|
Phạm Công Danh có mặt với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. |
Đình chỉ vụ án với PGĐ Oceanbank
Từ sáng sớm, lực lượng công an đã có mặt tại khu vực tòa nhằm đảm bảo an ninh cho việc xét xử. 48 bị cáo được dẫn giải tới đây từ 7h sáng. Phía ngoài, những người được tòa triệu tập xếp hàng làm thủ tục tới gần 9h. Hội đồng xét xử (HĐXX) gồm 5 thành viên, thẩm phán Trần Nam Hà giữ vai trò chủ tọa.
Trong số 48 bị cáo phải hầu tòa, Nguyễn Thị Minh Phương – nguyên Phó TGĐ Ngân hàng CPTM Đại Dương (Oceanbank) vắng mặt do bị ung thư. Chủ tọa cho biết, Bệnh viện Bạch Mai xác nhận bà Phương rất yếu nên tòa quyết định đình chỉ vụ án với Phương, sẽ xét xử lại nếu sức khỏe bị cáo tốt hơn.
Tòa cũng triệu tập khoảng 600 đương sự liên quan đến hành vi sai phạm của các bị cáo. Nhiều đơn vị liên quan hoạt động trả lãi ngoài hợp đồng của Oceanbank cũng được triệu tập như Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa, Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Ngân hàng Liên Việt, Đại học Kiến trúc Hà Nội…
Đặc biệt, các bị án Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây Dựng và Trần Thanh Bình - nguyên Giám đốc Cty Trung Dung cũng có mặt với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Thẩm phán Trần Nam Hà cho biết, đối với những trường hợp vắng mặt, toà sẽ tiếp tục triệu tập và nếu cần thiết sẽ phối hợp với CQĐT áp giải tới tòa. Một số cán bộ hội sở Oceanbank cùng giám đốc, phó giám đốc chi nhánh ngân hàng này cũng được triệu tập để có mặt tại tòa vào ngày 6/3.
Sau khi công bố những người vắng mặt, chủ tọa phiên tòa hỏi ý kiến các luật sư và đại diện VKS. Một số luật sư cho rằng cần triệu tập một số cá nhân gồm Hà Minh Nguyệt - Kế toán trưởng Cty Điện lực dầu khí; Trần Đức Chính – nguyên Kế toán trưởng Vinashin; Nguyễn Tuấn Hùng – Trưởng phòng tài chính kế toán Cty thăm dò, khai thác dầu khí. Sau hội ý, chủ tọa phiên tòa cho biết sẽ triệu tập thêm một số cá nhân khi cần thiết.
Vào phần kiểm tra căn cước, bị cáo Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank khá bình tĩnh trả lời các câu hỏi của chủ tọa. Tiếp đó, bị cáo Nguyễn Thị Minh Thu – nguyên Phó TGĐ Oceanbank được chủ tọa hỏi về nhân thân, thành phần gia đình. Bà Thu bật khóc nức nở nên phần trả lời phải tạm dừng chốc lát. Một loạt bị cáo nữ trong vụ án cũng vừa khóc vừa trả lời tòa khi được hỏi về cha mẹ, chồng con. “Đây là ngày đầu tiên xét xử phiên tòa, tòa chưa kết tội ai cả nên các bị cáo phải bình tĩnh trả lời” – thẩm phán Trần Nam Hà nói.
Nhiều doanh nghiệp hưởng lợi từ Oceanbank
Chiều 27/2, phiên tòa mở đầu với việc đại diện Viện kiểm sát (VKS) công bố bản cáo trạng dài gần 140 trang. Nội dung cáo trạng cho thấy, từ năm 2012 – 2014, Hà Văn Thắm cùng 47 đồng phạm đã có nhiều vi phạm, gây thiệt hại cho Oceanbank gần 2.000 tỷ đồng.
Cụ thể, Hà Văn Thắm và Nguyễn Văn Hoàn – nguyên Phó TGĐ Oceanbank đã cho Phạm Công Danh vay 500 tỷ đồng sai quy định qua Cty Trung Dung. Việc này nhằm giúp Danh mua lại cổ phần Ngân hàng Xây Dựng của nhóm cổ đông Đại Tín do bà Hứa Thị Phấn cầm đầu và giải thoát Thắm khỏi “thương vụ” Đại Tín. Qua đây, Oceanbank thiệt hại hơn 343 tỷ đồng nên Thắm và Hoàn bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
|
Bị cáo Hà Văn Thắm tại tòa. |
Tiếp theo, trong thời gian được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cử sang làm TGĐ Oceanbank, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã chủ trương chi tiền “chăm sóc khách hàng” để thu hút vốn. Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm đồng ý rồi tiến hành thu thêm lãi suất vay tín dụng và chênh lệch tỷ giá nhằm có tiền cho Sơn. Việc này gây thiệt hại cho Oceanbank gần 69 tỷ đồng, vì vậy Sơn - Thắm và 3 đồng phạm khác bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Có 46/48 bị cáo hầu tòa về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, do nguồn vốn của Oceanbank phụ thuộc lớn vào PVN và các đơn vị của tập đoàn này nên Hà Văn Thắm đề ra chủ trương chi trả lãi suất huy động ngoài hợp đồng cho khách hàng. Chủ trương này được thực hiện trên toàn hệ thống Oceanbank, khiến ngân hàng này thiệt hại hơn 1.576 tỷ đồng. Trong số đó, Hà Văn Thắm nhận và sử dụng gần 279 tỷ đồng, Nguyễn Xuân Sơn nhận hơn 246 tỷ đồng.
Cáo trạng cũng thể hiện, lượng tiền lớn thất thoát của Oceanbank đã “chạy” sang túi các đơn vị thuộc PVN. Đơn cử, có hơn 48 tỷ đồng lãi ngoài tiền gửi không kỳ hạn cho khách hàng được chuyển cho Tổng Cty Dầu Việt Nam (PVOIL), Cty Lọc hóa dầu Bình Sơn và Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro. Nhiều đơn vị dầu khí khác được hưởng lợi như Tổng Cty thăm dò khai thác dầu khí nhận hơn 76 tỷ đồng, Tổng Cty Điện lực dầu khí Việt Nam hưởng hơn 35 tỷ đồng, Tổng Cty Bảo hiểm Dầu khí và các thành viên nhận gần 20 tỷ đồng…
Sáng nay (28/2), đại diện VKS tiếp tục công bố cáo trạng vụ án.
Có 46/48 bị cáo hầu tòa về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, do nguồn vốn của Oceanbank phụ thuộc lớn vào PVN và các đơn vị của tập đoàn này nên Hà Văn Thắm đề ra chủ trương chi trả lãi suất huy động ngoài hợp đồng cho khách hàng. Chủ trương này được thực hiện trên toàn hệ thống Oceanbank, khiến ngân hàng này thiệt hại hơn 1.576 tỷ đồng. Trong số đó, Hà Văn Thắm nhận và sử dụng gần 279 tỷ đồng, Nguyễn Xuân Sơn nhận hơn 246 tỷ đồng. |
Theo Tiền Phong