Một nhóm dân phòng tại xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP.HCM) công khai đặt vấn đề với cánh tài xế xe tải chung "tiền tươi" mỗi đêm để được đậu xe tránh giờ cấm.
Theo điều tra, địa bàn nhóm dân phòng này hoạt động chỉ trong phạm vi khoảng 1km trên đường song hành dọc quốc lộ 1 (thuộc ấp 3, Tân Kiên, Bình Chánh).
Đây là tuyến đường dân sinh vừa mới hoàn thành, cánh tài xế thường vào đậu đợi hết giờ cấm để vào trung tâm TP nhận hàng mỗi đêm.
Thu phí trong đêm
Khoảng 30 phút sau, tài xế Cao Văn Thái (40 tuổi, ngụ Lâm Đồng) đánh xe vào đường, tắt máy, vừa chợp mắt ít phút liền giật thót tỉnh giấc khi bị nhóm 4 dân phòng vây quanh đập cửa xe bộp, bộp.
Tài xế kéo cửa kính thò đầu ra ngoài thì một dân phòng tay đeo băng đỏ ghi chữ "tuần tra" nói: "Đậu đây chừng nào đi vậy?". Tài xế giải thích đang trong giờ cấm phải đợi qua 12h đêm.
Dân phòng này xỏ hai tay vào túi quần nói lại: "Đường này không cho đậu, cấm". Tài xế Thái cho rằng không thấy biển báo cấm và nhiều xe tải đậu bình thường.
Lúc này, dân phòng này mặt hầm hầm nói thẳng: "Xe đậu đây thì chi tiền cà phê cà pháo cho anh em dân phòng đi tuần đi". Tài xế gãi đầu vì chưa bao giờ gặp tình huống này và hỏi lại nếu không chi tiền có sao không?
Dân phòng này nói: "Không đóng thì đi ra khỏi chỗ này. Đậu ở đây tụi tui chạy tới chạy lui tuần tra coi tài sản cho luôn. Như đậu trong chành chứ gì đâu".
Tài xế Thái không còn cách nào khác buộc phải móc 50.000 đồng chi cho dân phòng này nhét vào túi mới yên chuyện.
Vì đêm nào cũng phải vào chở hàng nên tài xế Thái đề nghị "chung theo tháng" cho yên tâm. Một dân phòng nói lại: "Anh em tụi tôi rất đông, có 3 ca lận, nên nói chung tiền tháng là chung sao, cứ gặp chung tiền tươi đi. Mỗi đêm tụi tôi được phát có 50.000 đồng nên kiếm tiền uống cà phê, ăn khuya thôi".
Tuyến đường khoảng 1km song song quốc lộ 1 (ấp 3, xã Tân Kiên, Bình Chánh) là địa bàn nhóm dân phòng thường xuyên làm luật. Đường có gắn camera |
Hơn 23h tối 15-11 nhóm dân phòng chạy xe nối đuôi nhau đập cửa đòi tiền các xe tải đậu dọc đường. Tài xế nào không đóng tiền thì bị nhóm dân phòng bao vây đuổi đi |
Theo ghi nhận trong đêm 9-11, trên đoạn đường này có khoảng 10 xe tải chủ yếu từ các tỉnh ở miền Tây đậu đợi qua giờ cấm cũng bị nhóm dân phòng này áp sát, đập cửa thu tiền từ 30.000 - 50.000 đồng/xe.
Ba ngày sau, tối 12-11, nhóm dân phòng này tiếp tục chở nhau trên 3 xe máy đảo qua đảo lại dọc tuyến đường ép tài xế chi tiền. Sau khi lần lượt đập cửa gom tiền của 4 xe tải, nhóm này vây quanh một xe tải biển số Đồng Tháp đập cửa ầm ầm.
Giống như các lần trước, nhóm dân phòng tay chỉ trỏ, miệng huyên thuyên cảnh báo tài xế đây là đường cấm đậu, yêu cầu chạy qua đầu đường Võ Văn Kiệt (Q.Bình Tân) đậu.
Tài xế nói hôm trước đậu không sao cả, dân phòng này nói: "Đó là không phải ca trực của tôi, tôi quản lý ở đây tôi biết, đường này cấm, tôi đuổi chứ không cho ai đậu".
Trước sức ép của nhóm dân phòng này, tài xế leo lên xe móc bóp chỉ còn tờ 200.000 đồng đưa cho dân phòng tên Trần Thanh Hiển. Không có tiền thối, đồng thời lúc này chó nhà dân hai bên đường sủa lớn nên ông Hiển nhắc tài xế đi đổi tiền, đồng thời ra hiệu cả nhóm nổ xe vụt đi.
Khoảng 10 phút sau, nhóm dân phòng quay lại, ông Hiển cập hông xe đợi tài xế đi đổi tiền, lấy được 50.000 đồng mới rút lui.
Nhóm dân phòng này do ông Sang làm tổ trưởng. Mỗi lần đi "làm luật" ông này không trực tiếp lấy tiền mà đứng từ xa quan sát chỉ đạo |
Lần lượt 3 dân phòng áp sát dọa đuổi đi và gợi ý chi tiền |
"Không chi, đi chỗ khác"
Theo tìm hiểu, tuyến đường song hành thi công xong khoảng hơn một năm nay và không gắn biển báo cấm dừng đậu. Tuy nhiên, tại khu vực này, nhóm dân phòng thường lấy lý do "đường cấm" để hù dọa tài xế ép chung tiền.
Khoảng 21h đêm 15-11, nhóm dân phòng ngồi ở chốt thì thấy một số xe tải đánh xinhan vào đường song hành đậu. Nhóm này liền phóng xe lao theo. Tuy nhiên, cuộc "làm luật" bị gián đoạn bởi lúc này nhóm dân phòng phải theo chân một công an đi kiểm tra giấy tờ người dân quanh các nhà trọ.
Đến khoảng 23h40, kiểm tra phòng trọ kết thúc, 4 dân phòng chạy trên 4 xe máy áp sát đập cửa của 6 xe tải biển số TP.HCM và tỉnh Hậu Giang đậu dọc tuyến đường "làm luật".
Theo ghi nhận, trong số 6 xe này có 4 xe chấp nhận chi tiền được yên vị. Một tài xế xe tải biển số TP.HCM quyết khóa cửa cố thủ, không chịu chi tiền liền bị nhóm dân phòng bao vây thúc ép nổ máy đuổi đi bằng được.
"Do bãi đậu trên đường Võ Văn Kiệt quá tải nên tôi buộc phải vào đường này đậu tạm, bị nhóm dân phòng làm khó dễ để thu tiền. Tôi thấy vô lý vì tương tự đường này ở phía Q.Bình Tân không bị thu tiền, bức xúc cự cãi họ nói đường cấm đuổi đi, còn chịu đóng tiền đậu đến lúc nào cũng được" - một tài xế bức xúc nói.
Nhóm dân phòng "bao vây", dọa xe tải biển số Đồng Tháp |
Một chiếc xe máy nhóm dân phòng dùng để đi tuần tra, thu tiền của tài xế |
Theo tìm hiểu, ấp 3 hiện có khoảng 60 dân phòng chuyên trách và bán chuyên trách. Hằng ngày, tổ dân phòng được chia làm nhiều nhóm hoạt động 24/24 giờ, trung bình mỗi nhóm khoảng 8-10 người.
Trong đó, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhóm dân phòng do ông Sang làm tổ trưởng thuộc nhóm cơ động, thường xuyên có hành vi ngang nhiên "làm luật" tài xế khoảng hơn 1 năm nay.
Nhóm này hoạt động tất cả các ngày trong tuần. Vào các ngày thứ tư và thứ bảy, việc "làm luật" nhiều hơn vì lượng xe tải tăng đột biến.
Nhóm ông Sang đều có "chiêu" ép tài xế đóng tiền từ 30.000 - 50.000 đồng và người nhận tiền được cắt cử cụ thể. Theo đó, cứ tầm sau 21h, khi thấy lượng xe vào đường đậu nhiều nhóm này mới áp sát, lúc đầu là dọa đuổi đi, sau đó mới gợi ý chung tiền.
Trung bình mỗi đêm nhóm này thu tiền của trên dưới 10 tài xế với tổng số tiền từ 300.000 - 500.000 đồng/đêm.
Lý giải về việc thu tiền của tài xế, dân phòng Trần Thanh Hiển nói: "Công việc tuần tra rất mệt mỏi, thường kéo dài từ 18h đến 1h sáng ngày hôm sau. Do đó tụi tôi lấy ít tiền uống cà phê chứ giàu có gì đâu".
Sau một hồi đôi co, tài xế buộc phải chi 50.000 đồng cho dân phòng. Sau khi nhận tiền, dân phòng này mới chỉ chỗ cho tài xế đậu xe dù trước đó nói đây là "đường cấm" |
Dân hai bên đường bức xúc Người dân hai bên đường song hành cũng bức xúc trước hành vi của nhóm dân phòng này. "Lo sợ bị dân phát hiện nên mỗi lần gặp tài xế cự cãi to tiếng là nhóm này rút lui. Không chỉ người dân, một số dân phòng tổ khác cũng không đồng tình với việc làm của nhóm này, một số lần đã xảy ra xung đột" - một người dân nói. |
Theo TTO