CSGT TP.HCM phòng chống đua xe như thế nào?

Thứ sáu, 29/04/2016, 10:22
"Chúng tôi không chờ thanh thiếu niên tụ tập mới kiểm tra xử lý mà chúng tôi dùng mọi biện pháp, nếu 1h tụ tập thì 19h đã kiểm tra".

Trung tá Huỳnh Trung Phong - Phó phòng Cảnh sát Giao thông Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP.HCM đã khẳng định như trên khi trao đổi với báo chí sau lễ ra quân tuần tra, kiểm soát, ghi hình, xử lý vi phạm qua hình ảnh, ngày 28/4.

Đua xe hầu như chưa xảy ra

Trung tá Phong cho biết hiện nay Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt - Công an TP.HCM xác định công tác phòng chống thanh thiếu niên tụ tập đua xe trái phép là công tác quan trọng trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

“Tuy nhiên, trên thực tế thì thời gian vừa qua chúng tôi đã áp dụng nhiều biện pháp. Do đó tình trạng thanh niên tụ tập đua xe hầu như là chưa có, chưa xảy ra. Tuy nhiên dấu hiệu thanh thiếu niên tụ tập biểu diễn gây mất trật tự gần đây là có diễn ra”- trung tá khẳng định.

Trung tá Huỳnh Trung Phong - Phó phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM khẳng định đua xe là chưa xảy ra.

Theo trung tá, hiện nay mức độ, cách thức hoạt động và phương thức hoạt động của những thanh niên này này có sự thay đổi. Nếu như trước đây các băng nhóm ngang nhiên tụ tập công khai thành nhóm điều khiển phương tiện giao thông trên đường, có xác định lộ trình thì gần đây hầu như tình trạng này đã bị triệt để, các thanh niên không dám ngang nhiên hoạt động như vậy, không di chuyển theo lộ trình mà hẹn nhau ở cung đường vắng, tụ tập về khuya (từ 1h đến 5h).

Họ  hoạt động có sự né tránh, đặc biệt có sự liên kết trên mạng rồi hẹn hò với nhau, tập trung tại một điểm, biểu diễn chớp nhoáng trong vòng vài phút khi thiếu vắng lực lượng chức năng rồi biến mất.

“Chúng tôi xác định đây cũng là thủ đoạn, phương thức gây khó khăn cho sự kiểm soát, kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, tính manh động và mạo hiểm của đối tượng này là có.

Do đó trong việc phòng, chống tội phạm đua xe trái phép thì chúng tôi xác định biện pháp phòng ngừa là biện pháp quan trọng.... Để hạn chế, không để xảy ra tình trạng tụ tập đua xe trái phép thì biện pháp phòng ngừa là biện pháp quan trọng” - trung tá Phong nói.

Vụ 200 thanh niên tụ tập biểu diễn trên Võ Văn Kiệt vào rạng sáng 24/1, khi bị phát hiện, nhóm này tháo chạy, lao xe vào nhau khiến 11 người bị thương.

CSGT phòng, chống đua xe như thế nào?

Nói về các giải pháp phòng ngừa tình trạng đua xe trái phép. Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP.HCM, cho biết: Biện pháp thứ nhất là lập danh sách những đối tượng trước đây có liên quan tụ tập đua xe trái phép, gửi về công an phường/xã/thị trấn, thông qua hệ thống công an phường/xã/thị trấn để theo dõi, quản lý các đối tượng này ở trên địa bàn.

“Đây là biện pháp mà chúng tôi đánh giá cao, sẽ kiềm chế những đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật về tụ tập đua xe trái phép”, ông nói.

Thứ hai, những người này khi vi phạm giao thông sẽ được thông báo về tổ dân phố để tổ dân phố tiến hành tổ chức kiểm điểm trước khi tham gia đóng phạt. Việc kiểm điểm này có tác dụng răn đe rất cao, không chỉ đối với người vi phạm mà còn có tác dụng tuyên truyền vận động trong đội ngũ nhân dân, từng tổ dân phố, từng hộ gia đình.

Đội CSGT Chợ Lớn tiến hành dừng phương tiện có dấu hiệu độ xe, đua xe để kiểm tra, xử lý. Ảnh được chụp vào ngày 15/4.

Thứ ba, thông qua chính quyền địa phương để quản lý. Cụ thể các tổ dân phố, các khu dân cư, từng hộ gia đình sẽ tuyên truyền, vận động, theo dõi, giáo dục con em mình; đặc biệt chính đối tượng học sinh sinh viên phải được tuyên truyền tốt nhất thông qua trường học, các mặt trận -  đoàn thể địa phương như Thành đoàn, đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, tổ chức công đoàn,...

Còn về biện pháp nghiệp vụ, trung tá Phong cho biết phòng tiến hành kiểm tra hành chính, kiểm tra phương tiện có dấu hiệu thay đổi đặc trưng, đây là những đối tượng có khả năng tham gia tụ tập.

Khi những thanh niên này đang điều khiển phương tiện giao thông trên đường, lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm túc đối với những người sử dụng phương tiện thay đổi đặc trưng như sử dụng xe dán tem màu, xe gắn pô nổ to, các phương tiện có dấu hiệu thay đổi....

Một biện pháp nghiệp vụ hết sức quan trọng là phối hợp với chính quyền địa phương đặc biệt thông qua công an phường/xã tiến hành rà soát trên địa bàn phường/xã có những tiệm sửa xe có dấu hiệu độ xe, thay đổi đặc trưng của phương tiện, thay đổi về kết cấu, máy móc, hình dáng của phương tiện, thì những tiệm này sẽ phải cam kết không tiếp tay cho độ xe, thay đổi đặc trưng.

Đối với biện pháp nghiệp vụ công khai, hàng đêm Phòng CSGT đều có các tổ công tác chuyên đề, kiểm tra vi phạm nồng độ cồn, song song với kiểm tra hành chính cho tất cả người điều khiển phương tiện lưu thông sau 23h mà chủ yếu là thanh thiếu niên có dấu hiệu dùng xe độ. Sau đó tổ công tác sẽ tiến hành dừng xe để kiểm tra, xem phương tiện có bánh lốp, màu sơn, pô, máy móc có đảm bảo, có thay đổi đặc trưng không để xử lý.

Phó phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP.HCM khẳng định: “Chúng tôi tăng cường biện pháp kiểm tra xử lý nhưng phòng ngừa vẫn là quan trọng, không chờ nhóm thanh thiếu niên tụ tập mới kiểm tra xử lý mà chúng tôi dùng mọi biện pháp, nếu 1h sáng tụ tập thì 19h tối đã kiểm tra, kiểm tra làm sao cho họ không tụ tập vào lúc 1h chứ không chờ đến 1h tụ tập mới kiểm tra xử lý”.

Theo Zing

Các tin cũ hơn