Điểm mặt thủ đoạn “tín dụng đen” ở Cà Mau

Thứ ba, 15/03/2016, 15:41
Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, các đối tượng cho vay nặng lãi đã “hợp thức hóa” tài sản của người đi vay thành hợp đồng chuyển nhượng rồi kiện ra tòa khi con nợ không còn sức trả nợ tiền vay với lãi suất “cắt cổ”. Bằng thủ đoạn nêu trên, hàng trăm người dân ở Cà Mau có nguy cơ mất nhà, bị đẩy ra đường.
Chủ tịch Cà Mau Nguyễn Tiến Hải họp khẩn cấp chỉ đạo xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi cho vay lãi nặng.

Điểm mặt đối tượng

Ông Trương Ngọc Danh - Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau cho biết tại cuộc họp chiều 10.3, qua trinh sát và tố cáo của người dân, cơ quan công an đã xác định trên địa bàn tỉnh Cà Mau có đối tượng Nguyễn Thị Bé Tám, ngụ ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đã cho trên 40 người vay nợ từ năm 2013 trở lại đây.

Theo phản ánh của nhiều con nợ liên quan trong vụ việc này, để được vay tiền, những người vay tiền phải ra công chứng lập hợp đồng chuyển nhượng tài sản cho bà Tám. Đến khi con nợ không còn khả năng trả tiền thì bị bà Tám buộc phải giao nhà và đất, nếu người nợ tiền không giao tài sản, bà Tám kiện ra tòa và tòa xử cho bà Tám luôn là người thắng kiện.

Bà Phan Thị Út, xã Tân Phú, huyện Thới Bình cho biết, đầu tháng 9.2014, bà vay 150 triệu đồng từ bà Tám với lãi suất 3%/tháng. Để được vay số tiền này bà phải làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Tám với giá trị hợp đồng 200 triệu đồng, trong khi giá trị nhà và đất gần 1 tỉ đồng. Đến hạn không có tiền trả, bà Tám xiết lấy cả nhà và đất.

Bà Út bùi ngùi: “Khi vay tiền, bà Tám nói hợp đồng chỉ là hình thức thôi, nên bản thân tôi và nhiều người khác không do dự mà ký vào. Trong hợp đồng tôi chỉ chuyển nhượng đất, không chuyển nhượng nhà. Thế nhưng mấy tháng trước, trong lúc tôi đi vắng, bà Tám cho người khóa cửa nhà tôi, rồi ghi chữ bán nhà và số điện thoại liên hệ của bà ấy”.

Tương tự, ông Đoàn Minh Luân, xã Thới Bình, huyện Thới Bình vay của bà Tám số tiền 200 triệu đồng, làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (diện tích 30.000m2) thành 320 triệu đồng trong khi giá trị của tài sản thế chấp gần 2 tỉ đồng.

Do ông Luân không còn khả năng trả nợ, bà Tám khởi kiện ông Luân ra tòa, vì cho rằng mình mua đất của ông Luân có lập hợp đồng và đã làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện vụ việc đang được tòa án thụ lý. “Giá trị đất tôi thế chấp cho bà Tám hiện tại hơn 1,2 tỉ đồng, thì không lẽ nào tôi chỉ bán cho bà Tám có 320 triệu đồng như trong hợp đồng đã ghi”, ông Luân nói.

Để “giúp” nhiều người thiếu tiền, bà Tám thông qua một số đối tượng môi giới. Cơ quan công an đã xác định người môi giới cho bà Tám là bà Trần Thị Thoại ngụ cùng địa phương với bà Tám. Trình bày với cơ quan chức năng, bà Thoại thừa nhận từ năm 2013 đến nay, bà đã giới thiệu khoảng 40 người đến vay tiền bà Tám, với hình thức làm hợp đồng chuyển nhượng tài sản giả cách.

Cũng với chiêu trò này, ông Châu Hùng Dũng và một số đối tượng khác cũng “giúp đỡ” và sau đó lấy nhà đất, tài sản của nhiều người khác tại Cà Mau.

Không lẽ “bó tay”

Tại buổi làm việc với Chủ tịch tỉnh Cà Mau, Công an tỉnh Cà Mau cho biết, hiện các vụ việc này đang được tòa án thụ lý. “Công an tỉnh kiến nghị TAND các cấp khẩn trương đưa các vụ án khởi kiện tranh chấp dân sự có liên quan đến bà Nguyễn Thị Bé Tám ra xét xử dứt điểm, để có đủ căn cứ điều kiện xác định dân sự hay hình sự tạo điều kiện cho Công an tỉnh làm rõ trong thời gian sớm nhất”, ông Trương Ngọc Danh - Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Công an tỉnh Cà Mau để xử lý hành vi cho vay nặng lãitheo quy định của pháp luật là không dễ, bởi phải xác định được có tính chất chuyên nghiệp và số lãi gấp trên 150% lãi suất ngân hàng công bố.

Đồng quan điểm này, ông Đàm Hoàng Vũ - Viện trưởng VKSND tỉnh cũng cho rằng rất khó để xác định đây là tội phạm hình sự, bởi những người cho vay biết rất rõ quy định của pháp luật để... lách. Chánh án TAND tỉnh Cà Mau Nguyễn Thanh Hùng cũng cho rằng xử lý những trường hợp này hầu hết là những tranh chấp dân sự, những hợp đồng mua bán nhà, đất, tài sản mà hầu hết bên kiện đều không chứng minh được lỗi thuộc về bị đơn.

Trước tình hình nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đề nghị các cơ quan chức năng rà soát từng vụ việc cụ thể, phối hợp chặt chẽ để tìm cách xử lý, ngăn chặn tình trạng cho vay mang tính chất tín dụng đen. Cụ thể, Công an tỉnh điều tra, xác minh cụ thể những đối tượng mà quần chúng cung cấp. Xem xét cụ thể từng trường hợp, nếu thấy có dấu hiệu hình sự thì xử lý hình sự ngay.

Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Cà Mau cũng tạm dừng thi hành án những vụ án có liên quan đến tài sản, đất đai của các đối tượng đã xác định có dấu hiệu chuyên cho vay bằng hình thức hợp đồng giả cách.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo làm rõ

Sau cuộc họp với các ngành có liên quan, Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau phát đi văn bản “hỏa tốc” truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đề nghị các ngành công an, viện kiểm sát, thi hành án, ngân hàng… nhanh chóng xác minh làm rõ, điều tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cơ quan Thi hành án rà soát lại các bản án phải thi hành có liên quan đến các đối tượng có dấu hiệu cho vay lãi nặng thì tạm dừng, đặc biệt là hộ chính sách, hộ nghèo để công an vào cuộc. Chủ tịch Cà Mau yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai công việc được giao báo cáo kết quả chậm nhất vào ngày 18.3.

Ở diễn biến khác, ngày 14.3 huyện Thới Bình tổ chức họp khẩn để nghe các xã, thị trấn báo cáo tình hình các vụ việc có liên quan đến tín dụng đen. Qua báo cáo sơ bộ, toàn huyện Thới Bình có 8 vụ với hình thức vay nợ, cầm cố, chuyển nhượng quyền sử dụng đất có dấu hiệu tín dụng đen tại các xã: Thới Bình, Tân Bằng, Biển Bạch, Tân Phú, Hồ Thị Kỷ và thị trấn Thới Bình.

Theo Lao Động



Các tin cũ hơn