Ngày 13/4, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45 Bộ Cộng an) cho biết đang tạm giữ 10 nghi can để điều tra về hành vi Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Theo cơ quan điều tra, cầm đầu băng nhóm làm bằng giả này là Lê Tấn Cường (30 tuổi, quê Bình Định).
Trước đó vào đầu năm 2015, các trinh sát của (C45) phát hiện nhiều trang web có tên miền, quảng cáo công khai dịch vụ làm các loại bằng cấp giả từ trung cấp đến tiến sĩ, các chứng chỉ ngoại ngữ với giá 5 - 7 triệu đồng. Khách hàng làm số lượng nhiều sẽ được giảm giá.
Đánh giá đây là một đường dây làm bằng giả quy mô cực lớn, Phòng 4 C45 báo cáo lãnh đạo Tổng Cục Cảnh sát và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội để xác lập chuyên án đấu tranh vào tháng 2/2016.
Nghi can cầm đầu đường dây bằng giả tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp. |
Qua điều tra, theo dõi, trinh sát nhận thấy các nghi can rao bán bằng cấp công khai, nhưng các thủ đoạn tiếp nhận thông tin; giao nhận tiền thì rất tinh vi, bí mật. Khách hàng có nhu cầu liên hệ với số điện thoại đăng trên trang web, rồi gửi thông tin cho các nghi can qua hòm thư điện tử. Sau đó nhóm nghi can này sẽ giao “hàng” tại các địa điểm bất kỳ trên đường phố.
Sau quá trình dài theo dõi, sáng cùng ngày, hàng chục trinh sát C45 phối hợp với các cục nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an TP.HCM, Đồng Nai, Bến Tre đồng loạt ập vào 8 địa điểm. Tại khu chung cư C6 Khu Công nghệ cao (quận 9, TP.HCM - trụ sở chính của đường dây này) công an bắt giữ 4 nghi can.
Khám xét, nhà chức trách thu giữ hàng chục máy in màu, máy scan, laptop, hàng trăm bằng thành phẩm và gần 10 nghìn phôi bằng, con dấu.
Tại cơ quan điều tra, Cường khai nhận là người trực tiếp đặt mua các phôi bằng từ Trung Quốc, sau đó giao cho đồng bọn sản xuất. Anh ta cũng trực tiếp nhận đặt hàng từ các đối tượng môi giới, rồi chuyển thông tin cho nhóm sản xuất. Trung bình mỗi ngày Cường giao cho đồng bọn sản xuất 20 bằng cấp, chứng chỉ giả, thu lợi bất chính hơn 100 triệu đồng/tháng.
Theo đại úy Lường Tiến Quân - Phòng 4 C45, bằng giả của đường dây này giống 99% bằng thật, không thể phân biệt bằng mắt thường. Muốn phân biệt phải xác minh bằng hồ sơ gốc và giám định của Bộ Công an. Qua kiểm tra, cảnh sát phát hiện nhiều bằng dược sĩ giả. Công an cho biết, nghi can tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, bằng thủ đoạn kinh doanh bằng cấp giả, đến nay Cường đã mua được nhà, xe hơi.
Theo Zing