Theo cáo trạng, do muốn thâu tóm ngân hàng Đại Tín nên Hà Văn Thắm đến gặp bà Hứa Thị Phấn, cổ đông lớn, đại diện nhóm cổ đông ngân hàng TMCP Đại Tín để đặt vấn đề chuyển giao lại Đại Tín cho Thắm.
Ngày 23/2/2012, bà Phấn giao cho cháu là Ngô Kim Huệ, thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Đại Tín, đại diện cho nhóm cổ đông của bà Phấn ký hợp đồng kinh tế với Thắm để bán hơn 254.000 cổ phần (tương đương hơn 84% vốn điều lệ ngân hàng Đại Tín) với tổng giá trị theo hợp đồng là hơn 4.000 tỷ đồng.
Sau khi ký hợp đồng, Thắm cho người vào quản lý Đại Tín để chuẩn bị các thủ tục sáp nhập vào Oceanbank, nhưng không thanh toán số tiền hơn 4.000 tỷ đồng cho bà Phấn.
Tại tòa, luật sư Ngô Kim Lan, đại diện cho nhóm 7 người của bà Phấn trình bày: "Để bà Phấn đưa khối tài sản ra thế chấp, anh Thắm đã có những lời gay gắt. Bà Phấn đã 70 tuổi, gia đình lúc đó nghe đến tù tội rất sợ nên bảo làm gì là làm vậy. Việc bà Phấn bị cưỡng ép đưa tài sản thế chấp vào Oceanbank có cả lời khai của Thắm.
Luật sư Ngô Kim Lan (áo đỏ) trình bày tại tòa |
Ngoài việc phát hiện sai phạm của Thắm, bản thân gia đình bà Phấn cảm thấy mình bị cưỡng đoạt, bị o ép nên viết đơn tố cáo ra công an".
Theo luật sư Lan, đến tháng 4/2012, có nhiều đối tác khác muốn mua lại Đại Tín và bản thân bà Phấn phải nói lời xin lại Thắm số cổ phần đã nhượng cho anh ta nhưng Thắm không cho và có lời lẽ không tốt đối với nhóm bà Phấn.
Tiếp đó, Thắm đưa Phạm Công Danh đến gặp bà Phấn và tác động để bà phải chấp nhận bán cổ phần Đại Tín cho ông Danh.
Cuối năm 2012, Danh nói với bà Phấn, hiện muốn vay Oceanbank nhưng lô đất của Danh chưa có đủ tư cách pháp lý. Danh đề nghị bà Phấn cho mình mượn tài sản để thế chấp vay Oceanbank và hứa sau vài tháng, khi lô đất hoàn tất thủ tục pháp lý sẽ hoán đổi tài sản thế chấp ở Oceanbank.
Vì tin lời, bà Phấn bàn với con cháu việc cho ông Danh mượn tài sản của gia đình để thế chấp vào Oceanbank.
Vẫn theo lời luật sư, sở dĩ lúc đó bà Phấn tin tưởng và cho ông Danh mượn tài sản để thế chấp vì thời điểm đó ông Danh được tung hô trên thị trường tài chính với phát ngôn - nếu Nhà nước tung ra gói hỗ trợ cho vay 30.000 tỷ, ông Danh có thể tung ra gói cho vay bất động sản tới 50.000 tỷ.
Bà Lan cho biết thêm, trước khi phiên tòa này được mở ra, toàn bộ nhóm 7 người cho mượn tài sản đều có đơn xin được nhận lại tài sản. Và tài sản họ mang đi thế chấp là không đúng pháp luật khi các biệt thự chưa có sổ đỏ, còn số cổ phiếu thì chưa được niêm yết, chưa có tính pháp lý để giao dịch trên thị trường.
500 tỷ đồng chạy đi đâu?
Theo cáo trạng, giữa tháng 11/2012, Thắm, Danh và bà Phấn bàn bạc thống nhất việc Thắm sẽ cho Danh vay 500 tỷ đồng từ Oceanbank và thế chấp bằng tài sản của bà Phấn.
Số tiền này Danh sẽ chuyển lại để tất toán cho 5 hợp đồng vay của nhóm bà Phấn tại ngân hàng Đại Tín, đồng thời được ghi nhận vào việc Danh trả tiền mua cổ phần Đại Tín của nhóm bà Phấn.
Hà Văn Thắm trả lời thẩm vấn sáng nay |
Số tiền 500 tỷ đồng Oceanbank cho Danh vay được Thắm và Danh thống nhất sử dụng pháp nhân là công ty Trung Dung đứng ra vay.
Sáng nay, HĐXX thẩm vấn những người liên quan để làm rõ đường đi của số tiền 500 tỷ đồng nói trên.
Theo lời khai của Phạm Công Danh, sau khi được Oceanbank giải ngân 500 tỷ, số tiền đó lại chạy vào tài khoản của công ty Trung Dung ở ngân hàng Đại Tín. Theo ông Danh, ông ta không biết gì về dòng tiền này.
Trước lời khai của ông Thắm - có yêu cầu ký kết Đại Tín phải phong tỏa khoản 500 tỷ đồng, đại diện ngân hàng Xây dựng phủ nhận và cho rằng, chỉ nhận được bản photo từ năm 2014, đến nay chưa tìm thấy bản chính nào.
Cũng theo đại diện của ngân hàng Xây dựng, không có bất cứ khoản tiền nào chuyển vào Đại Tín. Sau này công ty Trung Dung có chuyển 500 tỷ cho 4 cá nhân và mở 4 sổ tiết kiệm.
Sau đó 4 quyển sổ tiết kiệm này được tất toán trước thời hạn, dùng để thanh toán cho 5 cá nhân. Khoản 500 tỷ đồng này được chuyển từ tài khoản của ông Danh.
Theo Vietnamnet