Xét xử đại án OceanBank: Cựu TGĐ Cty Trung Dung ký 500 tỉ đồng nhưng không đọc hồ sơ vay vốn

Thứ tư, 01/03/2017, 12:27
Hôm nay 1.3, phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) tiếp tục với phần xét hỏi. Theo lời khai tại tòa của cựu Tổng GĐ Cty Trung Dung Trần Văn Bình thì ông ta là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh. Chức danh GĐ Công ty Trung Dung là do Phạm Công Danh nhờ ông đứng tên hộ. Về hồ sơ vay vốn 500 tỉ đồng, Bình ký nhưng không biết mục đích vay vốn, không đọc hồ sơ vay vốn.

Trần Văn Bình trước vành móng ngựa. Ảnh chụp qua màn hình tivi.

Trước khi xét hỏi, HĐXX vẫn cho các bị cáo cách ly. Mở đầu lời khai, Hà Văn Thắm - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank - cho biết, về nắm OceanBank từ năm 2003, lúc đó ngân hàng đang mang tên TMCP Nông thôn Hải Hưng với tổng số vốn điều lệ hơn 5 tỉ đồng. Lúc đó, ngân hàng này yếu kém và có nguy cơ bị NHNN giải tán. Chính vì vậy, bị cáo đã góp vốn để vực dậy ngân hàng và được phép chuyển đổi từ mô hình kinh doanh nông thôn sang đô thị.

Đến năm 2014, Hà Văn Thắm ngồi ghế Chủ tịch Ngân hàng và chiếm giữ vốn điều lệ hơn 62%. Toàn bộ số cổ phần góp vào ngân hàng đều là thật vì số vốn điều lệ này đã được NHNN phong tỏa. Thời điểm cuối cùng huy động, tổng số vốn điều lệ ngân hàng là khoảng 4.000 tỉ đồng. Trong những thành phần góp vốn, đứng thứ hai là PVN với hơn 20%. Họ góp vốn bằng tiền mặt theo quy định của pháp luật. Việc góp vốn của PVN khoảng từ năm 2009-2010. PVN được xem là cổ đông chiến lược. Sau PVN là các cổ đông khác như Công ty CP Tập đoàn Đại Dương, Công ty VNT, sau đó là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Sông Đà.

Hà Văn Thắm tại phần thẩm vấn.

Đối với khoản vay 500 tỉ đồng của Cty Trung Dung, bị cáo Hà Văn Thắm thừa nhận có biết công ty này là sân sau của Phạm Công Danh. Hà Văn Thắm lý giải, khi cho vay đã yêu cầu ký thỏa thuận 3 bên gồm OceanBank - Đại Tín - Trung Dung và yêu cầu Đại Tín phải phong tỏa số tiền vay cho đến khi đầy đủ chứng từ gốc, nếu xảy ra sự việc phải chịu trách nhiệm. “Khoản tiền 500 tỉ đồng bị mất đi là do lỗi của Đại Tín để Cty Trung Dung sử dụng không đúng mục đích. Ông Danh và Trung Dung đã lừa bị cáo cùng OceanBank” - bị cáo Hà Văn Thắm đổ lỗi cho “đối tác” Phạm Công Danh.

Trước lập luận như vậy, thẩm phán phiên tòa phản bác: “Bị cáo khai nói không bàn bạc với Trần Văn Bình (Tổng GĐ Cty Trung Dung - PV), không bàn bạc với Phạm Công Danh, vậy mà bị cáo hoàn toàn tin tưởng vào hồ sơ vay vốn, cho vay 500 tỉ đồng rất dễ dàng. Bị cáo có biết 500 tỉ đồng là số tiền thế nào không?”.

Theo lời khai tại tòa của cựu Tổng GĐ Cty Trung Dung Trần Văn Bình thì ông ta là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh. Chức danh Tổng GĐ Công ty Trung Dung là do Phạm Công Danh nhờ đứng tên hộ. Về hồ sơ vay vốn 500 tỉ đồng, Bình ký, nhưng không biết mục đích vay vốn, không đọc hồ sơ vay vốn. Sau khi ký xong thì đưa hồ sơ cho kế toán của Tập đoàn Thiên Thanh. Về nguồn tiền 500 tỉ đồng Trung Dung không sử dụng, có chuyển về tài khoản của Công ty Trung Dung hay không, ông ta cũng không hay biết.

Diễn biến liên quan đến khoản vay 500 tỉ đồng, bà Đặng Quỳnh Mai – thời điểm xảy ra vụ việc là lãnh đạo khối khách hàng doanh nghiệp của OceanBank - trả lời câu hỏi của HĐXX. Bà Mai cho biết, bà nhận hồ sơ vay 500 tỉ đồng của Công ty Trung Dung từ bị cáo Nguyễn Văn Hoàn - cựu Phó TGĐ OceanBank.

Theo thẩm định, hồ sơ mục đích sử dụng vốn là mới cung cấp chứng từ copy và tài sản đảm bảo chưa đủ cho khoản vay. Nguồn trả nợ là bất động sản nhưng thời điểm đó rất nhiều rủi ro. Số tiền 250 tỉ đồng của Công ty Trung Dung dùng làm tài sản đảm bảo chỉ là báo cáo nhưng chưa được kiểm toán (số tiền vốn điều lệ của Công ty Trung Dung được cơ quan điều tra xác định là ảo).

Theo bà Mai, hồ sơ của Công ty Trung Dung chưa đủ điều kiện cho vay. Bà cũng đã có báo cáo lãnh đạo vấn đề này.

HĐXX quay lại thẩm vấn Hà Văn Thắm. Theo Hà Văn Thắm, thực chất Phạm Công Danh là chủ Công ty Trung Dung. Trong số tài sản đảm bảo vay tiền, Hà Văn Thắm không lo lắng về khoản tài sản đảm bảo của Công ty SGG, rủi ro nhất là 250 tỉ đồng vốn điều lệ tài sản của Công ty Trung Dung.

Nhưng Thắm vẫn có niềm tin vì Công ty Trung Dung có giá trị thương mại tốt khi có mặt bằng cho BigC thuê, có trung tâm tổ chức sự kiện, tiệc cưới. Ngoài ra, Phạm Công Danh cũng từng vay tiền tại OceanBank để mua khu đất ở Đà Nẵng.

Cũng tại tòa, Trần Văn Bình – lái xe của Tập đoàn Thiên Thanh - tiếp tục trình bày việc không biết tí gì về khoản góp vốn điều lệ tại Công ty Trung Dung, nơi anh ta đứng tên TGĐ; không biết gì về Công ty Trung Dung, cứ bảo gì thì làm đấy.

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích