Dự kiến ngày 3-12 tới đây, TAND tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức công khai xin lỗi ông Huỳnh Văn Nén trong cả hai vụ án mà ông bị kết tội oan. Đó là vụ “Vườn điều” (ông Nén bị kết án năm năm) và vụ bà Lê Thị Bông bị sát hại mà ông Nén bị kết án chung thân và bị giam đến 17 năm 5 tháng 5 ngày.
Đến giờ này có thể nói trong cái rủi có cái may, nếu ngày đó ông Nén không khai vụ “vườn điều”, có lẽ đến giờ mồ ông đã xanh cỏ, còn đâu cơ hội để minh oan!
Khai thêm vụ “Vườn điều” để thoát án tử
Theo tài liệu của CQĐT Bộ Công an, ngày 21-5-1993, nhiều người dân ở thôn 2, xã Tân Minh, Hàm Tân (Bình Thuận) phát hiện một xác chết phụ nữ ở vườn điều (nên sau đó gọi là vụ án “Vườn điều”). Nạn nhân là bà Dương Thị Mỹ, được xác định bị giết chết trong đêm 18 rạng sáng 19-5-1993. Sau khi khởi tố vụ án điều tra một thời gian dài nhưng không tìm được hung thủ, ngày 22-9-1993, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án.
Gần năm năm sau (23-4-1998), cũng tại thôn 2, xã Tân Minh xảy ra vụ án giết người, cướp của mà nạn nhân là bà Lê Thị Bông. CQĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã tiến hành điều tra và ngày 16-5-1998 đã ra quyết định khởi tố, bắt giam ông Huỳnh Văn Nén vì cho rằng ông là thủ phạm. Điều tra viên Cao Văn Hùng là người trực tiếp điều tra vụ án này.
Vụ án giết bà Lê Thị Bông có quá nhiều mâu thuẫn như có hai dấu chân kích cỡ khác nhau, hai con dao gây án… Nhưng bằng các “biện pháp nghiệp vụ”, điều tra viên Cao Văn Hùng vẫn buộc ông Nén là hung thủ. Sau đó, điều tra viên Cao Văn Hùng đã “thừa thắng xông lên”, buộc ông Nén phải khai ra gia đình vợ của mình đã giết chết bà Dương Thị Mỹ trong vụ án “Vườn điều” vì ghen tuông, trong đó ông Nén cũng là đồng phạm.
Dù bị đánh đập, ép cung, mớm cung cỡ nào nhưng do không làm, không biết gì nên ông Nén bất hợp tác. Chính vì thế, từ tháng 6 đến tháng 10-1998, CQĐT mà cụ thể là điều tra viên Cao Văn Hùng đã “quay” ông Nén như chong chóng. Suốt bốn tháng trời ông Nén phải bị hỏi cung vụ “Vườn điều” gần như mỗi ngày. Và trong một thoáng “mềm lòng”, ông Nén đã nhận tội trong vụ này để thoát án tử hình (trong vụ bà Bông) như lời phỉnh dụ của điều tra viên.
Ông Nén “thoát y” trước tòa tố cáo bị điều tra viên đánh đập, nhục hình. |
“Không bị án tử là may rồi”
Ngày ông Nén bắt đầu khai nhận là ngày 23-10-1998, khi đó ông chỉ khai báo nhỏ giọt (chớ có biết gì đâu mà khai). Từ những lời khai theo kịch bản, ngày 2-12-1998, CQĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định phục hồi điều tra vụ án “Vườn điều”. Và lần lượt từ tháng 12-1998 đến tháng 11-1999, chín người gồm ba thế hệ trong gia đình vợ ông Nén bị khởi tố, bắt giam. Ông Nén cũng bị khởi tố, truy tố cùng với vai trò đồng phạm.
Với “thành tích” này điều tra viên Cao Văn Hùng đã được khen thưởng và tuyên dương vì đã “phá” hai vụ án đặc biệt nghiêm trọng và đều là án mờ trong một thời gian ngắn.
Ngày 31-8-2000, ông Nén được đưa ra xét xử sơ thẩm trong vụ án giết chết bà Bông. Lẽ ra ông Nén đã bị tuyên án tử hình nhưng do lập công chuộc tội khai ra hung thủ trong vụ án “Vườn điều” nên được xử chung thân.
Án văn nêu rõ: “Huỳnh Văn Nén là tên tội phạm cực kỳ nguy hiểm, ngày nào mà y còn tự do ngoài xã hội là mối hiểm họa cho lương dân. Hành vi phạm tội của Huỳnh Văn Nén đã tước đoạt mạng sống của bà Bông, cướp một chỉ vàng. Sau khi giết chết bà Bông, Nén còn quay lại để phụ lo ma chay tỏ vẻ thương tiếc đánh lừa gia đình bà Bông và CQĐT, thể hiện bản chất gian manh, xảo quyệt của Nén. Quá trình điều tra Nén còn khai năm 1992 (thực chất là 1993) cùng đồng bọn gây ra vụ án giết người cướp của nhưng CQĐT chưa tìm ra thủ phạm. Nếu như Nén không khai ra, CQĐT sẽ không có căn cứ tìm ra thủ phạm. Chứng tỏ Nén đã ăn năn hối cải, muốn quay trở lại con đường thiện. Do đó, có thể cho y có điều kiện sống, học tập lâu dài để chuộc lại lỗi lầm mà y đã gây ra…”.
Chính nhờ thoát án tử nên khi ông Huỳnh Văn Truyện, cha ông Nén từ Cà Mau ra gặp luật sư chỉ định nhờ làm đơn kháng cáo, luật sư này đã từ chối vì cho rằng việc Nén không bị tử hình là quá may mắn rồi!
“Kịch sĩ” Huỳnh Văn Nén
Sau đó tại phiên xử lần hai vụ án “Vườn điều” ngày 11-3-2005, tại tòa ông Nén cho rằng sở dĩ mình nhận tội giết chết bà Bông và khai ra cho gia đình bên vợ trong vụ án “Vườn điều” là do bị điều tra viên Cao Văn Hùng nhiều lần dùng nhục hình, bức cung để buộc khai nhận. Phiên tòa lúc đó cũng có mặt điều tra viên Cao Văn Hùng.
HĐXX yêu cầu bị cáo chứng minh. Lập tức ông Nén rời khỏi vành móng ngựa, cởi áo ném xuống nền và quay đi quay lại nhiều lần chỉ những vết sẹo đã mờ trên cơ thể khẳng định đã bị điều tra viên đánh đập.
Theo CQĐT Bộ Công an, từ vụ án bà Bông đến vụ án “Vườn điều”, bốn tháng sau Nén mới khai báo và khai nhỏ giọt. Như vậy, dù Nén có khai đúng thì cũng không thể đánh giá là thành khẩn nhưng các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận đều cho rằng lời khai của Nén trong vụ “Vườn điều” như là sự tự thú, thành khẩn, phù hợp với hiện trường, dấu vết trên người tử thi, giúp CQĐT làm rõ vụ án. Tuy nhiên, theo CQĐT Bộ Công an, thực tế lời khai của Nén trước sau không thống nhất, mâu thuẫn với nhiều tài liệu, chứng cứ khác trong vụ án.
Ngoài ra, trong hoạt động điều tra còn biểu hiện không đảm bảo tính khách quan như điều tra viên cho các bị can nghe băng ghi âm, ghi hình để khai báo; sử dụng lời khai của các phạm nhân giam chung buồng với các bị can để làm chứng cứ buộc tội là không chính xác vì họ không trực tiếp chứng kiến sự việc, chỉ nghe nói lại. Công tác kiểm sát điều tra còn xuôi chiều, chưa chú trọng đến mâu thuẫn trong hồ sơ dẫn đến việc truy tố các bị can thiếu căn cứ.
Từ đó, ngày 26-12-2005, CQĐT Bộ Công an đã ra quyết định đình chỉ bị can đối với những người bị truy tố, kết án oan trong vụ án “Vườn điều” do chưa đủ chứng cứ để buộc tội.
Trời cao có mắt
Tiếc thay, vụ án ông Nén bị quy kết giết chết bà Bông không được làm rõ. Quan trọng hơn là sau phiên xét xử sơ thẩm hai ngày đã có đơn tố cáo ông Nén vô tội và hung thủ giết chết bà Bông là người khác. Thế nhưng người được cử đi xác minh đơn tố cáo này lại là điều tra viên Cao Văn Hùng, người đã dựng nên “kịch bản” và “đạo diễn” ra cả hai vụ án; được khen thưởng, tuyên dương thì không thể nào phủ nhận lại “thành tích” của mình.
Đúng 10 năm sau vụ án của ông Huỳnh Văn Nén mới được lật lại. Khi bị bắt ông Nén mới 36 tuổi và đến khi chính thức tự do đã gần 54 tuổi. Dù muộn nhưng trên môi “người tù thế kỷ” này đã thấy có nụ cười.
Ông Nguyễn Thận - nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh, nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQ huyện Hàm Tân, người 15 năm qua đã bỏ công kêu oan cho ông Nén trong cả hai vụ án - chua chát nói: “Nếu Nén không khai ra vụ án “Vườn điều” với những kịch bản đã soạn sẵn thì có lẽ Nén đã bị kết án tử hình. Và biết đâu tất cả đều đã khép lại rồi…”.
Nhưng trời cao có mắt, không ngờ lời phỉnh dụ của điều tra viên ngày nào đã “mở đường sống” cho ông Nén, để hôm nay ông có cơ hội được minh oan.
Ông Nén suýt thành hung thủ chính vụ “Vườn điều”
Trong quá trình điều tra vụ án “Vườn điều”, có lần ông Nén đã được “đạo diễn” từ vai trò đồng phạm trở thành hung thủ chính. Cụ thể, trong thời gian bà Nguyễn Thị Lâm (mẹ vợ ông Nén) bị giam tại nhà tạm giữ Công an huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) chung buồng với bị can Nguyễn Thị Kim Lan - là phạm nhân “tự giác bị bắt vì chứa mại dâm”. Bà Lâm không biết chữ nên Lan đã tập cho bà viết.
Nụ cười của ông Nén ngày gặp lại gia đình sau 17 năm 5 tháng 5 ngày bị giam oan. |
Và ngày 20-6-1999, bà Lâm “viết” được thư và nhờ Lan chuyển ra ngoài với nội dung: “Sáng (con rể bà Lâm) con, chuyện gia đình má đã khai hết với công an rồi. Má bàn với con hay mình đổ thừa cho một đứa nếu không nó bắt cả nhà mình. Má đổ thừa cho thằng Sinh với thằng Nén cầm dao giết con Mỹ rồi thằng Nén lấy vàng”.
Sau này khi ra tại tòa, bà Lâm đã chỉ thẳng mặt bà Lan rằng lá thư đó chính là do bà Lan cầm tay bà viết chứ từ nhỏ tới lớn một chữ cắn đôi bà còn không nhận ra, huống hồ là viết cả đoạn thư dài nhìn muốn hoa cả mắt.
Theo PL TP.HCM