TAND Tối cao vừa ban hành công văn hướng dẫn nghiệp vụ nhiều vấn đề mà TAND và tòa án quân sự các cấp đang gặp vướng mắc và đề nghị giải đáp. Đặc biệt, có nhiều tình huống liên quan đến các quy định có lợi đang được phép áp dụng tại Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 khiến các tòa băn khoăn.
Kết án trước ngày công bố BLHS 2015: Có tội
Năm 2014, Quỳnh bị kết án về tội đánh bạc với số tiền 4,5 triệu đồng. Sau đó, tuy chưa được xóa án tích nhưng Quỳnh lại tiếp tục đánh bạc với số tiền 262.000 đồng.
Đầu năm 2015, Quỳnh bị TAND huyện kết án bốn tháng tù về tội đánh bạc. Lần kết án này Quỳnh bị tòa xử trước ngày có lệnh công bố hiệu lực BLHS 2015.
Theo luật mới thì hành vi đánh bạc dưới 5 triệu đồng không bị truy cứu. Từ đó, cơ quan tố tụng có văn bản hỏi là nếu Quỳnh chưa chấp hành hình phạt tù thì có được miễn chấp hành hình phạt hay không.
Theo TAND Tối cao, khoản 1 Điều 321 BLHS 2015 quy định người đánh bạc trái phép bằng tiền hay hiện vật trị giá dưới 5 triệu đồng, đã bị xử phạt hành chính hoặc bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị xử lý hình sự. Như vậy cấu thành tội phạm của tội đánh bạc không thay đổi so với Điều 248 BLHS 1999.
Ngoài ra, Quỳnh bị xét xử lần thứ hai về tội đánh bạc trước ngày công bố hiệu lực của BLHS 2015. Do đó, Quỳnh bị xác định là người có tiền án về tội đánh bạc nên Quỳnh không được miễn chấp hành hình phạt tù.
Nguyễn Thị Kiều (ngụ Vĩnh Long), người liên tục có bầu, sinh con để né án tù. |
Quy ra tiền để xử buôn lậu
Với tội buôn lậu, BLHS 1999 quy định số lượng vật phạm pháp làm căn cứ truy cứu nhưng BLHS 2015 lại quy định giá trị bằng tiền, từ đó các tòa gặp khó.
Theo hồ sơ, Mai bị khởi tố và VKSND ra cáo trạng truy tố về tội buôn lậu theo điểm đ khoản 2 Điều 153 BLHS 1999 (hàng cấm có số lượng rất lớn). Nhưng thời gian VKS chuyển hồ sơ cho tòa xét xử diễn ra trước khi có Công văn số 276 ngày 13/9/2016 của TAND Tối cao áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội theo BLHS 2015. Vì thế cơ quan tố tụng lúng túng không biết có phải định giá tài sản để làm căn cứ truy cứu Mai hay không, nếu có thì cơ quan nào định giá.
Trường hợp này được TAND Tối cao giải đáp là không phải định giá tài sản mà áp dụng quy định cũ để xét xử. Cụ thể, điểm đ khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 109 ngày 27/11/2016 của Quốc hội về việc thi hành BLHS 2015, các tình tiết như số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn… đã được áp dụng để khởi tố bị can trước ngày 1/7/2016 thì vẫn áp BLHS 1999 để xử lý.
Theo nghị quyết về lùi hiệu lực thi hành của BLHS 2015 thì các quy định khác tại Nghị quyết 109 nêu trên cũng được lùi đến thời điểm thi hành. Như vậy, trường hợp của Mai vẫn được xác định là buôn lậu hàng cấm có số lượng rất lớn theo quy định cũ để xét xử.
Cố tình mang bầu vẫn được hoãn đi tù
Thực tế có tình trạng bị án nữ liên tục có thai và sinh con để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án (THA) phạt tù. Nhiều tòa đề nghị TAND Tối cao giải đáp là trường hợp này có cho bị án hoãn chấp hành hình phạt tù hay không.
TAND Tối cao cho rằng điểm b khoản 1 Điều 61 BLHS 1999 (tương ứng với điểm b khoản 1 Điều 67 BLHS 2015) thì người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong trường hợp: Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi.
Như vậy, nếu gặp trường hợp này thì tòa án phải xét cho họ có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù. Quy định cũ và mới đều không phân biệt trường hợp họ cố tình có thai và sinh con liên tục để trốn tránh nghĩa vụ THA phạt tù hay không.
Ung thư giai đoạn cuối mới xem là bệnh nặng
Việc bị án viện cớ bệnh nặng để xin hoãn THA phạt tù đang khá phổ biến và có nhiều cách hiểu khác nhau. Chẳng hạn, trường hợp cuối năm 2016 Nhung bị tòa kết án 36 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật thì bị án Nhung vẫn được tại ngoại và có đơn xin hoãn THA với lý do bị bệnh nặng.
Để chứng minh, Nhung trưng ra tòa án kết quả giám định sức khỏe kết luận tỷ lệ tổn thương do bệnh là 25%. Nhiều tòa băn khoăn là có được căn cứ vào tỷ lệ tổn thương sức khỏe trên để quyết định cho Nhung hoãn THA không.
TAND Tối cao giải đáp: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 61 BLHS 1999 (tương ứng điểm a khoản 1 Điều 67 BLHS 2015) thì nếu bị bệnh nặng, Nhung có thể được hoãn chấp hành hình phạt cho đến khi sức khỏe hồi phục. Nhưng việc xác định người bị bệnh nặng được hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 7.1 mục 7 Nghị quyết 01/2007 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Theo đó bệnh nặng là bị bệnh đến mức không thể đi ở tù được, nếu cố tình bắt đi thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ. Chẳng hạn như các bệnh ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu...
Như vậy, tỷ lệ tổn thương sức khỏe không phải là căn cứ để hoãn THA tù. Cạnh đó, khi xem xét diện này tòa phải căn cứ vào kết luận của hội đồng giám định y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên…
Thời điểm áp dụng quy định có lợi trong BLHS 2015
Một tình huống nhiều tòa án đang gặp vướng mắc là thời điểm áp dụng các quy định có lợi cho bị can, bị cáo theo BLHS 2015 được xác định từ khi nào. Bởi theo mục 1 Công văn 276 ngày 13/9/2016 của TAND Tối cao thì kể từ ngày 1/7/2016 mới được áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội.
Nhưng theo khoản 3 Điều 7 BLHS 2015 và Điều 2 Nghị quyết 109 của Quốc hội thì thời điểm này tính từ ngày BLHS 2015 được công bố (tức ngày 9/12/2015). Vậy hai quy định trên có mâu thuẫn nhau hay không?
Giải đáp, TAND Tối cao cho rằng thắc mắc này đã được hướng dẫn tại Công văn 301 ngày 7/10/2016. Theo đó, chỉ có tám trường hợp được áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội kể từ ngày 9/12/2015.
Trong đó, có sáu trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 109 và hai trường hợp hướng dẫn tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 01/2016. Các quy định có lợi khác theo khoản 3 Điều 7 BLHS 2015 và điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 109 được áp dụng từ ngày 1/7/2016.
* Tên một số nhân vật đã thay đổi.
Theo Pháp Luật TP.HCM