Khoảng lặng trong phiên tòa xử đại án ở Oceanbank

Thứ sáu, 10/03/2017, 09:33
Họ đứng đầu những đơn vị đã chi lãi ngoài theo chủ trương của lãnh đạo, góp phần gây thất thoát 1.576 tỷ đồng mà bản thân không hưởng lợi gì. Họ bật khóc những khi được hỏi về gia đình, chồng con hoặc nhớ lại việc bán nhà để khắc phục hậu quả.

Bị cáo Nguyễn Thị Kiều Liên bật khóc tại tòa.

Thời tiết Hà Nội thế nào?

Đây là câu hỏi của chủ tọa Trần Nam Hà tại phiên xử vụ đại án tham nhũng  gần 2.000 tỷ tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank). Câu hỏi được dành cho bị cáo Nguyễn Hồng Quân  – nguyên GĐ Oceanbank Chi nhánh Cà Mau. Đây là lần đầu ông Quân đứng trước vành móng ngựa và tỏ ra khá bối rối. Khuôn mặt ngơ ngác, ông mấp máy miệng nhiều lần nhưng không nói thành lời. Chậm rãi, chủ tọa đặt câu hỏi: “Bị cáo cảm thấy thời tiết Hà Nội thế nào?”. Một vài giây đắn đo, khoảng cách giữa quan tòa và tội phạm gần lại khi ông Quân mỉm cười, nói: “Dạ, bị cáo chưa quen”.

Từ 27/2 tới 8/3, hằng ngày ông Quân cùng 47 bị cáo khác lầm lũi bước qua cửa soi chiếu an ninh để vào phòng xét xử. Nhiều người bị bắt tạm giam nhưng có người tại ngoại và vẫn làm việc tại ngân hàng. Hà Văn Thắm - bị cáo đầu vụ trả lời rành mạch các câu hỏi. Trái lại, nhiều bị cáo khác không giữ được bình tĩnh, nhất là các bị cáo nữ. Nguyễn Thị Kiều Liên – nguyên GĐ Oceanbank Chi nhánh Vũng Tàu khóc nấc lên khi được hỏi.

Bà Liên được tại ngoại, đến tòa với trang phục văn phòng không quên trang điểm nhẹ. Tuy vậy, người phụ nữ không thể giấu sự xúc động khi được hỏi về gia đình, chủ tọa phải động viên: “Đây là ngày đầu tiên xét xử phiên tòa, tòa chưa kết tội bất kỳ bị cáo nào nên bị cáo cần bình tĩnh trả lời”. Câu nói phát huy tác dụng khi nữ bị cáo gạt nước mắt, trả lời rành rọt những câu hỏi của tòa.

Khác với bà Liên, bị cáo Nguyễn Thị Minh Thu – nguyên TGĐ Oceanbank bị bắt tạm giam từ tháng 1/2015 tới nay. Trước vành móng ngựa, bà Thu đối diện HĐXX với đôi mắt rưng rưng và òa khóc trước những câu hỏi dồn dập: “Bố mẹ bị cáo còn hay mất? Chồng bị cáo tên gì? Bị cáo có mấy con, sinh năm bao nhiêu?...”. Vị chủ tọa dừng lại giây lát để động viên bà Thu trước khi tiếp tục. Sau đó, HĐXX cho phép chuyển micro xuống chỗ ngồi từng bị cáo trong phần kiểm tra căn cước, không buộc họ lên trước vành móng ngựa như thường thấy.

Một nữ bị cáo vừa khóc vừa khai báo cạnh Hà Văn Thắm.

Nhắm mắt phạm tội

Tại tòa, có 34 bị cáo là người đứng đầu chi nhánh/phòng giao dịch của Oceanbank cho biết, họ thực hiện hành vi phạm tội không chỉ theo chủ trương của lãnh đạo mà nếu không làm ngân hàng sẽ mất thanh khoản. Day dứt khi nói về nhân viên dưới quyền, Hà Văn Thắm nói gần như đã lừa họ và nếu họ không làm sẽ bị xử lý.

Thắm từng nói với cấp dưới: “Nếu anh chị nào không làm được thì đứng sang một bên cho người khác làm” và thực tế đã có người phải “đứng sang một bên”. Tuy vậy, Thắm cho rằng, cáo trạng truy tố nhân viên giúp sức cho mình phạm tội là không chính xác bởi họ không hề được lợi, việc làm của họ giúp ngân hàng giữ được thanh khoản.

“Có chi hay không thì họ vẫn phải phê duyệt, nếu việc đó mà tính là giúp sức thì không đúng lắm” – Thắm khai rồi về chỗ. Một chai nước được các bị cáo chuyền qua 3 hàng ghế đặt cạnh Thắm – người từng là sếp và đang kéo họ vào tù.

Lý giải việc phải chi lãi ngoài cho khách hàng, bị cáo Nguyễn Hoài Nam – nguyên GĐ Khối Nguồn vốn Oceanbank cho rằng, việc này diễn ra trong bối cảnh ngân hàng rất căng thẳng, nếu Thắm không chi lãi ngoài, Oceanbank sẽ sụp đổ.

Bà Nam nói: “Hằng ngày, Oceanbank phải chứng kiến cảnh ôtô của các ngân hàng đứng ở cửa chờ rút tiền của khách hàng rồi mang sang gửi ở ngân hàng khác vì người gửi muốn có lãi suất thực dương… Tháng 8/2011, tiền gửi ở Oceanbank đạt gần 12.000 tỷ đồng nhưng nhanh chóng giảm còn 5.000 tỷ đồng”.

Nguyễn Thị Nga – nguyên Kế toán trưởng Oceanbank trình bày, giai đoạn đó nếu không chi lãi ngoài thì vỡ ngân hàng. Khi đó không chỉ là 2.000 nhân viên mất việc mà sẽ ảnh hưởng tới cả hệ thống ngân hàng...

Khách hàng lẩn trốn

Cả 34 bị cáo là người đứng đầu cấp cơ sở của Oceanbank khẳng định họ không được hưởng lợi từ hành vi của mình. Thế nhưng, giờ nhiều người phải bỏ tiền túi, thậm chí bán nhà lấy tiền nộp lại. Bị cáo Trần Anh Thiết – nguyên GĐ Oceanbank Chi nhánh Hà Nội cho biết phải bán nhà hơn 4 tỷ để khắc phục hậu quả. Bị cáo Trần Thị Thu Hương – nguyên GĐ Chi nhánh Hải Dương nói trong dòng nước mắt rằng, căn nhà mình bán chỉ được 1,3 tỷ để bù cho số 8,4 tỷ lãi ngoài mình chi…

Ngoài ra, rất nhiều bị cáo khai rằng, những người đã nhận tiền của họ giờ lại không thừa nhận. Bị cáo Nguyễn Quốc Chiến – nguyên GĐ Oceanbank Chi nhánh Sài Gòn trình bày, đã tiếp nhận chủ trương và chi lãi ngoài 19 tỷ đồng. “Trong số tiền này bị cáo đã trực tiếp chi khoảng 7 tỷ đồng. Sau khi cùng đồng nghiệp đi năn nỉ thì một số doanh nghiệp đã trả lại tiền cho chi nhánh. Tổng số tiền trả lại khoảng hơn 216 triệu đồng. Ngày hôm qua, bị cáo cũng nhận thông tin một doanh nghiệp đã trả cho chi nhánh gần 700 triệu đồng” – ông Chiến khai.

Còn bị cáo Nguyễn Kiều Liên cho biết, đã chi hơn 12 tỷ lãi ngoài cho nhiều doanh nghiệp nhưng: “Sau khi sự việc xảy ra, bị cáo đã nói chuyện với các khách hàng mình phụ trách song họ đều từ chối không nghe điện thoại và tránh gặp mặt. Đến thời điểm này chỉ có ban quản lý đóng mới giàn khoan trả 100 triệu đồng nhưng họ không ký xác nhận, nếu có trả lời thì họ cũng bảo không biết gì”.

Quyết định trả hồ sơ của TAND TP.Hà Nội nói về 34 bị cáo là GĐ chi nhánh/phòng giao dịch Oceanbank: “Một số bị cáo không chi trực tiếp hoặc chi không hết số tiền ngoài lãi suất như cáo trạng kết luận… Việc quy kết các bị cáo này phải chịu trách nhiệm toàn bộ về số tiền như cáo trạng đã nêu là chưa chính xác…”.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn