|
Các bị cáo tại phiên tòa |
Vì phiên tòa quá kịch tính nên có rất đông giới luật sư và nguyên cán bộ công an, hải quan, nguyên cán bộ Viện Kiểm sát ở Đà Nẵng và Quảng Trị đến theo dõi.
Cũng vì các bị cáo liên tục kêu oan sau 6 năm xảy ra vụ án nên vừa qua Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã có ý kiến đề nghị nên sớm xét xử.
Phiên tòa lần này ông Hoàng Đức Thắng, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, có mặt với vai trò theo dõi và giám sát vụ án.
Tại phiên xét hỏi, ông Trương Huy Liệu (phó giám đốc Công ty Ngọc Hưng) cho rằng mình không phạm tội.
Ông Liệu nói khi phiên tòa chưa đưa ra xét xử, chưa kết tội ông mà cơ quan chức năng nhanh chóng bán đấu giá lô hàng là nhằm mục đích xóa dấu vết tang vật vụ án.
Còn các bị cáo Đỗ Lý Nhi (nguyên cán bộ Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Cửa Việt), Lê Xuân Thành (nguyên cán bộ thuộc Chi cục hải quan khu thương mại Lao Bảo) và Đỗ Danh Thắng (nguyên chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng) bị truy tố về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” bức xúc nói việc truy tố như thế là thiếu căn cứ, gây oan sai.
Ông Đỗ Danh Thắng chứng minh với cương vị của mình đã làm đúng trách nhiệm, chấp hành chỉ đạo của cấp trên, phân công cán bộ, chỉ đạo và giám sát kiểm tra lô hàng chứ không thiếu trách nhiệm.
Tại tòa, ông Thắng rất bức xúc cho rằng mình bị sức ép từ lãnh đạo Tổng cục Hải quan.
Đỗ Lý Nhi và Lê Xuân Thành khẳng định mình đã làm đầy đủ thủ tục kiểm hóa 5% lô hàng theo quy định ngành hải quan. Họ cũng bác bỏ quy kết rằng đã không thực hiện kiểm hóa tại khu vực trụ sở và sẵn sàng đối chất để làm rõ nhưng không thấy cơ quan điều tra tiến hành.
Tại phiên xét hỏi, vấn đề hết sức căng thẳng khi các luật sư và bị cáo đề cập là việc cơ quan điều tra ra quyết định để bán vật chứng của vụ án là lô gỗ trắc với trị giá hơn 63 tỉ đồng khi tòa chưa xét xử liệu có đúng theo quy định pháp luật hay không?
Theo luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn luật sư TP Cần Thơ) và luật sư Phạm Xuân Tích (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) việc cơ quan điều tra đồng ý đưa ra bán lô gỗ là trái quy định bởi vật chứng của vụ án chỉ được xử lý khi có phán quyết của tòa án.
Cả 2 vị luật sư cho rằng hành vi bán lô gỗ là vật chứng của vụ án với trị giá hơn 63 tỉ đồng khi phiên tòa chưa xử là nhằm phi tang vật chứng.
Theo các luật sư tham dự phiên tòa, thông tư số 173/2013/TT-BTC ngày 20-11-2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về vật chứng mau hỏng thì gỗ trắc không thuộc vật chứng mau hỏng mà phải bán tháo.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 17-12-2011 Công ty Ngọc Hưng nhập lô gỗ 614m3từ Lào, qua cửa khẩu Lao Bảo. Hai ngày sau, nguyên lô gỗ được xuất sang Trung Quốc được làm thủ tục hải quan ở cảng Cửa Việt. Tuy nhiên, khi lô hàng đang vận chuyển vào cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) để chuyển đi Trung Quốc thì bị Công an quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) phát hiện có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực hải quan nên đã giao cho Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng. Sau đó, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) vào cuộc và ra quyết định khởi tố vụ án. Sau khi khởi tố, Cục Điều tra chống buôn lậu chuyển hồ sơ cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) Bộ Công an. Nhưng sau đó, C46 có công văn kết luận: “Chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu”. Hồ sơ vụ án được C46 trả về Tổng cục Hải quan, từ đó lại vòng sang văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra (C44) Bộ Công an. Sau đó, C44 đã ra quyết định khởi tố các bị can Trương Huy Liệu (phó giám đốc) và vợ là Trần Thị Dung (giám đốc Công ty TNHH Ngọc Hưng) bị truy tố về hành vi buôn lậu. Bị cáo Đỗ Lý Nhi (nguyên cán bộ Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Cửa Việt), Lê Xuân Thành (nguyên cán bộ thuộc Chi cục hải quan khu thương mại Lao Bảo) và Đỗ Danh Thắng (nguyên chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng) bị truy tố về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. |
Theo TTO