Phân biệt đòi nợ hợp pháp và xã hội đen

Thứ sáu, 24/08/2018, 08:40
Dự thảo yêu cầu các đơn vị phải cấp trang phục tự thiết kế cho người lao động và trên trang phục phải có tên doanh nghiệp.

Một số công ty tài chính hiện nay thuê công ty đòi nợ thu hồi các khoản nợ

Nhân viên đi đòi nợ thuê phải mặc đồng phục, đó là một trong những điểm tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 104/2007 của Chính phủ về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ vừa được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến.

Dự thảo yêu cầu các đơn vị phải cấp trang phục tự thiết kế cho người lao động và trên trang phục phải có tên doanh nghiệp (DN). Mẫu trang phục công khai tại trụ sở chính và các chi nhánh. Nhân viên phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi làm việc trực tiếp với khách nợ; cung cấp hợp đồng ủy quyền đòi nợ cho khách nợ và các tổ chức, cá nhân liên quan đến khoản nợ khi thực hiện đòi nợ. Công ty phải thu hồi lại trang phục, thẻ nhân viên đã cấp khi người lao động chấm dứt hợp đồng...

Đồng phục nên được đăng ký, kiểm duyệt

Công an Hà Nội đang điều tra, bắt giữ 7 đối tượng có hành vi cho vay tài chính, đòi nợ, ném chất bẩn; thu giữ 128 giấy vay tiền, 8 quyển sổ ghi nợ, 5.000 tờ rơi quảng cáo cho vay tài chính. Các đối tượng khai nhận từ tháng 5.2018 đến nay gây ra 8 vụ đổ chất bẩn vào 5 căn hộ tại các địa bàn Quang Trung, Phú La, Vạn Phúc, La Khê, Nguyễn Trãi.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), có 372 trường hợp khiếu nại liên quan về tài chính, ngân hàng trong 6 tháng đầu năm nay. Cơ quan này đã tiếp nhận 90 cuộc gọi phản ánh bị gọi điện đe dọa, đòi nợ.

Thực tế hiện nay các công ty tài chính đều thuê các công ty đòi nợ thu hồi các khoản nợ. Nhiều khách hàng vay tiền, người thân của họ liên tục nhận các cuộc điện thoại bất kể ngày đêm để đòi nợ, hăm dọa, khủng bố. Hàng loạt vụ đòi nợ thuê theo kiểu “xã hội đen” đã gây mất trật tự an ninh xã hội trong thời gian qua.

Luật sư Bùi Quang Tín, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng việc quy định mặc đồng phục đối với dịch vụ đòi nợ là hợp lý, nhằm phân biệt được đâu là dịch vụ hợp pháp, đâu là xã hội đen. Theo ông Tín, quy định là vậy nhưng thực tế việc giám sát thực hiện này như thế nào là không đơn giản. Trong trường hợp nhân viên công ty đòi nợ không mặc đồng phục thì đơn vị nào xử lý, ông Tín nêu ví dụ.

Đồng tình phải có đồng phục cho nhân viên đi đòi nợ thuê, nhưng chuyên gia Huỳnh Trung Minh cho rằng mẫu đồng phục như thế nào để không phản cảm phải được nghiên cứu. Đặt trường hợp nhân viên đòi nợ mặc một bộ đồng phục na ná quân phục của công an hay bộ đội, hay trang phục quá hầm hố với những dòng chữ đòi nợ thuê to đùng… đứng trước trụ sở DN hay gia đình cá nhân, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không ít đến hoạt động kinh doanh, cuộc sống của họ. "Mẫu đồng phục cho dịch vụ đòi nợ cần đăng ký, kiểm duyệt với cơ quan chức năng", ông Minh đề xuất.

Giám đốc phải có bằng đại học

Theo dự thảo, tiêu chuẩn của người hoạt động trong dịch vụ đòi nợ là phải được tuyển dụng theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có xác định thời hạn từ 6 tháng trở lên; có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh. Người quản lý và giám đốc chi nhánh công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc các ngành kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh; chưa từng bị kết án...

Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) đề nghị bỏ điều kiện về trình độ đại học của giám đốc DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Ngược lại, chuyên gia Huỳnh Trung Minh cho rằng hoạt động trong lĩnh vực đòi nợ cần phải có những bằng cấp là điều hợp lý. Điều này đòi hỏi người tham gia lĩnh vực này phải có trình độ nhất định về mặt xã hội, pháp luật, nếu không sẽ có tình trạng đổ thừa do nhận thức hạn hẹp nên có những hành vi “hăm dọa” người khác, gây bất ổn xã hội hoặc xã hội đen núp bóng.

Thế nhưng quy định cũng không nên đưa ra bằng đại học hay trung cấp trong lĩnh vực “kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh”, miễn sao người quản lý, lao động có trình độ đại học, trung cấp ngành nào cũng nên tôn trọng. Đồng tình quan điểm này, luật sư Bùi Quang Tín cho rằng người hoạt động trong lĩnh vực đòi nợ cần phải có học vấn nhất định để có cách xử lý, ứng xử phù hợp trong việc đòi nợ mà không vi phạm pháp luật.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn