|
Bị cáo Vũ “nhôm” tại tòa hôm 30/11. |
Cách ly, lời khai vẫn khớp nhau
Quá trình xét hỏi, HĐXX cách ly bị cáo Bình và Vũ “nhôm”, đối chiếu lời khai của hai bị cáo trên tòa thì khớp với nhau.
Cụ thể liên quan đến số tiền 600 tỷ đồng, bị cáo Vũ “nhôm” thừa nhận có quen biết, thân nhau như anh em và rất tin tưởng ông Bình. “Anh Bình muốn bị cáo trở thành cổ đông lớn của DAB nên đã đề nghị bị cáo mua 60 triệu cổ phần - tương đương 600 tỷ đồng”. Để có tiền mua số cổ phần này, Vũ “nhôm” thế chấp 220 lô đất ở TP Đà Nẵng, vay DAB được 400 tỷ đồng. Còn thiếu 200 tỷ, Vũ “nhôm” lên Hội sở DAB gặp ông Bình. Tại đây, Vũ đã ký khống chứng từ nộp 200 tỷ vào DAB. Sau đó, ông Bình chỉ đạo nhân viên xuất quỹ chuyển cho Vũ để mua cổ phần.
Sau khi nâng vốn điều lệ không thành, Vũ “nhôm” thừa nhận, Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 có nhận về từ DAB 609 tỷ đồng thì mua 50 triệu cổ phần của chính DAB từ 4 cổ đông (cổ đông đứng tên sở hữu cổ phần hộ Trần Phương Bình) với giá 500 tỷ đồng. Còn 100 tỷ đồng, Vũ khai cũng dùng để mua cổ phần: “Anh Bình chỉ đạo Công ty vốn An Bình bán gần 14 triệu cổ phần DAB với giá 136 tỷ đồng. Bị cáo đã thanh toán 46 tỷ đồng, đến nay còn nợ 90 tỷ đồng”.
Về khoản tiền 200 tỷ đồng mà cáo trạng quy kết, Vũ “nhôm” chỉ nộp 400 tỷ đồng nhưng nhận 600 tỷ đồng, tức là đã chiếm đoạt của DAB 200 tỷ đồng gốc do ký chứng từ nộp khống mà có.
Cả hai bị cáo Bình và Vũ “nhôm” cũng có cách lý giải khá giống nhau. Bị cáo Bình khai rằng do khi nộp vào DAB 600 tỷ đồng (trong đó có 200 tỷ đồng ông Bình, Vũ “nhôm” nộp khống) nên khi hoàn trả theo sổ sách kế toán thì phải trả luôn 600 tỷ đồng. Còn lời khai Vũ “nhôm” cho rằng 400 tỷ đồng (tiền nộp thật) và 200 tỷ đồng (nộp khống) đã hòa vào thành một dòng tiền, vì vậy nhận lại 600 tỷ đồng. Vũ “nhôm” cho rằng đó cũng là tiền ông mượn vì bị cáo còn tài sản thế chấp có giá trị lớn cho DAB.
Như vậy, lời khai của bị cáo Vũ “nhôm” và Trần Phương Bình khá khớp nhau trong việc truy đường đi dòng tiền 600 tỷ đồng.
Vũ “nhôm” kêu oan
Bị cáo Vũ “nhôm” khẳng định mình bị oan. Theo Vũ “nhôm”, quan hệ làm ăn giữa bị cáo này với ông Trần Phương Bình là quan hệ dân sự.
Còn lời khai bị cáo Bình, do chưa nghĩ đến việc cho Vũ vay nên không đặt ra việc phải có giấy tờ hay hợp đồng vay vốn, dẫn đến không thực hiện đúng thủ tục. Bị cáo ứng tiền trước cho Vũ với hi vọng tăng vốn điều lệ DAB thành công. “Việc này không giống như việc cho vay bình thường. Bởi cho vay thì nghĩ đến lãi và thời gian hoàn trả. Do đó, việc chi tiền cho Vũ không đúng với quy định cho vay”, bị cáo Bình khai.
Tại tòa, cả hai bị cáo đều khẳng định đây là giao dịch dân sự vay, mượn thường xuyên giữa hai bên. Vũ còn thừa nhận đã có vay mượn hàng chục lần trước khi vay mượn 200 tỷ từ cá nhân bị cáo Bình.
Tại tòa, Vũ “nhôm” cho biết, đối với số tiền vay 200 tỷ và 13,4 triệu USD của ông Trần Phương Bình, bị cáo có trách nhiệm phải trả. “Dù trước giờ vay của anh Bình, anh không bao giờ đòi. Nay anh Bình gặp nạn, bị cáo thấy có trách nhiệm phải trả số tiền này. Trong vòng 30 ngày tới, bị cáo nói gia đình lấy tiền trả cho anh Bình”, Vũ khẳng định.
“Tính tới thời điểm ngày 29/11, gia đình đã nộp 173 tỷ đồng để trả lại cho ông Bình”, Vũ “nhôm” khai.
Vũ “nhôm” quyết không khai sử dụng 13,4 triệu USD vào việc gì Về khoản tiền vay 13,4 triệu USD, Vũ “nhôm” cho rằng đó là quan hệ dân sự. HÐXX hỏi ai là người chuyển tiền, bị cáo Bình nhận là người chuyển tiền. Số tiền này đưa tại TP.Hà Nội. Khi nhận tiền, Vũ “nhôm” khai sử dụng cá nhân, không trả lời câu hỏi sử dụng số tiền này vào việc gì. |
Theo Tiền Phong