều hành Trung tâm Nhân quyền và Hòa bình Elman tại thủ đô Mogadishu của Somalia, nơi giúp đỡ những nạn nhân bị hiếp dâm, cho biết.
“Những người đàn ông phạm tội hiếp dâm phải gánh chịu hậu quả, phải bị trừng trị”, nhưng oái ăm thay chính người bị hiếp dâm lại bị bắt, bà Adan bức xúc nói, đề cập đến trường hợp của Fatima như một ví dụ điển hình.
Theo AFP, Fatima và dì cô bé thường tự làm kẹo và đem đi bán. Vào một ngày nọ, Fatima đón một chiếc xe tuk-tuk để đi bán kẹo. Nhưng tài xế đã lái xe chở Fatima đến một nơi vắng vẻ và hiếp dâm cô bé.
Sau khi dì cô bé tố giác với cảnh sát, cảnh sát bắt giữ cả Fatima và tài xế. Nhưng kẻ hiếp dâm được thả vài giờ sau đó và cảnh sát tiếp tục giam giữ Fatima với cáo buộc cô bé là gái mại dâm.
“Cảnh sát bắt tôi, họ đổ lỗi cho tôi”, Fatima nói.
Dì Fatima nỗ lực gần cả tháng để cô bé được thả ra. Nhưng mỗi lần vào thăm Fatima tại nhà tạm giam ở đồn cảnh sát, các cảnh sát viên tại đây không cho gặp, lấy cớ rằng giam giữ nhằm huấn luyện cô bé làm lao công cho họ.
Và Fatima nhiều lần bị các cảnh sát hiếp dâm. Trong thời gian bị giam giữ, Fatima hoảng loạn nghĩ rằng người dì đã bỏ rơi cô.
Fatima được trả tự do sau khi Trung tâm Elman can thiệp, và hiện vẫn khủng hoảng tinh thần. Cô bé còn đối mặt với mối đe dọa bị đem ra tòa xử với tội danh làm gái mại dâm.
Chính quyền Somali từng đưa ra dự luật điểu chỉnh hiến pháp với những đạo luật mới liên quan đến xử lý nghiêm tội phạm hiếp dâm, bạo lực tình dục… nhưng dự luật vẫn chưa được thông qua, theo AFP.
Nạn hiếp dâm tràn lan ở Somalia có thể là do nước này rơi vào tình trạng bất ổn, xung đột kéo dài kể từ năm 1991.
“Bạo lực tình dục là một di sản của chiến tranh ở Somalia. Nếu nạn nhân bị hiếp dâm không thể đến cảnh sát trình báo, họ còn có thể đi đâu nữa?”, bà Adan nói.
Vào năm 2014, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền từng lên tiếng tố cáo binh sĩ thuộc lực lượng Liên minh châu Phi (22.000 lính) ở Somalia đã hiếp dâm và lạm dụng tình dục nhiều phụ nữ và trẻ em nước này, theo AFP.
Theo Thanh Niên