|
Ông Phạm Công Danh. |
Hơn 7h ngày 8/1, trong chiếc áo sơ mi tối màu, ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) trông già đi nhiều, tóc bạc trắng khi được đưa đến TAND TP.HCM.
Có mặt cùng lúc, ông Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank) gầy rộc, vẻ tiều tụy, tay cầm túi nylon thuốc tây. Trên đường bị dẫn giải vào phòng xét xử, ông cười khá tươi khi thấy người thân bước lại gần.
Trước đó, luật sư của ông Bê cho biết ông bị bệnh tiểu đường, sức khỏe giảm sút so với thời điểm bị bắt hơn 4 tháng trước. Ông thường chóng mặt khi đứng lâu nên sẽ xin tòa cho phép được ngồi trong quá trình xét xử.
Ngoài ông Danh và Trầm Bê còn có 44 bị cáo bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự 1999), khung hình phạt 10-20 năm tù. Họ bị cáo buộc gây thất thoát cho VNCB hơn 6.000 tỷ đồng (giai đoạn hai của vụ án) trong tổng số thiệt hại hơn 15.000 tỷ.
An ninh phiên tòa được siết chặt bằng nhiều lớp cảnh sát tư pháp quanh phòng xử. Luật sư, người liên quan... đều bị kiểm tra giấy tờ khi vào trong.
9h, Là người đầu tiên được gọi lên thẩm vấn về lý lịch, giọng ông Phạm Công Danh chợt nghẹn lại khi tòa nhắc đến vợ và hai con gái sinh đôi của bị cáo. Một lúc sau ông Danh có biểu hiện mệt, được tòa cho phép vào phòng lưu phạm để đội ngũ y tế chăm sóc.
10h, giọng khàn, vẻ yếu ớt, ông Trầm Bê cho biết có vợ và ba con. Ông sinh ra ở Trà Vinh, dân tộc Hoa, trình độ học vấn 6/12.
Phiên toà được áp dụng thông tư mới của TAND Tối cao về phòng xử án (có hiệu lực từ ngày 1/1), do đó không có vành móng ngựa. Các bị cáo được bố trí ghế ngồi trong quá trình thẩm vấn. Thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM) làm chủ tọa.
Có 70 luật sư tham gia bào chữa và bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo, người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Khoảng 200 người, đơn vị được tòa triệu tập phục vụ công tác xét xử.
Trong đó có một số đại gia và lãnh đạo các ngân hàng như: ông Trần Quý Thanh (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát), bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Thanh), bà Hứa Thị Phấn (nguyên Cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín), ôngTrần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV), bà Vũ Bạch Yến (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CBBank)…
|
Ông Trầm Bê. |
Theo cáo buộc của VKSND Tối cao, sau khi được Ngân hàng nhà nước chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín – TrustBank (9/2012), ông Danh nắm quyền kiểm soát chi phối ngân hàng này, sau đó đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng - VNCB. Do bị Ngân hàng nhà nước đặt trong tình trạng kiểm soát nên mọi giao dịch của VNCB từ 5 tỷ đồng trở lên phải có ý kiến của Tổ giám sát.
Cần tiền chi chăm sóc khách hàng, trả nợ mua cổ phần TrustBank (của nhóm cổ đông Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn đại diện) và sử dụng cá nhân, ông Danh đã lợi dụng nắm quyền chi phối với vai trò Chủ tịch HĐQT VNCB chỉ đạo dàn lãnh đạo cấp dưới của nhà băng và Tập đoàn Thiên Thanh lập hồ sơ vay vốn khống, rút hàng nghìn tỷ đồng của nhà băng gửi sang ba ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV.
Để hợp thức hóa việc rút tiền, ông dùng 29 lượt công ty do mình thành lập hoặc mượn pháp nhân để vay các ngân hàng, sau đó dùng tiền của VNCB để bảo lãnh và trả nợ cho các công ty, này gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.000 tỷ đồng.
Trong đó, ông Bê cùng cấp dưới Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) được xác định là đã giúp sức cho ông Danh rút trái phép hơn 1.800 tỷ đồng của VNCB.
Tương tự, ông Danh thực hiện các hợp đồng vay khống với TPBank vay 1.666 tỷ đồng, gây thiệt hại cho VNCB 1.700 tỷ đồng.
Ông cũng sử dụng 12 pháp nhân công ty do mình thành lập vay 4.700 tỷ đồng của BIDV. Sau khi tất toán, các hợp đồng này gây thiệt hại cho VNCB 2.550 tỷ đồng.
|
Các bị cáo trước phiên xử. |
Phiên xử dự kiến kéo dài đến ngày 7/2.
Trước đó, trong giai đoạn điều tra ban đầu về những sai phạm tại VNCB, ông Danh bị TAND Cấp cao tại TP.HCM giữ nguyên mức án 30 năm tù về các tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ông và đồng phạm bị buộc phải nộp lại 9.000 tỷ đồng thiệt hại cho VNCB. |
Theo VNE