|
Bị cáo Phạm Công Danh tại tòa ngày 9/1. |
Theo cáo trạng của VKS, để có tiền sử dụng vào mục đích riêng, ông Phạm Công Danh dùng đúng một chiêu thức là lập các hồ sơ khống từ các Cty do ông Danh lập ra để vay tiền 3 ngân hàng Sacombank, TPBank và BIDV. Trong đó vay của BIDV 4.700 tỷ đồng. Tại Sacombank, ông Danh cũng chỉ đạo thuộc cấp lập 6 bộ hồ sơ vay vốn khống và Sacombank đã giải ngân 1.800 tỷ đồng cho 6 Cty của ông Danh. Do cả 6 Cty này không có hoạt động sản xuất kinh doanh, không có tài sản đảm bảo nên VNCB thiệt hại đúng số tiền vay của Sacombank.
Tại TPBank, ông Danh dùng thủ đoạn phát hành trái phiếu ủy thác thông qua Cty CP quản lý Quỹ Lộc Việt. Quỹ Lộc Việt mượn pháp nhân các Cty của ông Danh để vay tiền TPBank. Khi vay được tiền, Quỹ Lộc Việt mua trái phiếu của tập đoàn Thiên Thanh và Cty Trung Dung (Cty của ông Danh) để dòng tiền trở lại tài khoản của ông Danh. TPBank ký hợp đồng tín dụng với 11 Cty của ông Danh, giải ngân 1.666 tỷ đồng.
Ngoài thủ đoạn lập và lấy pháp nhân các Cty để đứng ra vay tiền, trong 3 vụ vay tiền của 3 ngân hàng, ông Danh đều mang VNCB ra bảo lãnh, do các Cty đứng vay tiền cho ông đều do ông Danh lập ra và không hoạt động gì nên khi đến hạn trả nợ, VNCB phải lãnh hậu quả khi bị thiệt hại trên 6.100 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, trong các phi vụ vay tiền của ông Danh, chỉ có VNCB thiệt hại 6.100 tỷ đồng, 3 ngân hàng cho vay đều không thiệt hại. Ngoài phần vốn, 3 ngân hàng này còn thu lãi hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, dù không thiệt hại nhưng những cá nhân tham gia vào việc cho vay đều bị quy buộc tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”.
Về 140 người không bị xử lý hình sự nhưng có liên quan đến hành vi phạm tội của ông Phạm Công Danh và các đồng phạm, cáo trạng đề nghị Tòa tiếp tục điều tra công khai tại tòa để làm rõ hành vi vi phạm, trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, nếu có căn cứ thì tiếp tục xử lý nhằm “Giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, đầy đủ, tránh bỏ lọt tội phạm”.
Bà Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín) vừa có đơn xin vắng mặt vì sức khỏe hiện chỉ còn 7%; Ông Trần Bắc Hà có đơn xin vắng mặt với lý do ung thư đang điều trị tại bệnh viện; 2 Phó tổng giám đốc BIDV là Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang cùng nhiều người khác… cũng xin vắng mặt vì lý do sức khỏe không đảm bảo. Những người này đồng ý sử dụng lời khai của mình tại cơ quan điều tra ban đầu để sử dụng tại phiên tòa.
Tòa đã triệu tập ông Trần Quý Thanh và con gái Trần Ngọc Bích đến tòa. Ông Thanh ủy quyền cho người đại diện, bà Bích trực tiếp đến tòa. Cáo trạng của VKS công bố chiều 9/1 cho rằng ông Danh khai đã chuyển cho ông Trần Quý Thanh 195 tỷ đồng từ nguồn tiền vay của TPBank nhằm để trả lãi ngoài cho ông Thanh.
Theo Tiền Phong