Sau khi bị bắt, Vũ “nhôm” sẽ được điều tra ra sao?

Thứ sáu, 05/01/2018, 13:13
Theo luật sư, sau khi bị bắt giữ, quy trình tiến hành tố tụng tiếp theo đối với ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Đối tượng Phan Văn Anh Vũ.

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Cty luật ICC, cho biết: Theo thông tin báo chí nêu, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Anh Vũ (thường gọi là Vũ “nhôm”), về tội “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước”, theo Điều 263 Bộ luật Hình sự.

Tiếp đó, Cơ quan An ninh điều tra ra quyết định truy nã sau khi xác định ông Vũ không có mặt tại nơi cư trú. Đến ngày 4/1/2018, Cơ quan An ninh điều tra tiếp nhận, bắt bị can Phan Văn Anh Vũ, sau khi ông Vũ bị Singapore trục xuất.

Như vậy, theo luật sư Nguyễn Thanh Tùng, quy trình tiến hành tố tụng tiếp theo đối với ông Vũ sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Theo đó, Cơ quan An ninh điều tra sẽ ra quyết định đình nã bị can này.

Đồng thời, do ông Vũ đã bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã nên căn cứ theo Điểm c Khoản 2 Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an sẽ ra lệnh/ quyết định bắt bị can để tạm giam đối với ông Vũ. Lệnh/quyết định bắt bị can để tạm giam phải được Viện Kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

“Ngoài các biện pháp nhằm thu thập chứng cứ đã tiến hành trước đó như khám xét, thu giữ, Cơ quan điều tra sẽ tiến hành thêm một loạt các biện pháp cần thiết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đối với ông Vũ để điều tra, làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Trong đó, có thể kể đến các hoạt động như: hỏi cung bị can, triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra, trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản. Việc tiến hành đầy đủ toàn bộ hay chỉ một trong số hoạt động điều tra đã nêu sẽ do Cơ quan điều tra cân nhắc về sự cần thiết” - luật sư Tùng nói.

Cũng theo luật sư Tùng, quá trình điều tra, nếu có căn cứ xác định còn tội phạm khác chưa bị khởi tố thì Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự. Nếu phát hiện còn người phạm tội khác trong vụ án chưa được khởi tố thì Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can. Việc này nhằm giải quyết toàn diện vụ án, tránh bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

“Việc điều tra sẽ kết thúc khi Cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra. Trong trường hợp đề nghị truy tố, bản kết luận điều tra sẽ ghi rõ diễn biến hành vi phạm tội; chứng cứ xác định hành vi phạm tội của bị can, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đặc điểm nhân thân của bị can; việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật và việc xử lý vật chứng; nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội và tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án; lý do và căn cứ đề nghị truy tố; tội danh, điều, khoản, điểm của Bộ luật hình sự được áp dụng; những ý kiến đề xuất giải quyết vụ án”- luật sư Tùng cho biết.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn