Vì sao TP.HCM chỉ có 180 hồ sơ quản lý đối tượng mại dâm?

Thứ sáu, 28/07/2017, 09:36
Đại diện Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM cho biết do không thể quản lý được đối tượng mại dâm nên con số này so với thực tế là rất ít.

Ngày 27/7, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Quý, Phó chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM (Sở LĐTB&XH TP.HCM) về vấn đề vì sao thành phố chỉ nắm 180 hồ sơ đối tượng mại dâm.

- Hiện nay, TP.HCM có nắm được chính xác số liệu đối tượng mại dâm không thưa ông?

- Từ đầu năm 2017 đến nay, TP.HCM có gần 10.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để phát sinh tệ nạn mại dâm với hơn 27.000 nhân viên, tiếp viên làm việc trong các cơ sở này.

Hiện thành phố còn 34 điểm, tụ điểm, tuyến đường thuộc 34 phường xã, thị trấn với 200 đối tượng hoạt động mại dâm bằng hình thức đứng đường và dùng xe máy chèo kéo khách trên đường.

Tuy nhiên, công tác quản lý đối tượng mại dâm gặp rất nhiều khó khăn, thực sự mà nói không có con số chính xác người bán dâm trên địa bàn TP.HCM.

- Vậy con số 180 hồ sơ quản lý đối tượng mại dâm mà Sở LĐTB&XH TP.HCM báo cáo với đoàn giám sát thuộc Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội vào ngày 25/7 dựa vào đâu?

- Con số 180 hồ sơ quản lý đối tượng mại dâm trên địa bàn TP.HCM có được là từ số liệu công an bắt quả tang, triệt phá các vụ án liên quan đến đường dây mại dâm mà công an có hồ sơ quản lý từ chủ chứa mại dâm, đường dây mại dâm. Trong số này phần lớn là những người từ tỉnh thành khác chứ không phải chỉ có hộ khẩu ở TP.HCM.

Thực tế con số 180 hồ sơ quản lý đối tượng mại dâm này chưa chính xác, phải nhiều hơn nhưng mà nhiều hơn bao nhiêu thì không thể thống kê do không quản lý được đối tượng mại dâm.

TP.HCM hiện nay không thể quản lý được đối tượng mại dâm do vướng cơ sở pháp lý.

- Ông nói rõ hơn vì sao TP.HCM không thể quản lý được đối tượng mại dâm?

- Từ khi ban hành Nghị quyết 24 của Quốc hội vào năm 2012 về việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó đối với người bán dâm không áp dụng biện pháp quản lý, giáo dục tại xã, phường, trị trấn và không đưa vào cơ sở chữa bệnh nên việc quản lý đối tượng mại dâm gặp rất nhiều khó khăn và không có chế tài xử lý đối với người thường xuyên tái phạm hành vi bán dâm từ 2 lần trở lên.

Nếu như trước đây, người bán dâm bị bắt quả tang có thể đưa vào các cơ sở chữa bệnh, giáo dục,…thì nay, người bán dâm chỉ bị lập biên bản xử phạt hành chính 200.000 đồng, còn người mua bị phạt 750.000 đồng. Phạt xong họ lại tiếp tục đến một địa bàn khác hoạt động, nếu có bị bắt cũng chỉ lập biên bản xử phạt hành chính tiếp mà không có chế tài xử lý cụ thể.

Không chỉ riêng gì TP.HCM, mà các tỉnh thành khác cả nước cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý đối tượng mại dâm, nói thật sự là không quản lý được.

- TP.HCM có kiến nghị gì chưa thưa ông?

- Ngoài công việc tuyên truyền, tăng cường kiểm tra quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hỗ trợ đối tượng mại dâm,…được thực hiện xuyên suốt. TP.HCM đã có báo cáo thực trạng những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị lên Quốc Hội, Chính phủ, các Bộ ngành trung ương. Trong đó, kiến nghị Quốc hội sớm sửa đổi, điều chỉnh bổ sung Pháp lệnh Phòng chống mại dâm. Đồng thời kiến nghị sớm nghiên cứu ban hành Luật về phòng ngừa mại dâm.

Theo Zing

Các tin cũ hơn