Ảnh minh họa. |
Dự thảo (lần V) của TAND Tối cao về quy chế xử lý trách nhiệm đối với người giữ chức danh tư pháp trong các TAND đang có nhiều ý kiến khác nhau.
Theo đó, thẩm phán bị bố trí làm công việc khác và không xem xét tái bổ nhiệm nếu ra bản án tuyên bị cáo phạm tội nhưng sau đó có bản án hoặc quyết định có hiệu lực của tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền kết luận bị cáo đó không phạm tội.
Ngoài ra còn có trường hợp, trong một năm thẩm phán bỏ lọt tội phạm đối với một bị cáo do lỗi chủ quan hoặc khi VKS truy tố, thẩm phán xử không có tội nhưng sau đó tòa án cấp trên xử bị cáo có tội thì cũng phải chịu trách nhiệm.
Trong bài viết “Để thẩm phán dám dũng cảm tuyên vô tội” của ông Đinh Văn Quế (nguyên Chánh Tòa Hình sự, TAND Tối cao) đăng trên Pháp Luật TP.HCMmới đây có nội dung: Hiện nay, việc tòa án tuyên bố một bị cáo không phạm tội như ở TAND thị xã Thuận An và TAND tỉnh Bình Dương được coi là hành động dũng cảm, đáng hoan nghênh.
Nhưng dường như không có nhiều những thẩm phán như vậy bởi họ còn ràng buộc nhiều thứ, trong đó có việc bị đánh giá thi đua hay xem xét khi tái bổ nhiệm thẩm phán nếu họ tuyên vô tội mà án bị hủy.
Ý kiến của ông Quế có lẽ trùng với luồng ý kiến thứ nhất là không nên quy định xử lý trách nhiệm đối với thẩm phán bỏ lọt tội phạm. Bởi Hiến pháp và pháp luật hình sự có quy định nguyên tắc suy đoán vô tội. Hoặc nếu quy định thì nên phân biệt nếu thẩm phán thực hiện hết trách nhiệm với vụ án nhưng VKS không chấp nhận thì xem như lỗi khách quan.
Hoặc nếu thẩm phán không xem xét đến phần bỏ lọt thì trách nhiệm của thẩm phán là do lỗi chủ quan. Chẳng hạn vụ Nguyễn Văn Đồng bị VKSND tỉnh Bình Phước truy tố về tội Giết người, TAND tỉnh đã nhiều lần trả hồ sơ nhưng không được giải quyết nên đã tuyên bố bị cáo không phạm tội.
Sau đó, VKSND tỉnh kháng nghị, TAND Cấp cao chấp nhận, hủy án sơ thẩm để điều tra, truy tố, xét xử lại. Kết quả xử sơ thẩm ngày 29/3, TAND tỉnh tuyên bố bị cáo Đồng phạm tội giết người với mức án chung thân.
Luồng ý kiến thứ hai thì cho rằng cần quy định rõ trách nhiệm của thẩm phán. Khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 96/2013 của Quốc hội (về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự) quy định nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng là không để xảy ra kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Nghị quyết số 111/2015 của Quốc hội (về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm...) quy định phấn đấu không để xảy ra việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.
Như vậy, nhiệm vụ của các TAND nói chung và thẩm phán nói riêng là không được kết án oan và bỏ lọt tội phạm, đây là hai nhiệm vụ ngang nhau. Việc thẩm phán thiếu trách nhiệm dẫn đến xét xử oan hoặc bỏ lọt tội phạm là hành vi rất nghiêm trọng.
Tuy không bị xử lý hình sự nhưng cần phải bị xử lý trách nhiệm bằng một chế tài nội bộ của ngành tòa án nhằm tăng cường kỷ luật công vụ, nâng cao chất lượng xét xử. Do vậy, phải quy định xử lý trách nhiệm đối với thẩm phán.
Dự thảo lần V của TAND Tối cao đang thể hiện theo quan điểm thứ hai. Theo đó, thẩm phán xử oan hay bỏ lọt tội phạm đều bị bố trí làm công việc khác và chưa được đề nghị tái bổ nhiệm.
Theo Pháp Luật TP.HCM