Chồng cũ nói gì về cái chết của nữ doanh nhân Hà Linh?

Thứ hai, 30/11/2015, 14:33
PV đã có bài phỏng vấn độc quyền với ông Lin Chin Chuang (SN 1956, chồng cũ của nạn nhân Hà Linh), nhân vật đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Lin Yảng Y, con gái riêng của ông Chuang cũng có mặt ở công ty tiếp chúng tôi
PV đang phỏng vấn ông Lin Chin Chuang

Ngày 22-9-2015, nữ doanh nhân ngành trà Lâm Đồng - Hà Thúy Linh (SN 1970) bị đầu độc, sát hại dã man tại Trung Quốc; dư luận trong nước bao trùm thông tin cho rằng, vụ án này có liên quan đến người chồng cũ của bà Linh.

Sáng 29-11-2015, PV đã gặp ông Chuang phỏng vấn và ghi nhận nhiều điều bất ngờ...

“Cứ hỏi nhiều một chút, tôi nói hết… tôi bị ăn hiếp, bị hàm oan”!

Biết tin ông Lin Chin Chuang (tên tiếng Việt là Lâm Thiên Sáng, từ đây, chúng tôi gọi tắt là ông Lâm) đang có mặt tại công ty ở làng chè Cầu Đất (xã Xuân Trường, TP.Đà Lạt, cách trung tâm thành phố này chừng 27km), chúng tôi liên lạc và được ông nhận lời tiếp tại văn phòng làm việc.

Trái với hình dung của chúng tôi về một ông chủ người Hoa khó tính, một người chồng gia trưởng, tâm trạng chắc đang rất bức xúc, bực bội về những thông tin bất lợi, ảnh hưởng đến mình; ông Lâm gây ấn tượng với chúng tôi bởi phong thái nhã nhặn, lịch sự.

Mặc dù đến Đà Lạt từ năm 1993 và thời gian ở đây từ đó đến nay nhiều hơn ở Trung Quốc, nhưng ông không giỏi nói tiếng Việt; hai nhân viên công ty là chị Thắng và anh Hồng làm phiên dịch. Lin-Yảng-Y (SN 1988), con gái riêng của ông Lâm cũng có mặt.

Lần thứ hai chúng tôi gặp lại, sau đúng 10 ngày, cô Y đón khách vẫn với dáng vẻ thân thiện, ít nói và… từ chối chụp hình. Yảng-Y tốt nghiệp thạc sĩ tại Úc, giúp quản lý, điều hành công ty mỗi khi ông Lâm vắng mặt ở Việt Nam.

PV: Dư luận nghi ngờ ông có liên quan đến cái chết của bà Hà Linh, ông nói gì về việc này?

Ông Lâm: Tôi buồn, cảm thấy mình là người nước ngoài đến nên bị ăn hiếp. Tại sao báo lại viết về tôi như vậy khi không có chứng cứ? Tôi thực sự bị hàm oan. Nếu tôi có liên quan, chắc chắn không thể có chuyện giờ này ngồi ở đây.

Ông biết tin cô Hà Linh bị giết khi nào? Ngày 22-9-2015 ông ở đâu? Cảm giác của ông lúc đó ra sao?

Ông Lâm: Tôi nhận được tin Linh chết qua con gái tôi... Lúc đó là buổi sáng ngày 22-9, tôi đang ở Quảng Châu (Trung Quốc). Nghe tin, tôi giật mình, buồn!. Dù sao, Linh cũng từng là vợ của tôi. Mẹ của các con tôi.

Yảng-Y cho biết: Rạng sáng ngày 22-9, một nhân viên Công ty Hà Linh điện thoại báo với Công ty HaiYi về cái chết của bà Linh. Tin này từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.

Tuy nhiên, vì còn ngái ngủ nên trời sáng hẳn, nhân viên công ty mới báo cho Yảng-Y. Bất ngờ, hoang mang, không hiểu chuyện gì nên cô gọi cho cha là ông Lâm đang ở Quảng Châu.

“Tôi điện thoại cho Hương (em gái Linh) nhưng không gặp nên gọi cho chồng của Hương, nói rằng tôi đang ở Quảng Châu, giúp được gì tôi sẵn lòng. Tôi nói bằng tiếng Việt, nói rất chậm, nhưng chú ấy nói “không hiểu, Hương không có nhà…”.

Về điều này, nhà báo có thể hỏi chồng Hương” – ông Lâm kể. Không có số điện thoại của con trai lớn, ông Lâm sau đó điện thoại về công ty, dặn nhân viên tên Hồng liên lạc, động viên tinh thần các con giúp ông rằng, mẹ mất, đừng buồn, còn có ba sẽ đón các con về nuôi.

Nhưng Hồng cho biết, anh không chuyển lời vì dư luận lúc đó nghi ngờ ông Lâm là một “ẩn số”, sợ có sự hiểu lầm nên chờ ông Lâm về giải quyết.

“Hai ngày sau, có 2 anh công an tỉnh Quảng Châu tới chỗ tôi ở, trao đổi về cái chết của Linh, đề nghị tôi hợp tác. (Ông Lâm lúc đó đang ở nhà một người bạn của ông ở Quảng Châu để chờ làm thủ tục gia hạn visa – theo lời ông kể).

Họ đưa tôi đến trụ sở công an để lấy lời khai. Lúc đó là 7 giờ tối. Họ hỏi rất nhiều, rất kỹ, đến 3 giờ sáng thì bảo tôi được phép về, nói tôi tìm khách sạn ngủ, mai về lại chỗ ở. Nhưng tôi nghĩ ở lại thuê khách sạn cũng mất tiền nên tự bắt taxi về, trên đoạn đường dài 50km”.

“Một cuộc hỏi cung… nhẹ nhàng” (!)

PV: Công an hỏi ông những gì, thưa ông?

Ông Lâm: Họ hỏi tôi về mối quan hệ với A Linh. Giữa chúng tôi có thế nào, từng như nào, tôi khai hết. Họ còn giữ điện thoại và kiểm tra các cuộc gọi của tôi, nhưng tôi không làm gì trái pháp luật nên tôi không sợ.

Công an Trung Quốc làm việc với tôi duy nhất một lần đó, cho đến nay.

PV: Họ có đặt những câu hỏi nghi ngờ ông liên quan đến vụ sát hại cô Linh không?

Ông Lâm: Họ không tỏ sự nghi ngờ đó với tôi.

PV: Thái độ của những viên cảnh sát trực tiếp làm việc với ông thế nào? Họ thân thiện hay nghiêm nghị? Ông có luật sư không?

Ông Lâm: Không, sao phải luật sư? Họ chỉ hỏi bình thường thôi mà. Hỏi gì tôi đều khai hết. Thái độ của họ đàng hoàng.

PV: Ông có nghi ngờ ai là kẻ đã xuống tay sát hại cô Linh dã man như vậy không?

Ông Lâm: Tôi không biết. Tôi và Linh là vợ chồng nhưng không kết hôn. Năm 2010, Linh bỏ đi khỏi nơi chúng tôi ở là công ty này, đến ở biệt thự xây riêng trên TP.Đà Lạt.

Sau đó, lập công ty Hà Linh. Kể từ đó đến nay, giữa tôi và Linh không có quan hệ gì trên công việc, đối tác. Tôi nghĩ Linh thiếu tiền người ta nhiều lắm, quan hệ xã hội cũng phức tạp, vì cô ấy năng động.

Linh chết rồi, nhưng tôi nói thật. Năm 2009, tôi và vợ trước cũng chính thức chia tay.

PV: Từ khi chia tay, cô Linh có nhờ ông hay ông có tình nguyện hỗ trợ gì cho cô Linh trong việc tiêu thụ hàng hóa ở Trung Quốc, Đài Loan không? Nhất là thời điểm năm 2014, trà Lâm Đồng bị phía Đài Loan tung tin đồn nhiễm đi-ô-xin nên gặp khó khăn xuất khẩu?

Ông Lâm: Hoàn toàn không. A Linh có quan hệ bạn bè, đối tác rộng hơn tôi. Tôi biết ít, sao giúp được. Mấy năm nay tôi còn giận, ghét Linh vì Linh lấy tiền của tôi khi còn làm chung công ty, để mở tiệm spa nên tôi không thích biết, không muốn nghe gì về Linh.

PV: Của chồng, công vợ mà ông!

Ông Lâm: “Cô Linh sống hay chết tôi đều khổ”!

Ông Lâm cho rằng, không có chuyện ông bạo lực với bà Linh khi cả hai còn là vợ chồng. Ông phủ nhận thông tin nói ông đến nhà bà Linh đe dọa, cấm người mua trà ô long của công ty Hà Linh.

Ông cho rằng, giữa họ luôn mâu thẫn về tài sản và con cái nên cuộc sống hôn nhân từ năm 2009 đến 2010 rất căng thẳng, dẫn đến việc cả hai quyết định “đường ai nấy đi”.

“Vợ chồng mâu thuẫn, cãi nhau, tôi chỉ đẩy Linh chứ không đánh. Linh khiến mọi người nghĩ tôi là người xấu còn Linh là người tốt. Tôi phải nói sự thật và chịu trách nhiệm 100% trước pháp luật. Linh đã lấy nhiều tiền của tôi, đều nói để nuôi con nên không trả tôi.

Năm 2013 tôi muốn kiện Linh số tiền 280.000USD, nhưng một luật sư tôi nhờ đã “phản kèo”, cung cấp toàn bộ thông tin… cho Linh, vậy là tôi bỏ cuộc. Linh mất rồi, tôi bị mang tiếng xấu, bị nghi ngờ là kẻ mưu sát vợ cũ.

Nói tôi thuê người sát hại Linh là không có, vì tôi chỉ ở công ty, ít ra ngoài, ít quan hệ, bạn bè để biết ai mà thuê. Thuê cũng phải có tiền.

Tôi không có tiền… Báo chí viết một chiều về Linh; thành ra dư luận nghĩ tôi là kẻ xấu, làm tôi rất xấu hổ, mất uy tín với các mối quan hệ bạn bè, đối tác. Linh sống tôi cũng khổ, cô ấy chết tôi cũng khổ”.

Ông Lâm cho biết, ngày 3-9-2015, ông từ công ty ở Việt Nam đi Quảng Châu - Trung Quốc để xin gia hạn visa. Ngày 8-10, sau khi làm việc với công an nước sở tại về vụ án bà Hà Linh bị sát hại, ông trở lại công ty ở Cầu Đất.

Cuối tháng 10, ông trở về Đài Loan để tổ chức đám hỏi cho con gái Yảng-Y.

Ngày 17-11-2015, từ Quảng Châu, ông đặt vé máy bay để ngày 27-11 trở lại công ty ở Cầu Đất, nhưng nghe con gái và trợ lý cho biết, báo chí, dư luận trong nước đổ dồn nghi ngờ ông liên quan đến cái chết của Hà Linh.

Ông quyết định đổi vé, đi chuyến sớm hơn, để ngày 21 có mặt tại công ty. Sự có mặt của ông ở Đà Lạt nhằm minh chứng cho việc ông có phải là nghi can của vụ án sát hại vợ cũ hay không.

Doanh nhân Hà Linh và 2 con trai.

“Tôi bị nghi ngờ cũng là điều đương nhiên”.

“Tôi và Linh chia tay cũng vì con cái, tài sản. Nhiều người và cả con cái không biết sự thật, nghĩ tôi là người xấu nên chuyện tôi bị nghi ngờ hại Linh cũng là điều đương nhiên.

Suốt những năm tháng ở với Linh, tôi chỉ có công việc và gia đình, tôi không cờ bạc, trai gái, karaoke, không chơi bời gì, tôi là người chồng tốt chứ!” – ông Lâm cảm thán.

-PVÔng nghĩ mình đã làm tròn trách nhiệm với con cái chưa, thưa ông? Nghe nói, suốt mấy năm qua, ông không đến thăm các con trong thời gian các cháu ở với mẹ? (ông Lâm và bà Linh có 2 con trai chung, lớn 13 tuổi, nhỏ 6 tuổi).

Ông Lâm: Linh đưa các con ra Đà Lạt ở, tôi ở lại công ty. Các con không biết nói tiếng Hoa, tôi nói không rõ tiếng Việt, các con không hiểu, Linh không đưa con vào thăm tôi, lâu dần mất tình cảm.

Tài sản tôi chỉ có công ty này trên đất thuê 50 năm của nhà nước, lợi nhuận công ty không nhiều, tôi không có tiền nên không giành nuôi con với Linh.

Từ khi chúng tôi yêu nhau (năm 1998) và khi có con đầu lòng, Linh rất thật thà. Sau này Linh thay đổi, chúng tôi không còn hòa hợp.

“Vụ án Linh bị sát hại đang được ngành chức năng điều tra, tôi khẳng định tôi không liên quan. Vậy mong báo chí viết gì về tôi phải có chứng cứ.

Tôi mong cơ quan công an mau chóng tìm ra thủ phạm để tôi khỏi bị nghi ngờ; để công ty, nhân viên của tôi yên tâm làm việc” – Ông Lâm bày tỏ.

Vụ án hung thủ sát hại doanh nhân Hà Linh vẫn đang được Bộ Công an Trung Quốc chỉ đạo điều tra, theo những công văn can thiệp của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và các Bộ, ngành liên quan.

Ngày 18-11-2015, một nguồn tin cho biết, đã bắt được 2 nghi can tại Đài Loan và Trung Quốc, chúng khai sát hại nạn nhân theo chỉ đạo của người khác.

“Người khác” này là ai, vẫn đang được điều tra làm rõ. Hi vọng vụ án sẽ sớm được đưa ra ánh sáng.

Ngày 27-11-2015, thân nhân bà Hà Thúy Linh chính thức nhận được thông báo của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam về việc chuẩn bị đưa thi hài nạn nhân về nước lo hậu sự, cụ thể ngày nào sẽ báo lại.

Được biết, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam đã vận động và được Hội doanh nhân trẻ các tỉnh, thành hưởng ứng đóng góp số tiền khoảng 300 triệu đồng để thuê máy bay đưa thi thể bà Hà Linh về TP.HCM, sau đó dùng xe ôtô đưa về Đà Lạt.

Trung ương Hội doanh nhân trẻ Việt Nam đang vận động Hội doanh nhân trẻ các tỉnh, thành mua 10 tấn chè tồn kho của công ty TNHH Hà Linh để giúp doanh nghiệp này trả nợ tiền mua nguyên liệu của hàng chục hộ nông dân; đồng thời có phương án khôi phục hoạt động của công ty Hà Linh.

Từ ngày nữ doanh nhân bị sát hại, nhà máy chế biến trà Hà Linh hoạt động cầm chừng, về lâu dài, lo không có đối tác tiêu thụ sản phẩm.

Theo Thanh niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích