|
Sau khi PV đưa thông tin, luật sư Trần Bá Học đã đến An Giang tư vấn miễn phí cho ông Nguyễn Văn Hải |
Liên quan vụ án do các cơ quan tố tụng Tiền Giang gây oan sai, luật sư Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TP.HCM) có bài viết gửi PV: "Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, tôi nhận thấy vụ việc xảy ra trước khi Bộ Luật hình sự năm 1985 ban hành.
Như vậy, văn bản pháp luật hình sự nào áp dụng cho thời điểm này? Ngày 21.10.1970, Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ban hành Pháp lệnh số 150-LCT về việc trừng trị các tội xâm phạm tài sản của công dân.
Tại Điều 12 Pháp lệnh này có quy định về tội chiếm giữ trái phép tài sản riêng của công dân như sau: “Kẻ nào cố tình chiếm giữ tài sản riêng của công dân bị giao lầm hoặc do mình tìm được, bắt được, đào được mà không nộp cho cơ quan có trách nhiệm hoặc không trả lại cho người có của thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.
Hoặc tại Điều 13 Pháp lệnh quy định về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản riêng của công dân bị chiếm đoạt quy định: “1. Kẻ nào biết rõ là tài sản riêng của công dân bị chiếm đoạt mà chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản đó thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm”. Đối chiếu hồ sơ vụ án, tôi nhận thấy Công an tỉnh Tiền Giang có lẽ căn cứ vào Điều 13 của Pháp lệnh nêu trên.
Tuy nhiên, công an chỉ căn cứ vào lời khai của một người tên Võ Hồng Tuyết để tiến hành bắt giữ ông Nguyễn Văn Hải và bà Lê Thị Thu vì có chứa chấp tài sản (61 lượng vàng) bất hợp pháp là không có cơ sở pháp lý. Bởi lẽ: Quá trình điều tra, xác minh, soát xét tại nhà của ông Hải, bà Thu cơ quan công an không thu giữ bất cứ tài sản nào như trên để coi là bất hợp pháp.
Việc công an Tiền Giang tiến hành lục soát nhà, tiến hành bắt giữ ông Hải, bà Thu mà không có bất cứ lệnh bắt hay khám xét gì là vi phạm nghiêm trọng đến quyền bất khả xâm phạm chỗ ở, quyền tự do thân thể của người khác. Ngoài ra, sau khi bắt còn yêu cầu ông bà nộp 17 lượng vàng cũng là một quyết định trái pháp luật.
Đối với bà Thu thì công an có ban hành lệnh tạm tha sau khi bị tạm giam 47 ngày. Còn đối với ông Hải thì hoàn toàn không có bất cứ quyết định nào dù cho ông bị giam đến 7 ngày cũng là một hành vi tùy tiện, vi phạm pháp luật.
Căn cứ vào hồ sơ vụ án, tôi nhận thấy hành vi của ông Hải và bà Thu không cấu thành tội phạm như Công an tỉnh Tiền Giang quy kết. Chính vì vậy, Công văn số 1559/VKS ngày 21.10.1994 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định: 1. Việc khiếu nại của gia đình ông Hải là có căn cứ, không có chứng cứ để kết luận bà Lê Thị Thu (vợ ông Hải) phạm tội tàng trữ chứa chấp tài sản phạm pháp như đã khởi tố. 2. Tỉnh tiền Giang ra quyết định miễn truy tố đối với bà Thu là không đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự. 3. UBND tỉnh Tiền Giang quyết định tịch thu 17 lượng vàng của gia đình ông Hải là không phù hợp với Luật tố tụng hình sự.
Từ đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang trả lại 17 lượng vàng cho gia đình ông Hải và yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bà Lê Thị Thu vì không phạm tội là đúng pháp luật. Tuy nhiên, trong kết luận này, Viện Kiểm sát tối cao chỉ mới đề cập đến thân phận bà Thu mà chưa nói rõ về trường hợp ông Hải là chưa đầy đủ, chưa toàn diện.
Cần làm rõ việc bắt giữ ông Hải có hay không, thời hạn bắt giữ là bao nhiêu ngày để có cơ sở xem xét quyền lợi chính đáng của ông Hải. Hiện nay, các cơ quan tố tụng tỉnh Tiền Giang vẫn không thực hiện là vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông Hải, bà Thu. Để được bồi thường oan sai trong trường hợp này thì Cơ quan tố tụng của tỉnh Tiền Giang phải ban hành quyết định đình chỉ vụ án vì hành vi của ông Hải và bà Thu không cấu thành tội phạm".
Theo Dân Việt