|
Công an P.Phú Hội (TP.Huế) phá khóa giải cứu gia đình bà Quy |
Đòi nợ kiểu “xã hội đen”
Tình trạng tín dụng đen hoạt động với chiêu thức tinh vừa được thượng tá Võ Văn Sáu, Phó trưởng Công an TP.Huế (Thừa Thiên-Huế), cảnh báo tại buổi họp báo 6 tháng đầu năm 2018 của UBND TP.Huế. Nhận định này có cơ sở, nếu xâu chuỗi các vụ việc liên quan trên địa bàn.
Trước đó, chiều 23.4, Công an P.Phú Hội (TP.Huế) nhận thông tin trình báo và đến giải cứu 4 thành viên gia đình bà Lê Thị Quy (74 tuổi, ở số 2 Bà Triệu, TP.Huế) bị "giam lỏng". Theo bà Quy, bà cùng 3 người thân đang ở trong nhà thì có khoảng 10 thanh niên lạ mặt kéo đến bất ngờ dùng ổ khóa lớn khóa trái cửa sắt của gia đình. "Họ còn dùng keo dán sắt (loại keo 502) nhỏ vào ổ khóa nhằm ngăn mọi người giúp gia đình chúng tôi mở khóa", bà Quy nhớ lại. Nguyên do của vụ đe doạn, khủng bố tinh thần này là một thành viên trong gia đình bà Quy lâm nợ từ “tín dụng đen”.
Một cơ sở "tín dụng đen" trưng bảng hoạt động công khai trên đường Điện Biên Phủ - Cột điện bị dán kín quảng cáo cho vay tiền ở TP.Huế |
Ngày 15.5, một nhóm đòi nợ thuê từ Hải Phòng đã vào TP.Huế, đến thuê phòng ở khách sạn Champa (địa chỉ 1/6 Văn Cao, TP.Huế) với mục đích tìm ông chủ khách sạn để đòi nợ. Phía khách sạn Champa gọi điện trình báo, chiều 20.5 Công an TP.Huế cử lực lượng đến giải thích pháp luật, hướng dẫn nhóm người này đưa vụ việc ra tòa án, nhưng sau đó họ vẫn không chịu rời đi. Đến tối 20.5, nghi can Lương Văn Hậu (trong nhóm đòi nợ) đã yêu cầu anh Nghiêm Duy Anh Phương (31 tuổi, nhân viên lễ tân) đi ra phía trước khách sạn để nói chuyện, sau đó bất ngờ rút dao bấm đâm anh Phương trọng thương. Công an TP.Huế bắt giữ Hậu và khởi tố vụ án cố ý gây thương tích…
Chiêu trò lách luật
Hoạt động “tín dụng đen” ở TP.Huế đang hoạt động rầm rộ. Chỉ cần dừng xe chờ đèn đỏ, người đi đường lập tức nhận được các tờ rơi quảng cáo vay tiền nhanh, không cần thế chấp tài sản hay thủ tục rườm rà… như các ngân hàng. Các tổ chức “tín dụng đen” còn tung lực lượng dán quảng cáo trên cột điện, bờ tường, nơi công cộng… Từ các quảng cáo rầm rộ này, không ít người “dính câu” và dẫn đến nợ nần. Nhiều gia đình đã điêu đứng vì con cái âm thầm vay tiền tiêu xài rồi mất khả năng hoàn trả. Không chỉ thanh niên lêu lỏng, mê cờ bạc, cá độ… mà cả một số viên chức nhà nước, công chức cũng dính nợ khi cần tiền.
Theo trung tá Phan Nguyễn Nhân Hạnh, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP.Huế, trên địa bàn TP.Huế hiện có 4 doanh nghiệp, 3 hộ kinh doanh và khoảng 11 chi nhánh hoạt động theo hình thức “tín dụng đen”. Hầu hết các doanh nghiệp này có đăng ký kinh doanh và thành lập doanh nghiệp ở Sở KH-ĐT, trong đó chủ doanh nghiệp đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An và TP.HCM.
Dù thực chất là hoạt động tín dụng đen, cho vay với lãi suất cao, nhưng trên giấy tờ thì cơ quan chức năng khó có thể tìm ra lỗi vi phạm của họ để xử lý. Khi có người đến vay tiền, các cơ sở cho vay không bao giờ làm hợp đồng vay mà chỉ làm hợp đồng dân sự mua bán tài sản. Ví dụ, người vay tiền có xe máy trị giá 40 triệu đồng sẽ bị cơ sở cho vay làm “hợp đồng mua bán” xe, sau đó... cho lại chính chủ nhân chiếc xe thuê với giá “cắt cổ”.
Với hình thức đó, nhiều người mê cờ bạc, cá độ đã trở thành “con mồi”; dù họ vay khoản tiền rất lớn nhưng người thân vẫn không hề hay biết vì vẫn thấy tài sản cá nhân còn đó. Chỉ khi mất khả năng trả nợ, bị đòi nợ ráo riết, câu chuyện mới vỡ lở... Qua theo dõi, Công an TP.Huế đã nắm được một số cơ sở cho vay liên kết với các băng nhóm xã hội, giang hồ để đòi nợ. Khi không đòi được nợ, các cơ sở này lại dùng đến công cụ pháp luật, “giở” hợp đồng thuê tài sản, thuê xe… để kiện người vay về tội chiếm đoạt tài sản, lúc đó tòa án buộc phải thụ lý.
Hiện tại, Công an TP.Huế đang kiến nghị ngành VH-TT tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về quy định quảng cáo công cộng của các cơ sở này. Vì nếu hoạt động kinh doanh theo ngành nghề trong giấy phép nhưng quảng cáo, trưng bảng hiệu cho vay là vi phạm.
“Khi các cơ quan chức năng chưa thể có căn cứ để xử lý pháp luật các tổ chức tín dụng đen trá hình, thì biện pháp duy nhất hiện tại là người dân cần phải nâng cao cảnh giác và tỉnh táo để không dính vào các khoản vay với các hình thức tín dụng này”, trung tá Hạnh chia sẻ.
Cho vay rồi... cướp xe con nợ
Tại TP.Đà Nẵng, một số biểu hiện tín dụng đen cũng xuất hiện. Chiều 6.8, Công an H.Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) khởi tố, bắt tạm giam Trần Mạnh Cường, Lê Minh Đức (cùng 24 tuổi, cùng ngụ TT.Quang Minh, H.Mê Linh, Hà Nội) về tội “Cướp tài sản”.
Trước đó, anh Nguyễn Thanh Ngọc (34 tuổi, ngụ Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) mở quán cà phê, cần tiền chi trả và được Cường, Đức dụ vay tiền. Để vay 5 triệu đồng, Cường bắt anh Ngọc viết giấy bán xe rồi làm hợp đồng cho anh Ngọc... thuê lại xe của chính mình, mục đích để lách chi tiết lãi suất cho vay cắt cổ.
Sáng 22.7, anh Ngọc đi xe máy đến Công ty TNHH đầu tư và phát triển Bắc Nghĩa Cường tại H.Hòa Vang để trả tiền lãi cho Cường thì xảy ra xô xát (liên quan đến khoản phạt chậm trả nợ); Cường đánh Ngọc gãy răng, còn Đức ép Ngọc viết giấy cầm cố xe máy giá 8 triệu đồng. Đáng chú ý, Công ty Bắc Nghĩa Cường quảng cáo dịch vụ tư vấn mua bán và cho thuê ôtô, xe máy nhưng thực chất để núp bóng cho vay nặng lãi.
Cuối năm 2017, TAND Q.Hải Châu đã đưa ra xét xử nhóm bắt giữ người trái pháp luật do Nguyễn Thị Thanh Nguyệt (43 tuổi, ngụ TP.HCM) cầm đầu cùng 4 đồng phạm. Có nạn nhân bị bắt cóc, đánh đập, ép viết khống giấy nhận nợ hơn 2,3 tỉ đồng; có trường hợp vay 4 triệu đồng với lãi suất 10%/tháng, trả mãi vẫn không hết nợ nên bị bắt nhốt, đánh đập.
|
Theo Thanh Niên