|
Một đường dây mua bán người bị TAND tỉnh Tây Ninh đưa ra xét xử |
Ngày 20.5, Công an H.Bến Cầu (Tây Ninh) cho biết vừa bàn giao Ngô Thị Gái (44 tuổi) và Ngô Thị Vân (42 tuổi, em ruột Gái, cùng ngụ xã Phước Thạnh, H.Gò Dầu) cho Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh Tây Ninh để điều tra làm rõ về hành vi mua bán người.
Trước đó, tối 26.4, tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Công an H.Bến Cầu phối hợp PC45 Công an tỉnh Tây Ninh và công an tại TP.HCM, bắt quả tang Gái đang tổ chức đưa 6 phụ nữ quốc tịch Campuchia ra Hà Nội để bán sang Trung Quốc.
Vân cũng bị bắt khẩn cấp ngay sau đó. Tại cơ quan công an, Vân và Gái khai nhận, thấy nhiều phụ nữ người Campuchia gặp khó khăn trong cuộc sống, nên cả hai đã dụ dỗ, hứa hẹn đưa họ sang Trung Quốc… để có cuộc sống giàu sang. Gia đình mỗi phụ nữ nhận được từ Vân 500 - 1.000 USD. Sau đó, các phụ nữ này được đưa ra Hà Nội, rồi theo đường bộ đến Trung Quốc.
Ngoài 6 người được giải cứu, Vân và Gái còn khai nhận, đường dây này đã đưa trót lọt 6 phụ nữ Campuchia khác sang Trung Quốc bán cho đàn ông nước này làm vợ. Hiện Công an tỉnh Tây Ninh tiếp tục điều tra và hoàn tất thủ tục trao trả 6 nạn nhân cho phía Campuchia.
Thủ đoạn tinh vi, chuyên nghiệp
Trước đó, hàng loạt đường dây mua bán người cũng đã bị Công an tỉnh Tây Ninh triệt phá, hàng trăm phụ nữ được giải cứu. Thiếu tá Võ Tấn Dũng, Đội trưởng Đội phòng ngừa đấu tranh chống tệ nạn xã hội về mua bán người (PC45 Công an tỉnh Tây Ninh), cho biết phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp và kín đáo hơn.
Theo thiếu tá Dũng, phương thức mới nhất của loại tội phạm mua bán người hiện nay là không trực tiếp tổ chức tuyển chọn, đưa đi nước ngoài bán như trước đây. Theo đó, sau khi đã tìm kiếm, tuyển chọn được phụ nữ, các đối tượng chụp ảnh rồi gửi tin nhắn cho người nước ngoài xem mặt lựa chọn. Những phụ nữ được chọn sẽ được hướng dẫn tự đi máy bay ra Hà Nội hoặc sang thẳng Trung Quốc, trong khi các đối tượng không trực tiếp đi cùng nạn nhân.
Một thủ đoạn tinh vi khác là các đối tượng nữ thường lợi dụng mạng xã hội kết bạn, làm quen với phụ nữ ở các tỉnh, đặc biệt là ở các vùng quê. Sau một thời gian quen biết thân hơn, những đối tượng này dụ dỗ nạn nhân về quê chơi, sau đó lừa gạt bán sang nước ngoài.
Theo thống kê của cơ quan xuất nhập cảnh Tây Ninh, tình trạng phụ nữ xuất cảnh đi nước ngoài với mục đích đi du lịch, lấy chồng hoặc tìm việc làm rất phổ biến. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tình hình mua bán người ở địa phương này trở nên phức tạp trong những năm gần đây.
Cũng theo thiếu tá Dũng, từ năm 2007 đến nay, Công an tỉnh Tây Ninh đã đấu tranh 60 vụ, trong đó có 49 chuyên án và 11 kế hoạch, bắt trên 350 đối tượng, giải cứu 306 nạn nhân. Đã khởi tố 49 vụ với 250 bị can, trong đó có 21 bị can người Trung Quốc, 3 bị can người Malaysia, còn lại chủ yếu là người VN; xử phạt vi phạm hành chính 109 đối tượng với số tiền trên 700 triệu đồng. Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận đã đưa trót lọt 478 phụ nữ ra nước ngoài, hiện vẫn còn 198 nạn nhân vẫn chưa xác định được địa chỉ cụ thể ở nước ngoài. Trong đó, qua xác định có nạn nhân bị bán nhiều lần, qua nhiều nơi khác nhau.
Trong chuyến công tác tại Tây Ninh mới đây, bà Hà Thị Vân Khánh, điều phối viên quốc gia của dự án LHQ hợp tác hành động Chống lại buôn bán người (UN-ACT) ở VN, cho biết ai cũng có thể trở thành nạn nhân bị buôn bán nếu thiếu hiểu biết và mất cảnh giác. Trong đó, phụ nữ, trẻ em và cả nam giới có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có việc làm ổn định; những phụ nữ sống trong gia đình có hoàn cảnh éo le, bạo lực; phụ nữ nuôi con một mình, góa chồng; trẻ em lang thang, cơ nhỡ... đều dễ trở thành nạn nhân của các đường dây buôn bán người. Bằng những thủ đoạn hứa hẹn tìm việc làm nhàn hạ có lương cao; bị bắt cóc, bị dụ dỗ hay giúp đỡ tiền bạc rồi ràng buộc nạn nhân vào cảnh nợ nần phải phụ thuộc vào chúng; môi giới kết hôn hoặc làm con nuôi. Xu hướng chung là sau khi bị bán ra nước ngoài, nạn nhân thường bị bóc lột tình dục, bóc lột sức lao động, lấy nội tạng... |
Theo Thanh Niên