Mơ hồ với cỏ Mỹ

Thứ hai, 25/04/2016, 14:16
Hơn 100 đoàn viên thanh niên, giáo viên phụ trách công tác đoàn tiêu biểu ngỡ ngàng trước cái tên cỏ Mỹ, chất vừa được bổ sung vào danh mục ma túy.

Tại hội thảo “Cỏ Mỹ, shisha và những hiểm họa đang tàn phá giới trẻ” do Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe TP.HCM (T4G) phối hợp với quận Bình Thạnh tổ chức sáng 24/4, Thượng úy Hắc Xuân Hùng, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy TP.HCM, đặt vấn đề “đến tham dự buổi nói chuyện hôm nay đều là các anh chị phụ trách đoàn, không lý nào chúng ta không biết và chưa bao giờ nghe đến từ cỏ Mỹ hay shisha”.

Đáp lại câu hỏi của thượng úy Hùng, các đoàn viên không ngần ngại lắc đầu với cỏ Mỹ, “shisha thì nghe rồi nhưng cỏ Mỹ thì chưa nghe, nó là gì vậy?”.

Cỏ Mỹ là gì vậy?

Chị Trịnh Ngọc Tường Vy, đoàn viên (phường 21, quận Bình Thạnh), cho biết thời gian gần đây phát hiện có khá nhiều bạn lứa tuổi học sinh đăng tải trên Facebook cá nhân hình ảnh các loại thuốc, bình hút đủ kiểu, đủ loại.

“Có học sinh còn diễn tả cảm giác thích thú với những thứ đồ chơi này nhưng tôi chỉ nghĩ đó là shisha, bình thường shisha vẫn bán rất nhiều ở các quán cà phê công khai mà không gây nên vấn đề gì, nay được nghe thêm về muối tắm, cỏ Mỹ... thì phải xem lại có khi nào các bạn này đang lầm tưởng sử dụng chất cấm hay không”.

Nhiều người chưa hiểu được tác hại của shisha, cỏ Mỹ.

Ngược lại, ông Hắc Xuân Hùng khẳng định mặc dù không được xem là ma túy, chưa đưa vào danh mục chất cấm nhưng khi sử dụng, thứ nhất nhiều bạn trẻ không tìm hiểu rõ được nguồn gốc shisha mình đang sử dụng ở đâu, an toàn không. Thứ hai, khi sử dụng shisha muốn tăng thêm độ hưng phấn, có rất nhiều bạn cho thêm vào đó nào là ma túy, cần sa, cỏ Mỹ và vô tình thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Trên thị trường hiện nay, shisha đi từ các quán bar, vũ trường đến các quán cà phê và bây giờ các quán trà chanh chém gió, quán vỉa hè cũng xuất hiện hình bóng loại “giải trí” này. Vấn đề đáng quan tâm là một bình shisha nhập từ Thái Lan, Singapore... giá đều dao động trên 1 triệu đồng nhưng khi về đến các quán vỉa hè lại rất bình dân, chỉ cần 200.000 đồng là có thể sử dụng một bình.

Thực chất của việc giảm giá thành chính là hành động pha thêm các hương liệu không an toàn, trộn các chất không rõ nguồn gốc gây hại hơn cho người sử dụng.

“Bây giờ shisha không phải là một loại ma túy và chưa có chế tài về pháp luật, tuy nhiên các cơ quan chức năng nhận thấy sự nguy hiểm của shisha và sức ảnh hưởng của nó nên trong tương lai gần hy vọng sẽ có chế tài về pháp luật cho shisha” - ông Hùng nói.

Hút chơi, ung thư thật

BS CK2 Huỳnh Thanh Hiển, BV Tâm thần TP.HCM, phân tích trong quá trình hút shisha, việc dùng nước để lọc trước khi đưa khói vào người chỉ được xem là động tác giả tạo cảm giác an toàn chứ không hề có tác dụng loại bỏ các chất độc hại.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới và Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, một lượt hút shisha kéo dài một giờ thì lượng khói hít vào phổi gấp 100-200 lần hút một điếu thuốc lá, lượng carbon monoxide (CO) và lượng nicotine cũng sẽ tăng tương ứng. Qua một thời gian có thể gây ra các bệnh như ung thư phổi, ung thư miệng, dạ dày, thực quản, kèm theo dấu hiệu suy giảm chức năng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giảm khả năng sinh sản.

Bên cạnh đó, khi sử dụng bình shisha có nhiều ống hút, những người hút chung có nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp tăng cao, nếu một trong những người sử dụng bình shisha bị lao, cảm cúm... thì chắc chắn những người còn lại cũng sẽ gặp vấn đề.

Tác hại nguy hiểm nhất được bác sĩ nhấn mạnh chính là shisha hiện không phải là ma túy, không bị cấm nhưng nó đang là tiền đề cho một thói quen, một hành vi nghiện ngập, khả năng người sử dụng shisha chuyển sang tìm kiếm các chất gây nghiện khác như ma túy sẽ rất lớn, điều này rất đáng lo ngại.

Muôn kiểu quậy của dân “ngáo đá”

Hơn 50% người cai nghiện trong các trại là người chơi ma túy đá, người sử dụng các chất gây nghiện rơi vào cảm giác kích thích, ảo giác, tưởng tượng mình đang là người bị hại, nói chuyện với những vật không có thật, leo lên trụ điện, nóc nhà nhảy xuống, thậm chí giết người, chặt xác, thực hiện những hành vi mà người bình thường không dám làm...

Những hành vi này rất nguy hiểm cần phải ngăn chặn và cần phải nâng cao cảnh giác với các chất gây nghiện, nhất là giới trẻ.

Thượng úy Hắc Xuân Hùng

BS CK2 Huỳnh Thanh Hiển, BV Tâm thần TP.HCM, khuyến cáo để tránh con em mình sau khi gây án hay chẩn đoán loạn thần ở bệnh viện mới phát hiện con mình sử dụng các chất gây ảo giác, phụ huynh và giáo viên nên để ý các dấu hiệu khác thường ở người bắt đầu sử dụng ma túy như thường xuyên mệt mỏi, người lờ đờ không tập trung, bỏ ăn vài ngày sau đó lại ăn bù một bữa với khối lượng thức ăn rất lớn, không ngủ hoặc ngủ ít và ngủ bù cả ngày lẫn đêm nhiều ngày liên tục.

Theo PLO

Các tin cũ hơn