Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra hơn 10 vụ phá rừng, chủ yếu là rừng phòng hộ, với diện tích hàng chục hecta.
Giữa tháng 6/2017, có mặt tại các tiểu khu 171, 172 rừng phòng hộ Sơn Tinh (xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi), chúng tôi không khỏi giật mình trước những cánh rừng trơ trụi.
Cạnh con đường mòn dẫn sâu vào rừng, hàng chục thân cây đường kính từ 20-50 cm bị đốn hạ nằm ngổn ngang, vết cưa trên thân cây còn rất mới. Đây là khu vực do Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham quản lý.
Trong khi đó, một số tiểu khu khác thuộc thôn Bà He, xã Sơn Tinh; các tiểu khu ở xã Sơn Tân; thậm chí cả rừng tự nhiên tại xã Sơn Long, huyện Sơn Tây… cũng bị lâm tặc tàn phá không thương tiếc. Theo con đường mòn dẫn vào rừng tự nhiên ở xã Sơn Tây, ông Đinh Văn Ri, một người dân, cho biết rừng giờ đã bị lâm tặc phá hết nên chỉ còn cây tạp.
"Ngày nào cũng có xe máy chở gỗ chạy ra từ cánh rừng nhưng không thấy ai xử lý. Các cây gỗ này đều là gỗ quý, tuổi thọ lên đến hàng chục, hàng trăm năm. Càng vô trong sâu sẽ gặp nhiều cây to như thế bị đốn hạ lắm" - ông Ri nói.
Trong rừng phòng hộ ở Tiểu khu 47 xã Trà Thủy, tiếng máy cưa gầm rú kèm theo tiếng động cơ như xé toạc cả cánh rừng. Trên đồi dốc, một người đàn ông chạy xe máy cũ kỹ chở theo một phách gỗ phía sau phóng xuống, vượt qua đoàn kiểm tra của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trà Bồng.
Mỗi ngày, ở đây có hàng chục lượt xe máy chở gỗ như thế hoạt động, chạy bạt mạng và là nỗi khiếp sợ của người dân địa phương. Đa số các xe máy này cũ kỹ, không biển số. Khi bị kiểm lâm ngăn cản, lâm tặc sẵn sàng vứt xe chạy thoát thân.
Men theo con suối nhỏ đi sâu thêm một đoạn vào rừng, chúng tôi bắt gặp hàng chục thân cây có đường kính từ 50-70 cm bị đốn hạ. Những phách gỗ xẻ vuông vức, phía trên ngụy trang bằng những tán lá rừng, chờ chở đi tiêu thụ. Sâu trong rừng, gần chục lò than đang hoạt động hết công suất.
"Lâm tặc không những phá rừng lấy gỗ, bọn chúng còn phá rừng để làm than. Bởi vậy mới có nhiều hầm than đến thế. Trước đây, khu vực này còn rừng nhiều lắm, rừng như một tấm áo giáp che chở, bảo vệ dân làng. Giờ đây, rừng chỉ là một mảng nhỏ. Kiểu này chắc vài năm nữa cũng sẽ trơ trụi" - ông Hồ Văn L., một người dân, chia sẻ.
Thấy phóng viên đưa máy ảnh định chụp hình, ông L. chặn lại. "Đừng chụp hình tôi, không khéo lâm tặc thấy được sẽ gây khó dễ. Có nhiều người đã bị họ tìm đến nhà hăm dọa đòi đánh vì cho rằng đã chỉ điểm" - ông L. lo lắng.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Trà Thủy, xác nhận tình trạng phá rừng phòng hộ, đốt than, làm rẫy vẫn còn diễn biến phức tạp. Mỗi tuần, trong các cuộc họp giao ban của xã, các trưởng thôn đều báo cáo tình hình bảo vệ rừng ở từng thôn.
Đồng thời, xã đã thành lập đội kiểm tra, truy quét những điểm "nóng". Khi phát hiện gỗ bị đưa ra khỏi rừng, xã thông báo cho kiểm lâm chốt chặn, bắt giữ. Riêng trong năm 2016, lực lượng chức năng đã bắt giữ, khởi tố hàng chục đối tượng xâm phạm rừng phòng hộ.
Táo tợn hơn, khi phát hiện lực lượng kiểm lâm, thay vì bỏ chạy, lâm tặc giờ đây sẵn sàng chống đối đến cùng, thậm chí còn tìm đến nhà hăm dọa. "Rừng thì mênh mông, địa hình phức tạp trong khi lực lượng kiểm lâm địa phương lại mỏng. Mức xử lý, xử phạt các đối tượng phá rừng trái phép còn thấp nên việc bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn" - ông Đỗ Khắc Phi, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trà Bồng, nói.
Theo ông Phi, toàn huyện Trà Bồng có 8.772ha đất rừng phòng hộ. Trong các năm qua, tổng diện tích rừng phòng hộ bị tàn phá gần 30ha, tập trung chủ yếu ở các xã Trà Tân, Trà Thủy, Trà Bùi…
Một thân cây bị đốn hạ ở rừng phòng hộ Trà Bồng (Quảng Ngãi) . |
Những người làm nhiệm vụ giữ rừng ở Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) cũng luôn lo lắng mỗi khi làm nhiệm vụ bởi lâm tặc ngày càng hung hãn, coi thường pháp luật.
Ngày 21/9/2016, lực lượng Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng chốt chặn tại thôn Đa Năng, xã Hóa Sơn, kiểm tra ôtô 16 chỗ do Đinh Minh Tưởng (trú bản Tăng Hóa) điều khiển, vận chuyển trái phép 20 hộp gỗ gội từ xã Hóa Sơn ra bên ngoài tiêu thụ. Biết bị phát hiện, Tưởng và một số người đe dọa, rồi dùng hung khí tấn công kiểm lâm khiến 2 kiểm lâm thuộc Trạm Kiểm lâm Hóa Sơn bị thương.
Chưa dừng lại, các đối tượng lái xe chở gỗ lậu đâm thẳng vào ôtô của kiểm lâm. Trong quá trình giằng co, một người khác là Đặng Quốc Thướng (trú thôn Đa Thịnh, xã Hóa Hợp) gọi người dân sống gần đó và nhiều đối tượng khác đến đe dọa, dàn hàng ngang khống chế kiểm lâm. Sau đó, họ bốc toàn bộ số gỗ rồi tẩu tán trước sự bất lực của các cơ quan chức năng.
Mới đây nhất, ngày 2/3, khi kiểm lâm xuống Bản Đoòng ở vùng lõi VQG thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, phát hiện trong một số hộ gia đình có nhiều dây bẫy các loại dùng để bắt động vật hoang dã. Lúc này, 2 người dân địa phương cùng một nhóm thanh niên lạ lao vào tấn công khiến 2 kiểm lâm viên bị thương.
Ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Ban Quản lý kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, cho biết lực lượng đơn vị khá hùng hậu với 128 cán bộ kiểm lâm và 65 nhân viên hợp đồng bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, diện tích rừng quá lớn, lâm tặc thì nhiều và manh động nên cuộc chiến ngày một không cân sức.
"Việc điều tra, truy tố, xét xử đối với hành vi hủy hoại rừng và tội chống người thi hành công vụ còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe dẫn đến "lâm tặc" xem thường pháp luật, sức khỏe và mạng sống của lực lượng kiểm lâm nên mới liên tiếp hành hung, đe dọa" - ông Tịnh nêu.
Do cuộc chiến giữ rừng khá nóng nên theo ông Tịnh, ngoài 11 trạm kiểm lâm chốt chặn trên tất cả tuyến đường trọng yếu, đơn vị vừa thành lập thêm 2 tổ kiểm lâm cơ động số 1 và số 2 nhằm lưu động xử lý nạn vận chuyển gỗ trái phép.
Theo Zing