Ông Đặng Thanh Bình (sinh 1954) có tới 25 năm công tác trong ngành ngân hàng.
Năm 1994, ông Bình giữ vai trò Vụ trưởng Vụ Các định chế tài chính. Sau 3 năm, ông được điều chuyển về Vụ Pháp chế với chức vụ tương đương, trực thuộc ngân hàng Nhà nước.
5 năm sau (năm 2002), ông giữ chức vụ Vụ trưởng tại Vụ Tổ chức cán bộ Ngân hàng Nhà nước.
Ông Đặng Thanh Bình. (Ảnh: TTXVN) |
Năm 2005, ông Bình được bổ nhiệm làm Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cùng với người đồng cấp là ông Nguyễn Đồng Tiến.
Ông Đặng Thanh Bình cũng có thời gian khoảng 1 năm kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Ông Bình cũng là Chủ tịch đầu tiên của VAMC.
Nắm giữ cương vị mới ở Ngân hàng Nhà nước, ông Bình là lãnh đạo chuyên trách về nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Là người có đóng góp không nhỏ trong việc thúc đẩy sự ra đời của VAMC, ông Bình cũng nắm vị trí Trưởng ban trù bị thành lập công ty. Tháng 7/2013, ông trở thành người đầu tiên giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Thành viên của Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, quản lý các hoạt động chính là mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng, thu hồi nợ, xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm…
Lúc này, ông Bình vẫn kiêm nhiệm hoạt động tại Ngân hàng Nhà nước.
Thời điểm ông Bình nắm giữ chức vụ chủ chốt ở VAMC, tổng số nợ xấu đã được công ty mua lại vào khoảng 51.000 tỷ đồng. Đến cuối năm 2014, tổng nợ đã mua đạt tăng gấp đôi đạt 123.000 tỷ đồng và xử lý được khoảng 4.000 tỷ đồng.
Tuy vậy, chỉ sau chưa đầy 1 năm, ông Bình phải chuyển giao vị trí Chủ tịch lại cho Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thành viên Nguyễn Quốc Hùng. Cùng lúc, ông này cũng thôi đảm nhiệm chức vụ tại Ngân hàng Nhà nước vì đến tuổi nghỉ hưu.
Ngày 8/9/2017, ông Đặng Thanh Bình bị khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 285, Bộ luật Hình sự vì có liên quan vụ án thất thoát ngàn tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) của Phạm Công Danh. Trước đó, cuối tháng 7/2014, Phạm Công Danh bị bắt vì liên quan đến vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo đó, VNCB tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (Trustbank). Vào thời điểm tái cấu trúc và đổi tên (tháng 5/2013), Trustbank có 23 năm hoạt động với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng và tổng tài sản hơn 28.000 tỷ đồng. Tập đoàn Thiên Thanh do Phạm Công Danh làm chủ tịch đã cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc Trustbank và đổi tên thành VNCB. Trong quá trình tái cơ cấu, Phạm Công Danh và đồng phạm đã khiến ngân hàng này thất thoát 9.000 tỷ đồng. Phạm Công Danh sau đó đã bị đưa ra xét xử và phải lĩnh 30 năm tù về các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”… |
Theo VtcNews