Nhân viên Sở Y tế TP.HCM bị tố lừa đảo: Thêm sự việc "động trời"

Thứ hai, 25/04/2016, 13:10
Liên quan đến đường dây làm bằng giả của Hồ Quang Hải mà một nhân viên thuộc Sở Y tế TP.HCM bị tố là một “mắt xích”, rất nhiều trường hợp đã được Sở này cấp chứng chỉ hành nghề dựa trên bằng cấp giả từ đường dây này.

Ngày 20.4 đã đăng bài “Nhân viên Sở Y tế TP.HCM bị tố lừa đảo làm bằng giả” về việc ông Lê Văn Phúc - hiện công tác tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, thuộc Sở Y tế TP.HCM - bị tố làm giả bằng đại học ngành dược và cũng là một “mắt xích” trong đường dây làm bằng giả của Hồ Quang Hải (đã bị đưa ra xét xử và tuyên án năm 2014).

Các bằng cấp y, dược giả mà Hồ Quang Hải đã làm cho một "bác sĩ nha khoa"

Bằng dỏm vẫn được Sở Y tế cấp chứng chỉ hành nghề “thật”

Khi đường dây bằng giả của Hồ Quang Hải bị phanh phui, một số cá nhân có liên quan đã bị cơ quan điều tra triệu tập. Trong đó, có 6 người từng mua bằng bác sĩ, dược sĩ, y sĩ giả từ đường dây của Hải. Tuy nhiên, đáng kinh ngạc hơn, có trường hợp bằng giả nhưng không bị triệu tập và vẫn được Sở Y tế TP.HCM cấp chứng nhận hành nghề (CCHN). Đó là trường hợp ông N.T.Đ (44 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) - người từng nhờ Hải và đồng bọn làm bằng dược sĩ giả.

Sau đó, qua đường dây của Hải, ông Đ đương nhiên cũng có được CCHN do chính Sở Y tế cấp dựa trên bằng giả đó. Cùng với CCHN, ông Đ cũng có được giấy đăng ký kinh doanh để mở nhà thuốc Tây hoạt động từ năm 2010 tại quận 7.

Khi đường dây của Hải bị triệt phá năm 2014, ông Đ chủ động làm bản khai báo xin Sở Y tế rút lại CCHN và ngưng hoạt động nhà thuốc. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, ngày 22.4.2105, Sở vẫn cấp lại CCHN mới cho ông Đ.

Trước sự thật trên, ông H - người đã giúp công an lôi đường dây làm bằng giả nói trên ra ánh sáng - cho rằng, trong vụ án này, một mình Hồ Quang Hải không thể đủ “uy quyền” để có thể thao túng việc cấp CCHN của Sở Y tế TP.HCM như thế được.

Ngoài ra, tại cơ quan điều tra, Hải khai nhận đã thuê 3 người tên Nam, Lâm và Phúc làm bằng giả cho đường dây. Theo đó, mỗi khi giao bằng giả cho Hải, những người này trích lại theo thỏa thuận: Bằng trung học từ 5 - 10 triệu đồng/bằng, bằng đại học từ 10 - 15 triệu đồng/bằng. Tổng số tiền Hải thu được từ hoạt động bất chính này là 334 triệu đồng. Như vậy, số bằng giả mà đường dây này “sản xuất” còn rất nhiều, không phải chỉ có 6 trường hợp được triệu tập.

Ông H cũng bức xúc, tại sao công an không xác định được 3 đối tượng mà Hải đã khai? Bởi, ông có đầy đủ hình ảnh chứng minh quan hệ rất thân thiết của những người này với Hải. Trong đó, như bài trước đã nêu, nhân vật Phúc cũng chính là người vừa bị tố cáo làm bằng giả, hiện công tác tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm trực thuộc Sở Y tế TP.HCM.

Ông Lê Văn Phúc - nhân viên Sở Y tế TP.HCM - bị tố làm bằng giả, chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn công tác xã hội do Hồ Quang Hải tổ chức trong khoảng năm 2010-2012. Ảnh do ông H cung cấp.

Sở Y tế chỉ đạo khẩn trương xử lý nghiêm

Ngay sau khi  đăng bài liên quan đến ông Phúc, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm yêu cầu ông này tường trình và xử lý theo thẩm quyền.

Theo báo cáo của chi cục, sau khi nhận được phiếu chuyển của Thanh tra Sở Y tế, chi cục đã cho ông Phúc tạm ngưng công tác để làm tường trình và phục vụ công tác xác minh. Trong tường trình, ông Phúc đã phủ nhận hành vi làm bằng giả cho Phan Thanh Long (36 tuổi, ngụ quận 4, TP.HCM), đồng thời cũng phủ nhận không liên quan đến đường dây làm bằng giả của Hồ Quang Hải. Do đó, Thanh tra Sở sẽ chuyển vụ việc tố cáo này đến cơ quan công an.

Liên quan đến việc cấp CCHN, Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết, về pháp lý, tất cả giấy tờ bị nghi ngờ giả mạo, Sở đều phải có văn bản gửi nơi cấp các giấy tờ đó xác nhận là giả mạo, để có căn cứ xử lý. Với thủ đoạn làm giả giấy tờ hết sức tinh vi, nhiều trường hợp không thể nhận ra bằng mắt thường mà phải có sự giám định của cơ quan chức năng. Hơn nữa, Sở viện lý do với số lượng CCHN được cấp rất nhiều nên công tác rà soát phải cần thời gian.

Trước mắt, Sở đang tiến hành xem xét hồ sơ cấp CCHN của những người bị ông H, anh Long tố cáo và các nguồn khác. Việc rà soát và xử lý hồ sơ nghi ngờ này có sự phối hợp với Phòng PA83 Công an TP.HCM theo quy chế.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo khẩn trương và xử lý nghiêm, rút lại CCHN ngay lập tức khi xác định là giả mạo, không đúng thủ tục. Bên cạnh đó, Sở sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm cán bộ có dấu hiệu tiêu cực, nếu có.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn