|
Ba bị cáo có mặt tại toà sáng 21-5 |
Ngày 21-5, phiên tòa xét xử vụ án 8 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục với phần trình bày ý kiến của người thân của các nạn nhân.
"Bác sĩ Lương không có tội"
Khi được hỏi về kiến nghị với các bị cáo, hầu hết gia đình của các nạn nhân đều có câu trả lời chung là "bác sĩ Lương không có tội".
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết - con gái của nạn nhân Nguyễn Thị Minh - cho biết khi xảy ra sự cố bác sĩ Lương đã tận tình cứu chữa, làm hết mình và hết trách nhiệm.
Theo bà Tuyết, nguyên nhân gây ra sự cố đáng tiếc được cơ quan chức năng kết luận là do hóa chất tồn dư trong hệ thống lọc nước nên những người quản lý, sửa chữa thiết bị phải chịu trách nhiệm.
"Việc bảo trì, bảo dưỡng máy móc là trách nhiệm của bên vật tư, thiết bị. Theo hiểu biết của chúng tôi bác sĩ Lương chỉ chữa bệnh chứ không thể chịu trách nhiệm liên quan máy móc", bà Tuyết nói.
|
Đại diện gia đình nạn nhân đề nghị Tòa xử bác sĩ Lương vô tội |
Gia đình các nạn nhân cho biết, vụ việc đã xảy ra cách đây một năm, phần mộ người thân của họ đã xanh cỏ nhưng nỗi đau thì vẫn chưa nguôi.
Thế nhưng, hôm nay khi tòa xử những người bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm về sự cố ấy thì họ lại nén nỗi đau để xin tội cho bác sĩ Lương và xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Trần Văn Sơn, Bùi Mạnh Quốc.
Trình bày với hội đồng xét xử (HĐXX), từ đầu đến cuối ông Phạm Ngọc Thảo (có vợ tử vong) đều gọi các bị cáo là "các cháu".
Ông Thảo mong muốn tòa làm rõ hành vi của những người thiếu trách nhiệm gây ra cái chết cho vợ mình, xử đúng người đúng tội để vong linh các nạn nhân được siêu thoát, đồng thời cũng xét xử không làm oan người vô tội.
"Các cụ có câu đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại. Thay mặt 8 gia đình nạn nhân, mong tòa phán xét và cố gắng nương nhẹ, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Sơn và bị cáo Quốc để các cháu trở về với xã hội.
Riêng cháu Lương, theo hiểu biết của chúng tôi cháu là bác sĩ, chỉ có chuyên môn trị bệnh chứ không thể chịu trách nhiệm về thiết bị, vật tư. Mong tòa xem xét cháu Lương không có tội", ông Thảo đề nghị.
Đề nghị điều tra trách nhiệm của ông Trương Quý Dương
Cùng với việc xin tội cho bác sĩ Lương, ông Đinh Văn Tính - bố của nạn nhân Đinh Thị Thu Hằng - còn đề nghị làm rõ trách nhiệm của ông Trương Quý Dương, nguyên giám đốc bệnh viện.
"Chúng tôi cũng theo dõi qua báo chí, nhiều chuyên gia phân tích thì tôi hiểu việc cho bệnh nhân uống thuốc gì, điều trị bệnh gì thì là của bác sĩ. Trang thiết bị là trách nhiệm của phòng vật tư. Trách nhiêm là của ông Trương Quý Dương ký hợp đồng với nơi không đảm bảo chuyên môn", ông Tính nói và đề nghị tòa xét xử đúng người đúng tội, không bỏ lọt tội phạm.
|
Gia đình nạn nhân cầm di ảnh người thân đến Toà |
Ông Nguyễn Hiếu Cường cho biết không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường. Theo ông Cường, bị cáo Quốc và bị cáo Sơn "cũng là nạn nhân trong hệ thống quản lý".
"Ngoài việc đề nghị tuyên bác sĩ Lương vô tội, tôi đề nghị xem xét lại chủ thể quản lý trong quá trình thực hiện hợp đồng bao gồm giám đốc bệnh viện và giám đốc công ty Thiên Sơn. Quá trình xét hỏi cho thấy ông Trương Quý Dương và Đỗ Anh Tuấn phải chịu trách nhiệm. Đề nghị Tòa cho điều tra làm rõ" - ông Cường nói.
Nhiều gia đình bị hại cũng xin giảm nhẹ cho hai bị cáo Sơn, bị cáo Quốc để "các cháu sớm trở về với gia đình, mai ra ngoài các cháu còn tiếp tục đi làm".
Họ cũng cho biết, sau vụ việc, gia đình bác sĩ Lương và bị cáo Quốc đã đến hỏi thăm và mỗi người hỗ trợ mỗi gia đình 10 triệu đồng.
"Chỉ dấu" cảnh báo cho ngành y
Liên quan đến trách nhiệm dân sự, gia đình của các bị hại cũng có câu trả lời chung là "bệnh viện phải bồi thường".
Họ yêu cầu phải bồi thường tiền mai táng phí, chi phí điều trị, tiền cấp dưỡng cho các cháu nhỏ có bố hoặc mẹ tử vong. Riêng tiền tổn thất tinh thần, gia đình bị hại đề nghị mức bồi thường là 100 tháng lương (tương đương 130 triệu đồng).
Gia đình các nạn nhân cũng có một nguyện vọng sẽ đưa phần mộ các nạn nhân tập trung về một nơi. Họ đề nghị được mua đất, làm mộ cho người thân ở khu Lạc Hồng Viên, mức giá là 148 triệu/1 gia đình.
Đại diện gia đình một nạn nhân nói nguyện vọng này xuất phát từ việc các nạn nhân khi còn sống đã cùng trải qua những ngày tháng sống cùng nhau tại đơn nguyên thận nhân tạo, cùng trải qua những đau đớn bệnh tật, bên nhau những lúc tuyệt vọng và nay chết cùng một ngày.
Họ cũng nghĩ rằng việc hài cốt các nạn nhân được tập kết ở một nơi như một sự cảnh báo với ngành y.
"Chúng tôi hy vọng khu tập kết của các nạn nhân sẽ là chỉ dấu cảnh báo cho ngành y. Những người có trách nhiệm và những người công tác trong ngành y nhìn vào "chỉ dấu" đó để rút kinh nghiệm và không để xảy ra vụ việc đau lòng khác", đại diện một gia đình nói.
Theo TTO